Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vietravel, Kite Air có thể khai thác 30 máy bay nhờ quy định mới

Quy định mới cho phép hãng hàng không có đường bay quốc tế được phép khai thác trên 30 tàu bay với số vốn 700 tỷ đồng thay vì 1.300 tỷ đồng như trước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Nghị định 89/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dân dụng và Nghị định 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. 

Nghị định 89 mới sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020 với nhiều quy định theo hướng nới lỏng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực hàng không, đặc biệt trong vấn đề vốn. 

Không được thuê ướt quá 10 tàu bay

Theo nghị định mới, mức vốn tối thiểu gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay để thành lập, duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hãng hàng không chia theo 3 mức 300 tỷ đồng, 600 tỷ đồng, 700 tỷ đồng tương ứng số tàu bay khai thác dưới 10, 11-30 và trên 30. Các con số này không phân biệt hãng hàng không khai thác đường bay quốc nội hay quốc tế.

Trong khi đó, quy định cũ yêu cầu hãng hàng không nếu khai thác đường bay quốc tế, phải có vốn tối thiểu 700 tỷ đồng để khai thác 10 tàu bay, 1.000 tỷ đồng với 11-30 tàu bay và 1.300 tỷ đồng với số lượng trên 30 tàu bay.

Nếu hãng chỉ bay quốc nội, 3 mốc vốn tối thiểu lần lượt là 300 tỷ, 600 tỷ và 700 tỷ đồng

Như vậy, với quy định này, hai hãng hàng không đang chờ cấp phép bay là Vietravel Airlines và Kite Air (Thiên Minh Group) đủ điều kiện về vốn để khai thác trên 30 tàu bay ngay khi hoạt động.

Với quy định cũ, Vietravel Airlines với vốn 700 tỷ đồng chỉ được khai thác dưới 10 tàu bay và Kite Air với vốn 1.000 tỷ đồng chỉ được khai thác 11-30 tàu bay nếu mở đường bay quốc tế. Trong khi đó, Vinpearl Air của Vingroup ngay từ đầu đã có tổng mức đầu tư lớn với số vốn hơn 4.000 tỷ đồng.

Kite Air anh 1
Quy định mới về vốn của hãng hàng không nới lỏng hơn so với trước. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần đầu tiên. Số lượng tàu bay được khai thác thực tế của từng hãng phụ thuộc vào việc phê duyệt quy hoạch đội bay phù hợp với ngành hàng không Việt Nam do các cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định. 

Liên quan đến đội bay, Nghị định 89 bổ sung việc các hãng hàng không không được sử dụng quá 10 tàu bay thuê kèm tổ bay (thuê ướt) và tỷ lệ không vượt quá 30% đội bay của hãng.

Quy định cũ chỉ yêu cầu các hãng đến hết năm khai thác thứ hai có số tàu bay thuê ướt chiếm không quá 30% đội bay.

Giải pháp thuê tàu bay kèm tổ bay thường được các hãng hàng không mới thành lập lựa chọn khi chưa hoàn thiện kịp nguồn nhân sự phục vụ khai thác hoặc bổ sung thêm tàu bay trong thời gian ngắn phục vụ nhu cầu tăng cao.

Nhà đầu tư ngoại được sở hữu thêm 4% cổ phần

Nghị định 89 cũng nới trần sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại các hãng hàng không Việt. Tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại ở doanh nghiệp hàng không Việt Nam sẽ tăng từ 30% lên 34%. Với tỷ lệ mới, nhà đầu tư nước ngoài vẫn không có quyền phủ quyết tại các hãng hàng không Việt (phần vốn góp phải trên 35%) theo Luật Doanh nghiệp. 

Hiện trong cơ cấu cổ đông của các hãng hàng không Việt, Jetstar Pacific là hãng có tỷ lệ vốn ngoại cao nhất.

Tại Jestar Pacific, hãng hàng không quốc gia Australia Qantas chiếm 30% vốn, 70% vốn còn lại thuộc về Vietnam Airlines.

Kite Air anh 2
Hãng bay Qantas của Australia có thể nâng tỷ lệ sở hữu tại Jestar Pacific lên 34% từ năm tới. Ảnh: Jestar.

Trong khi đó, cả Vietnam Airlines và Vietjet Air đều mới chỉ có 1 cổ đông lớn nước ngoài lần lượt là ANA Holdings của Nhật Bản với tỷ lệ sở hữu hơn 8% và Quỹ Singapore GIC sở hữu 5%.

Riêng Bamboo Airways chưa thực hiện chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO).

Hai quy định khác liên quan đến cơ cấu cổ đông được giữ nguyên gồm phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân. 

Hàng không Việt đã có thể đón khách Trung Quốc tới nước thứ 3

Với việc ASEAN ký kết thương quyền 5 hàng không với Trung Quốc, các hãng hàng không Việt Nam đã có thể đón khách từ Trung Quốc đi các nước thứ 3, mở ra nhiều đường bay tiềm năng.




Việt Đức

Bạn có thể quan tâm