Ngân hàng mẹ Vietcombank tiếp tục có thêm một năm tăng trưởng lợi nhuận cao với gần 36.800 tỷ đồng trước thuế. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đây là thông tin được lãnh đạo Vietcombank báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2023 tổ chức ngày 9/1.
Cụ thể, Vietcombank cho biết trong bối cảnh năm 2022 diễn ra với nhiều biến động phức tạp của thị trường, nhà băng này vẫn hoàn thành hầu hết chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã đặt ra.
Trong đó, hoạt động huy động vốn đã được ngân hàng điều hành phù hợp với với nhu cầu tăng trưởng tín dụng thực tế.
Tính đến cuối năm 2022, số dư huy động vốn thị trường 1 (ngân hàng với khách hàng) của Vietcombank đã đạt xấp xỉ 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021 và hoàn thành 100% kế hoạch đã đặt ra. Trong đó, tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với năm 2021; huy động vốn bán buôn tăng 10,4%; huy động vốn bán lẻ tăng 8%.
Ở chiều ngược lại, số dư tín dụng của ngân hàng này cũng đã vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng vào cuối năm, tăng 19% so với năm 2021.
Cũng trong năm 2022, ngân hàng đã kiểm soát tốt chất lượng tín dụng với dư nợ nhóm 2 (Nợ cần chú ý) đến cuối năm ở mức 3.289 tỷ đồng, tương đương 0,29% tổng dư nợ, giảm 0,08 điểm % so với năm 2021 (0,36%). Trong khi đó, tổng số dư nợ xấu đến cuối năm 2022 của nhà băng này là 7.662 tỷ đồng, tương đương 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA NGÂN HÀNG MẸ VIETCOMBANK | |||||||||||
Nhãn | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 5583 | 5648 | 6654 | 8237 | 11021 | 18016 | 22807 | 22526 | 26457 | 36775 |
Với số dư nợ xấu kể trên, lãnh đạo Vietcombank cho biết hiện nhà băng này đang dành tới hơn 35.600 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro, tương đương với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng lên tới 465%, cao nhất hệ thống ngân hàng.
Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% năm nay và vượt 19% so với kế hoạch. Với mức tăng trưởng kể trên, ngân hàng mẹ Vietcombank đã thu về hơn 36.775 tỷ đồng lãi trước thuế năm qua, là mức lãi cao nhất nhà băng này từng ghi nhận được cũng như toàn hệ thống ngân hàng.
Tại nhóm công ty con và công ty liên doanh liên kết, Vietcombank cũng cho biết 9 công ty con của ngân hàng đều hoạt động hiệu quả năm vừa qua với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 976 tỷ đồng. Trong đó, 5/9 công ty hoàn thành trên 100% kế hoạch.
Đáng chú ý, tại hội nghị này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank, cho biết trong năm vừa qua, ngân hàng đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Trong năm nay, đây cũng là một trong sáu trọng tâm mà Vietcombank dự kiến tập trung triển khai.
Cũng trong năm 2023, Vietcombank dự kiến tăng trưởng tín dụng đạt 12,8%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5% tổng dư nợ, và lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%.
Liên quan tới hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 3/1, lãnh đạo Chính phủ cho biết hiện Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025, trong đó hoàn thiện khung khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng...
Chính phủ cũng đã báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị cơ chế xử lý với nhóm ngân hàng yếu kém và Ngân hàng Sài Gòn (SCB); tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Trong đó, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Riêng SCB, lãnh đạo Chính phủ cho biết từ giữa tháng 10, NHNN đã đưa đơn vị này vào diện kiểm soát đặc biệt nhằm ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...