Truyền thông Cuba vừa thông báo tin nhà lãnh đạo huyền thoại Fidel Castro của nước này đã qua đời ở tuổi 90. Fidel Castro là nhà lãnh đạo dẫn dắt phong trào cách mạng của nước này lật đổ chế độ độc tài Batista vào năm 1959.
Ông là một trong những nhà lãnh đạo nắm quyền điều hành đất nước lâu nhất thế giới, chỉ sau Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Trong suốt thời gian điều hành đất nước, đặc biệt là những năm Chiến tranh Lạnh, Chủ tịch Castro thường xuyên phải đối phó với những âm mưu nhằm lật đổ và ám sát ông do Mỹ hậu thuẫn.
Trong đó, sự kiện Vịnh Con Lợn năm 1961 là một trong những biến cố lịch sử tác động mạnh đến quan hệ ngoại giao Cuba – Mỹ và góp phần kéo theo cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất những năm Chiến tranh Lạnh, Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Âm mưu của CIA
Theo History.com, ngày 1/1/1959, nhà dân tộc trẻ Fidel Castro dẫn đầu phong trào nổi dậy lật đổ Tổng thống Fulgencio Batista (một nhà lãnh đạo được Mỹ hậu thuẫn). Người dân Cuba chào đón sự sụp đổ của nhà độc tài Fulgencio Batista nhưng với Washington, chính quyền mới trên đảo quốc cách Mỹ khoảng 160 km là một mối đe dọa.
Chủ tịch Fidel Castro trò chuyện với các binh sĩ quân đội trong sự kiện Vịnh Con Lợn. Ảnh: Reuters. |
Batista từng là một nhà độc tài tàn bạo và tham lam nhưng thân Mỹ và được xem là đồng minh của các công ty Mỹ. Ở thời điểm những năm 1950, các công ty Mỹ và cá nhân giàu có sở hữu gần một nửa đồn điền mía, các trại chăn nuôi gia súc, hầm mỏ và nhiều tài sản khác ở Cuba.
Trong khi đó, nhà dân tộc trẻ Castro phản đối cách các doanh nghiệp Mỹ đang trục lợi ở Cuba. Ông tin rằng người dân Cuba phải nắm quyền kiểm soát đất nước. “Cuba không cần Mỹ” là một trong những khẩu hiệu nổi tiếng nhất của ông.
Ngay sau khi nắm quyền điều hành đất nước, Chủ tịch Castro thực hiện quốc hữu hóa các doanh nghiệp Mỹ đang nắm phần lớn ngành giao thông và hầm mỏ, thực hiện cải cách ruộng đất, đồng thời kêu gọi các nước Mỹ Latin khác hành động nhiều hơn về quyền tự chủ của đất nước.
Nhằm tiêu diệt mối đe dọa đang lên từ Chủ tịch Castro, đầu năm 1960, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower cho phép Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tuyển dụng khoảng 1.400 người Cuba lưu vong đang sống tại Miami và đào tạo họ nhằm lật đổ Castro. CIA đặt tên cho nhóm là Lữ đoàn chiến đấu 2506.
Vị trí Vịnh Con Lợn trên bản đồ. Đồ họa: History.com. |
Tháng 5/1960, Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Mỹ phản ứng bằng cách cấm nhập khẩu đường từ Cuba. Đến tháng 1/1961, Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Havana, đồng thời tăng cường quá trình chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.
Chính quyền mới của Tổng thống John F. Kennedy kế thừa chương trình chống Cuba do chính quyền Eisenhower để lại. Tuy vậy, Kennedy cảm thấy hoài nghi về sự khôn ngoan và tính hiệu quả của kế hoạch lật đổ Castro của CIA.
Tổng thống Kennedy cho rằng nếu công khai sự hậu thuẫn của Mỹ cho kế hoạch ở Cuba, Liên Xô có thể nhìn nhận đó là hành động gây chiến và sẽ trả đũa. CIA thuyết phục Kennedy rằng họ có cách để phủ nhận sự tham gia của Mỹ và kế hoạch sẽ châm ngòi cho một cuộc nổi dậy chống Castro trên toàn Cuba.
Thất bại thảm hại
Theo bản kế hoạch chiến lược do CIA vạch ra, phần đầu của kế hoạch là tiêu diệt lực lượng không quân bé nhỏ của Cuba để lực lượng này không thể hỗ trợ quân đội chống quân xâm lược. Ngày 15/4/1961, một nhóm Cuba lưu vong điều khiển phi đội ném bom B-26 cất cánh từ Nicaragua.
Những tay súng của phe đảo chính bị bắt giữ sau cuộc xâm lược bất thành. Ảnh: Getty. |
Những chiếc máy bay được sơn giống máy bay Cuba để tiến hành ném bom vào các sân bay quân sự ở nước này. Tuy nhiên, Chủ tịch Castro và các cố vấn đã biết về kế hoạch của phe đảo chính và di chuyển các máy bay ra khỏi vùng nguy hiểm. Tổng thống Kennedy thất vọng và bắt đầu nghi ngờ kế hoạch của CIA và những gì họ đã hứa với ông.
Thực tế âm mưu đảo chính quá lớn để giữ bí mật vai trò của Mỹ và lực lượng quá nhỏ để chống lại cả một quân đội nhưng quá muộn để dừng kế hoạch. Ngày 17/4/1961, Lữ đoàn 2506 bắt đầu xâm lược Cuba tại vị trí ém quân ở Vịnh Con Lợn. Cuộc xâm lược ngay lập tức trở thành thảm họa. CIA muốn giữ bí mật việc tấn công càng lâu càng tốt.
Tuy nhiên, một trạm phát thanh trên bờ biển (lực lượng trinh sát của phe đảo chính không phát hiện ra) phát sóng từng chi tiết về cuộc xâm lược cho toàn thể người Cuba nghe. Tệ hại hơn, lính dù tiếp đất sai vị trí, thuyền của quân đảo chính bị chìm do va trúng các rạn san hô khi kéo vào bờ.
Không lâu sau đó, quân đội Castro bao vây những kẻ xâm lược trên bãi biển và những người lưu vong đầu hàng sau khi chiến đấu chưa đầy một ngày. 114 quân đảo chính thiệt mạng và hơn 1.100 người khác bị bắt làm tù binh.
Sự kiện Vịnh Con Lợn trở thành một thất bại ê chề của CIA cũng như phe diều hâu muốn can thiệp quân sự vào Cuba. Tuy vậy, thất bại này không ngăn cản được CIA cũng như chính quyền Kennedy tìm cách lật đổ Castro trong những năm tiếp theo.