Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2021 đã qua kiểm toán với một loạt thay đổi trong kết quả kinh doanh so với báo cáo công ty tự lập trước đó.
Cụ thể, theo báo cáo kiểm toán, nửa đầu năm nay Vinaconex ghi nhận hơn 2.340 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. So với số liệu công ty tự lập trước đó, doanh thu thuần sau soát xét của Vinaconex cũng thấp hơn gần 10%, tương đương mức giảm ròng 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do điều chỉnh giảm giá vốn tương ứng cùng với doanh thu trên báo cáo tài chính soát xét, mức lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính nửa đầu năm của tổng công ty này vẫn đạt 340 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với số liệu công ty đưa ra trước đó.
Thay đổi lớn nhất trên báo cáo tài chính kiểm toán của nhà thầu xây dựng này là khoản chi phí quản lý doanh nghiệp trong nửa đầu năm qua.
Cụ thể, theo báo cáo công ty tự lập, Vinaconex không ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp nửa đầu năm nay mà còn được hoàn nhập 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ công ty phải bỏ ra tới 353 tỷ đồng cho chi phí này.
KẾT QUẢ KINH DOANH 6T ĐẦU HÀNG NĂM CỦA VINACONEX | |||||||||
Nguồn: BCTC DN | |||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
Doanh thu thuần | tỷ đồng | 3556 | 3244 | 3245 | 4189 | 4159 | 3944 | 2533 | 2341 |
Lãi sau thuế | 145 | 227 | 274 | 363 | 182 | 312 | 413 | 249 |
Tuy vậy, trên báo cáo tài chính kiểm toán, đơn vị kiểm toán cho biết chi phí quản lý doanh nghiệp nửa năm nay của Vinaconex là 40 tỷ đồng, tương đương mức điều chỉnh hơn 80 tỷ so với số liệu công ty này tính toán.
Thay đổi này đến chủ yếu từ khoản hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi của nhà thầu xây dựng này. Theo đó, Vinaconex hạch toán khoản hoàn nhập này trong 2 quý đầu năm ở mức 181 tỷ, nhưng phía kiểm toán - Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) cho rằng con số thực tế chỉ là 101 tỷ.
Những thay đổi kể trên khiến lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay của Vinaconex bị điều chỉnh giảm từ 466 tỷ đồng tại báo cáo công ty tự lập xuống 422 tỷ sau soát xét, tương đương mức giảm 9%.
So với cùng kỳ năm trước, lãi trước thuế của nhà thầu xây dựng này cũng giảm 22%. Lợi nhuận sau thuế thu nhập của Vinaconex là 249 tỷ đồng sau kiểm toán, thấp hơn 30 tỷ so với số liệu công ty tự tính và giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.
Vinaconex từng nắm 50% vốn tại khu đô thị Splendora trị giá 2,57 tỷ USD, trước khi thoái vốn vào cuối năm 2020. Ảnh: Nam Khánh. |
Năm nay, Vinaconex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 12.230 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1.000 tỷ. Như vậy, công ty này mới hoàn thành khoảng 19% chỉ tiêu doanh thu và 25% mục tiêu lợi nhuận dù đã đi qua nửa năm tài chính.
Trước đó, báo cáo tài chính quý II của Vinaconex cũng cho biết nhà thầu xây dựng này đã lần đầu phải ghi nhận thua lỗ trong một quý kinh doanh kể từ năm 2014 đến nay.
Cụ thể, tính riêng quý II, tổng công ty này vẫn ghi nhận 1.409 tỷ đồng doanh thu, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế lại báo số âm 66 tỷ, trong khi cùng kỳ lãi dương 349 tỷ đồng.
Lý giải biến động này, lãnh đạo Vinaconex cho biết riêng quý II, lợi nhuận từ các lĩnh vực hoạt động của công ty mẹ và các đơn vị thành viên vẫn đảm bảo kế hoạch.
Tuy nhiên, trong quý I, công ty đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 2 (ND2) từ 73% xuống 38% và ghi nhận khoản lợi nhuận 436 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Đến quý II, Vinaconex tiến hành mua lại một phần vốn tại ND2 để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%.
Vì vậy, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Vinaconex phải giảm trừ khoản lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng kể trên tương ứng 35% vốn điều lệ tại ND2 đã ghi nhận trong lợi nhuận hợp nhất quý I. Điều này khiến lợi nhuận hợp nhất quý II của tổng công ty báo số âm 66 tỷ.