Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà đầu tư cá nhân đổ tiền vào trái phiếu

3 tháng đầu năm, các nhà đầu tư cá nhân đã rót tổng cộng 9.546 tỷ đồng vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Số liệu từ HNX cho thấy, bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khối lượng và lãi suất phát hành trái phiếu lại có xu hướng tăng trong quý I vừa qua. Điều này trái với thông lệ quý I là giai đoạn thấp điểm của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp do trùng dịp Tết Nguyên đán và giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp.

Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp do SSI Research mới công bố cho biết, năm nay, lượng phát hành trái phiếu đã tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, đạt 47.500 tỷ đồng.

Trong đó, con số lớn nhất là 5.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng của Tập đoàn Masan, còn lại là 256 đợt phát hành riêng lẻ của 17 doanh nghiệp niêm yết và 48 doanh nghiệp chưa niêm yết.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành với hơn 23.200 tỷ đồng (chiếm 49% khối lượng phát hành toàn thị trường), tăng 9,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhóm ngân hàng phát hành 940 tỷ đồng (chiếm 2,3%) của ACB và TPB.

BSC Research trước đó cũng chỉ ra, trái phiếu chính là kênh huy động chính của phần lớn doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh dư địa cho vay từ kênh ngân hàng đang bị hạn chế. Tỷ lệ dư nợ trái phiếu/tổng nợ của nhóm này đã tăng mạnh từ mức 18,3% năm 2016 lên tới 45,7% năm 2019 vừa qua.

Cơ cấu phát hành trái phiếu doanh nghiệp quý I/2020 (Nguồn: HNX, SSI research tổng hợp):

Nhóm Số lượng (tỷ đồng) Tỷ trọng Lãi suất bình quân Kỳ hạn bình quân(năm)
Bất động sản 23.202 54% 10,77% 3,83
Phát triển hạ tầng 2.470 6% 11% 2,73
Ngân hàng 940 2,3% 9,26% 7,73
Định chế tài chính khác 1.441 3,5% 8,9% 1,83
Năng lượng 725 1,8% 10,49% 8,84
Khác 18.726 32,5% 10% 3,25
Tổng/bình quân 47.504 100% 10,39% 3,66

Số liệu thị trường cũng chỉ ra lãi suất phát hành trái phiếu đang tăng lên trong quý I.

Trong đó, lãi suất phát hành bình quân là 10,4%/năm, tăng 108 điểm cơ bản so với bình quân quý liền trước (IV/2019) và cao hơn trung bình cả năm 2019 là 157 điểm cơ bản.

Theo đánh giá của SSI, nguyên nhân chủ yếu do năm 2019 nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng phát hành lớn và có lãi suất thấp nhất thì trong quý I vừa qua lại phát hành rất ít, lãi suất bình quân cũng tăng mạnh lên 9,26%/năm (tăng 221 điểm) và kỳ hạn bình quân dài hơn (đạt 7,73 năm).

Nhóm doanh nghiệp ngành năng lượng có lãi suất bình quân tăng 102 điểm, đạt 10,5%/năm cũng do kỳ hạn phát hành dài hơn, ở mức 3,31 năm.

Riêng về nhóm bất động sản, lãi suất phát hành bình quân trong quý vừa qua là 10,77%/năm, tăng 43 điểm cơ bản so với bình quân năm trước dù kỳ hạn phát hành ngắn hơn 1-2 tháng.

Đặc biệt, tương tự thị trường chứng khoán đón nhận làn sóng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia trong quý I, thị trường trái phiếu cũng ghi nhận xu hướng cá nhân đổ tiền mạnh.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm nay, nhóm nhà đầu tư này đã rót tổng cộng 9.546 tỷ vào kênh trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, dòng tiền này đến hầu hết từ nhà đầu trong nước, các cá nhân nước ngoài mua chỉ mua vỏn vẹn 9, 6 tỷ đồng.

Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trên tổng lượng phát hành toàn thị trường tương đương 20%, cao gấp đôi so với trung bình năm 2019. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mua nhiều nhất là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản với 6.300 tỷ, tương đương hơn 28% lượng phát hành của nhóm này.

“Thị trường chứng khoán hiện ghi nhận thanh khoản khoảng 4.000-5.000 tỷ/phiên, nhưng thị trường trái phiếu từ đầu năm ghi nhận trung bình tới 11.000 tỷ mỗi phiên. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu đang rất sôi động”, một chuyên gia tại sàn HNX nói với Zing mới đây.

Vị này cho biết, khối ngoại đã rút ròng 12.000 tỷ trong quý I, nhưng thanh khoản chứng khoán vẫn ổn định, thậm chí tăng mạnh ở trái phiếu do đang đón nhận dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Vị chuyên gia cũng cho biết, thanh khoản thị trường trái phiếu tăng mạnh cho thấy nhà đầu tư đang tin tưởng vào nền kinh tế của Việt Nam trong dài hạn, bất chấp ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh.

Giá vàng tăng lên mức cao nhất 2 tháng

Với giá bán ra 48,65 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC đang ở vùng giá cao nhất 2 tháng, hiện chỉ thấp hơn mức 49 triệu đồng/lượng thiết lập hồi cuối tháng 2.

Đại gia bán kem lãi hàng trăm triệu mỗi ngày

Với hơn 41% thị phần tiêu thụ kem trong nước, ông chủ hãng kem Merino và Celano đều đặn thu về hàng trăm triệu đồng lợi nhuận mỗi ngày.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm