Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự trỗi dậy của các nhà thầu xây dựng 'chiếu dưới'

Các công ty xây dựng hưởng lợi từ hệ sinh thái tập đoàn đang phát triển mạnh mẽ, trong khi các nhà thầu truyền thống như Coteccons, Hòa Bình, Vinaconex... bị cạnh tranh gay gắt.

Ngành xây dựng Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi lớn về hoạt động kinh doanh, cạnh tranh đấu thầu ngày càng gay gắt và các khó khăn do dịch Covid-19 cũng làm xáo trộn vị thế các doanh nghiệp trong ngành.

Một số đơn vị đang tỏ ra hụt hơi trong cuộc chạy đua cạnh tranh giành dự án trong khi một số khác hưởng lợi từ hệ sinh thái đang vươn lên mạnh mẽ, có được chỗ đứng tốt hơn trong thời gian gần đây.

SCG và Hưng Thịnh Incons vươn lên

Tháng 4, cổ phiếu SCG của công ty Xây dựng SCG lên sàn chứng khoán và ghi nhận chuỗi tăng ấn tượng lên khoảng 67.000 đồng/cổ phiếu như hiện tại, tương đương tăng giá 225% so với giá tham chiếu chào sàn.

Nhờ đó giá trị vốn hóa của SCG đã tăng lên khoảng 5.700 tỷ đồng, đưa doanh nghiệp này vượt qua hàng loạt nhà thầu tên tuổi khác trên thị trường như Coteccons hay Xây dựng Hòa Bình. SCG hiện chỉ xếp sau Vinaconex - một tổng công ty hoạt động đa ngành, trong đó xây dựng chiếm khoảng 50% doanh thu.

VỐN HÓA CÁC CÔNG TY XÂY DỰNG TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN
Tại 19/8
NhãnVinaconex*Xây dựng SCGCotecconsHòa BìnhHưng Thịnh InconsLicogi16Fecon
Giá trị vốn hóa Tỷ đồng 18817569549713590205017861744

Xây dựng SCG được thành lập từ năm 2019, hoạt động chính trong lĩnh vực thi công xây dựng chủ yếu cho các dự án của Sunshine Group. Ông Đỗ Anh Tuấn đồng thời là chủ tịch Sunshine Group và SCG, cá nhân này cũng nắm giữ trực tiếp 10% cổ phần của SCG.

Với lợi thế thuộc hệ sinh thái Sunshine Group, công ty này nhanh chóng giành được các hợp đồng xây dựng nghìn tỷ đồng từ tập đoàn mẹ như Sunshine City Sài Gòn, Sunshine Diamond River, Sunshine Crystal River, Sunshine Empire… Doanh nghiệp ước tính tổng giá trị các dự án đã nhận được khoảng 80.000 tỷ đồng và đang triển khai hơn 50 tòa nhà cao tầng trên toàn quốc, thuộc phân khúc cao cấp.

Lợi thế nhanh chóng được chuyển hóa, doanh nghiệp non trẻ này tăng trưởng thần tốc khi doanh thu năm ngoái đạt 1.420 tỷ đồng, tăng 11 lần và lợi nhuận sau thuế hơn 90 tỷ đồng, tăng 16,7 lần so với năm trước đó.

Còn trong nửa đầu năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều gấp hơn 3 lần cùng kỳ, lần lượt đạt hơn 1.533 tỷ và 103 tỷ đồng. Năm nay công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng mạnh lên 5.000 tỷ và lợi nhuận tăng tương ứng lên 250 tỷ đồng.

QUY MÔ HOẠT ĐỘNG CỦA SCG TĂNG MẠNH

NhãnNăm 2019Năm 20206/2021Kế hoạch 2021
Doanh thu Tỷ đồng 128142015335000
Lợi nhuận sau thuế
590103250

Một đơn vị khác là Hưng Thịnh Incons (HTN) cũng hưởng lợi từ hệ sinh thái của Tập đoàn Hưng Thịnh. Công ty chuyên thi công các dự án bất động sản này ghi nhận 2.855 tỷ đồng doanh thu và 120 tỷ đồng lãi sau thuế trong nửa đầu năm, lần lượt tăng 66% và 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là công ty xây dựng lâu đời với 15 năm kinh nghiệm, đã thực hiện một số dự án tiêu biểu như Golden Bay (Nha Trang), Florita (Quận 7), SaiGonMia (Bình Chánh), Vũng Tàu Melody… Tăng trưởng và hiệu quả cao của Hưng Thịnh Incons nhờ vào các hợp đồng xây dựng với Hưng Thịnh Land, mà không cần phải tham gia đấu thầu dự án với các đơn vị khác.

Trong năm 2021, lãnh đạo Hưng Thịnh Incons cho biết tập đoàn mẹ tiếp tục đảm bảo nguồn việc cho đơn vị thực hiện và hoạt động bền vững. Tuy nhiên công ty cũng bắt đầu đấu thầu các dự án bên ngoài nhằm đa dạng hóa nguồn thu và giảm rủi ro tập trung, trong đó đáng chú ý nhất là việc bắt tay với đối tác chiến lược Tập đoàn Đèo Cả để mở rộng sang lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

Vị thế tốt giúp cho định giá của Hưng Thịnh Incons cũng được cải thiện. Với thị giá 41.400 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của doanh nghiệp đạt hơn 2.000 tỷ đồng, vượt qua các đơn vị khác như Fecon, Licogi16, Cienco4...

Coteccons và Hòa Bình suy yếu

Trong khi đó Xây dựng Coteccons (CTD) đang dần đánh mất vị thế đầu ngành của mình do những mâu thuẫn nội bộ kéo dài. Hoạt động doanh nghiệp tiếp tục sa sút khi Kusto Group thay thế nhóm lãnh đạo cũ liên quan ông Nguyễn Bá Dương chính thức nắm quyền kiểm soát công ty.

Coteccons báo cáo doanh thu thuần quý II giảm đến 36% xuống còn 2.550 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 71% về 45 tỷ. Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm gần nhất của doanh nghiệp.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu giảm 32% xuống 5.119 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm đến 65% còn 99 tỷ. Theo đó công ty mới thực hiện được 29% chỉ tiêu doanh thu và gần 38% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Lợi thế cạnh tranh của Coteccons càng bị lung lay khi gần đây công ty Newtecons (thuộc quản lý của ông Nguyễn Bá Dương) đang lần lượt thế chân làm nhà thầu tại loạt dự án lớn ở vị trí đắc địa như: Khu căn hộ cao cấp Masterise Homes, One Central Saigon, Masteri Waterfront…

QUY MÔ DOANH THU BÁN NIÊN CÁC DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG LỚN

NhãnHòa BìnhCotecconsHưng Thịnh InconsSCGFeconLicogi16Vinaconex (Xây lắp)
6T/2020 Tỷ đồng 541075251715521118812581511
6T/2021
5443511928551533134113061208

Một đơn vị có tên tuổi khác là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng cho thấy tín hiệu kém khả quan. Doanh thu nửa đầu năm đi ngang quanh 5.443 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp giảm 8% về 392 tỷ đồng, mức thấp nhất từ 2016 đến nay.

Nhờ doanh thu tài chính cao đột biến và tiết giảm chi phí, Xây dựng Hòa Bình báo lãi ròng lên 73 tỷ đồng, gấp 5,6 lần cùng kỳ chủ yếu do mức nền so sánh thấp (thấp hơn nhiều so với mức lãi bình quân 250 tỷ đồng/bán niên giai đoạn 2016-2019). Công ty cũng mới hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 28,9% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về Vinaconex, hoạt động của tổng công ty này cũng có chiều hướng đi xuống trong các năm gần đây. Doanh thu nửa đầu năm nay giảm 7% xuống 2.360 tỷ đồng và là mức doanh thấp bán niên thấp nhất từ 2009 đến nay. Lợi nhuận sau thuế tương tự giảm mạnh 32% về 279 tỷ đồng và mới hoàn thành gần 28% kế hoạch năm.

Quy mô này đã bao gồm tất cả hoạt động từ xây lắp, phát triển bất động sản, sản xuất công nghiệp, giáo dục… Nếu tính riêng mảng xây lắp thì quy mô doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận gộp chỉ đạt hơn 88 tỷ, thấp hơn so với nhiều công ty thuần xây dựng phía trên.

Kỳ vọng vào đầu tư công

Bức tranh chung của ngành xây dựng Việt Nam trong ngắn hạn chưa sáng sủa do những tác động của đại dịch Covid-19 và giá nguyên vật liệu đầu vào như sắt thép, đá xây dựng, cát, nhựa đường… tăng mạnh.

Dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội khiến số lượng nhân công hiện tại trong tình trạng bấp bênh và khó khăn để duy trì hoạt động, qua đó ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thi công và các mốc chủ đầu tư huy động tiền hàng tháng.

Nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam đang kiến nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ như cho phép tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, dừng tính lãi suất ngân hàng, hoãn/giảm các loại thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp... Song song đó sớm xem xét cho các công trình xây dựng được hoạt động trở lại bên cạnh việc thực hiện biện pháp phòng bệnh Covid-19.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy giá vật liệu xây dựng nhà ở tăng 5% trong nửa đầu năm nay. Trong đó giá thép chiếm 11-16% chi phí đầu vào trong các dự án xây dựng đã tăng giá khoảng 40%, qua đó gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các nhà thầu xây dựng.

Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sự cạnh tranh gay gắt cũng là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận gộp các nhà thầu giảm đi từ đầu năm. Hơn nữa, các hoạt động xây dựng bị hạn chế khi thị trường bất động sản trầm lắng trong bối cảnh các dự án chậm triển khai.

“Trong tháng 7 và tháng 8/2021, các hoạt động xây dựng đã bị hạn chế hơn nữa do các yêu cầu phong tỏa nghiêm ngặt từ Chỉ thị 16 nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động “, báo cáo của VDSC viết.

Tuy nhiên ngành xây dựng cũng còn đó nhiều cơ hội, thúc đẩy đầu tư công được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành xây dựng trong 5 năm tới. Fitch Solutions tính toán giá trị xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ đạt 158.167 tỷ đồng vào năm 2025, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10%.

Doanh nghiep xay dung,  von hoa cong ty xay dung,  lan song dau tu cong anh 1

Các dự án đầu tư công lớn giai đoạn 2021-2022. Nguồn: VDSC.

Ngoài ra Chính phủ cũng cam kết mạnh mẽ trong việc đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng lớn, tổng vốn ngân sách nhà nước theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng (tăng 43% so với giai đoạn 2016-2020).

VDSC dẫn một số dự án lớn như Sân bay quốc tế Long Thành được khởi công xây dựng từ tháng 1, trong đó giai đoạn đầu đã giải phóng mặt bằng khoảng 66% diện tích đất và dự kiến hoàn thành vào năm 2025, tổng chi phí đầu tư 16 tỷ USD.

Nhóm phân tích nhận thấy các doanh nghiệp xây dựng đang khó giành được hợp đồng bởi quá trình đấu thầu gay gắt, một số doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm động lực tăng trưởng mới bằng cách tham gia mảng xây dựng phân khúc khác như thi công dự án năng lượng tái tạo, xây dựng công trình cầu đường, sân bay…

Nên đầu tư nhóm cổ phiếu nào cuối năm?

Chuyên gia SSI nhận định các doanh nghiệp xuất khẩu, logistics, hưởng lợi từ đầu tư công, dầu khí hay hàng không là một số ngành sẽ hồi phục nhanh sau đại dịch.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm