Sáng 17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Tại đây, lãnh đạo Vinhomes, Novaland và GP.Invest đã đại diện cộng đồng doanh nghiệp nêu ra hàng loạt kiến nghị.
Doanh nghiệp chỉ xin hỗ trợ về cơ chế
Theo ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes, thị trường bất động sản đang có những vướng mắc nổi cộm như thủ tục pháp lý phê duyệt dự án còn chậm, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không phát hành được.
Trong khi đó, bất động sản liên quan mật thiết đến nhiều ngành nghề kinh doanh và các chuỗi cung ứng khác, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của hàng triệu lao động cũng như mang lại nguồn thu lớn cho Nhà nước.
"Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp kịp thời, sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung nhà ở sẽ càng thiếu hụt", ông Hoa nhấn mạnh.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Vinhomes mở đầu phát biểu đại diện cộng đồng doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Riêng với Novaland, Chủ tịch Bùi Thành Nhơn nhấn mạnh doanh nghiệp chỉ xin hỗ trợ về cơ chế để tự vượt qua. Ông kỳ vọng Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản trong 2-3 năm. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước.
"Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chọn Khu đô thị Aqua City (Đồng Nai) để Tổ công tác thí điểm tháo gỡ khó khăn và Novaland mong ước thời gian tháo gỡ trong 1 tháng. Đây là mấu chốt, là dự án sống còn của Novaland trong thời điểm hiện nay, nếu dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland để doanh nghiệp hoàn thiện dự án, thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, ngân hàng...", ông Nhơn đề xuất.
Ông cho hay Novaland đang có 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại, trong đó theo các điều kiện tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện được một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới vấn đề này được giải quyết, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường.
Tương tự, GP.Invest cũng đang có hàng loạt dự án nhà ở, văn phòng, cụm công nghiệp dự kiến triển khai với nhu cầu vay tín dụng khoảng 8.000 tỷ đồng trong thời gian tới. Chủ tịch Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị NHNN cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án xin vay làm tài sản đảm bảo nếu phương án có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.
Chính sách tín dụng cần có ‘dự lệnh’ trước khi ra ‘động lệnh’ để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GP.Invest
Đồng thời, ông đề nghị NHNN xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể, tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200%.
“Với bất động sản nói chung, tín dụng vẫn là ‘nguồn sữa’ chính cho các doanh nghiệp nên chúng tôi kính đề nghị về chính sách tín dụng cần có ‘dự lệnh’ trước khi ra ‘động lệnh’ để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp", ông Hiệp nói thêm.
Đồng thời, lãnh đạo các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn NHNN sớm có biện pháp hạ nhiệt lãi suất, cũng như Chính phủ sớm ban hành Nghị định 65 sửa đổi để khơi thông các nguồn vốn lớn của thị trường.
Doanh nghiệp cần có trách nhiệm với người dân và xã hội
Trước phát biểu của lãnh đạo các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phân tích rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình điều hành, tổ chức, thực hiện ở tất cả chủ thể liên quan.
"Trong bối cảnh thị trường hiện tại, liệu giá nhà đã được điều tiết hợp lý? Các doanh nghiệp bất động sản cùng ngân hàng nên làm gì lúc này? Các cấp chính quyền sẽ có vai trò như thế nào? Làm thế nào để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân theo đúng chủ trương lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ?", người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi.
Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Thủ tướng cũng nhấn mạnh để có thể giải quyết vấn đề của thị trường bất động sản cần có tư duy, phương pháp và cách tiếp cận đúng đắn. Ví dụ, ngân hàng không thể tập trung vào bất động sản mà phải cân đối với những ngành khác như thủy sản, dệt may...
Hay với trường hợp dự án của Novaland tại Phan Thiết, Thủ tướng nhắc lại lập trường về nền kinh tế tuần hoàn. Những vùng đất đẹp và có lợi thế phải dành cho sản xuất kinh doanh. Qua hoạt động này, người dân mới có việc làm, từ đó địa phương thu hút người đến sinh sống. Khi đó, các căn hộ được giao dịch, bất động sản có động lực phát triển và nhiều đô thị được tạo ra.
Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định dự án của Novaland chưa đáp ứng được điều đó. Ông thẳng thắn nói doanh nghiệp đã phát triển một loạt bất động sản thuộc phân khúc cao cấp trong khi số lượng việc làm tại địa phương chưa nhiều.
Nếu việc “giải cứu” được diễn ra, các doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm với người dân và xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Theo Thủ tướng, câu chuyện Novaland là vấn đề chung của toàn ngành. Các đơn vị phải nhìn nhận để sửa đổi về quy hoạch, tạo công ăn việc làm, cơ cấu lại phân khúc để người nghèo, người có thu nhập trung bình sớm có cơ hội mua nhà.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định chính quyền không thể buông bỏ các doanh nghiệp vì điều này sẽ kéo theo nhiều thiệt hại cho người lao động, người mua hàng. Tuy nhiên, nếu việc “giải cứu” được diễn ra, các doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm với người dân và xã hội.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tư duy, cách tiếp cận, xử lý vấn đề trong bối cảnh hiện nay phải đảm bảo cân bằng lãi suất và lạm phát, chính sách tiền tệ và tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
"Về bất động sản cũng vậy, kinh tế thị trường nên chúng ta phải tuân thủ quy luật cung - cầu và tìm điểm cân bằng giữa cung - cầu này. Quy luật cung - cầu của bất động sản hiện nay điểm cân bằng là gì? Chính là giá cả mà giá cả hiện nay đã phù hợp với điều kiện, thu nhập bình quân đầu người của người dân chưa? Phải chăng chúng ta đang lệch pha về cung - cầu nhà đất", Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng cho biết sau hội nghị sẽ có Nghị quyết tiếp thu ý kiến của các đại biểu, trên cơ sơ đó chỉ đạo, triển khai các giải pháp sao cho hài hòa lợi ích của đất nước, doanh nghiệp và người dân.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.