Vietcombank sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay với tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới từ đầu năm 2023. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đây là thông tin được ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietcombank, chia sẻ tối ngày 29/12.
Cụ thể, ông Tùng cho biết sau đợt giảm lãi suất 1%/năm với hầu hết khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/12 năm nay (trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán), nhà băng này sẽ tiếp tục giảm thêm 0,5%/năm lãi suất cho vay từ đầu năm 2023.
Đợt giảm lãi suất này sẽ được áp dụng từ 1/1/2023 đến hết ngày 30/4/2023 và áp dụng với tất cả khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới tại ngân hàng.
Ông Tùng cũng nhấn mạnh trong năm 2023, Vietcombank vẫn chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh nhất so với thị trường nhằm hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn hậu dịch Covid-19.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh năm nay, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết tính đến cuối năm, tổng tài sản của Vietcombank đã tăng 15% so với cuối năm 2021, chính thức vượt mốc 1,6 triệu tỷ đồng. Hai chỉ số tài chính quan trọng nhất của ngân hàng là tăng trưởng tín dụng và huy động vốn đều đạt mức cao.
Trong đó, tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2022 của Vietcombank đã đạt 19,05%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của toàn hệ thống (gần 13% theo Ngân hàng Nhà nước).
Với chỉ tiêu huy động vốn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietcombank cho biết dù luôn duy trì mặt bằng lãi suất huy động ở mức hợp lý để giữ lãi suất cho vay theo cam kết với Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng, Vietcombank vẫn ghi nhận mức tăng trưởng huy động 9% năm nay, cũng cao hơn nhiều so với mức tăng 5,99% của toàn hệ thống.
Với mức tăng trưởng tín dụng hơn 19% kể trên, trong năm 2022, Vietcombank đã giải ngân ròng ra nền kinh tế gần 200.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng. Trong đó, lãnh đạo ngân hàng khẳng định toàn bộ dư nợ cho vay này đều tập trung trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Trong khi đó, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán, BT, BOT… hiện đều có số dư nợ cho vay dưới 1% tại ngân hàng. “Đây đều là nợ tốt, khách hàng vẫn hoạt động và trả nợ bình thường”, ông Tùng nhấn mạnh.
Về chất lượng tín dụng, lãnh đạo Vietcombank cho biết đến hết năm nay, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng vẫn được kiểm soát ở mức 0,62%, là con số thấp nhất trong các ngân hàng quy mô lớn trong nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của nhà băng này hiện cũng vào khoảng 380%, tương đương với mỗi 100 đồng nợ xấu, Vietcombank đang trích lập dự phòng tới 380 đồng.
Trong hoạt động thanh toán, ông Tùng cho biết năm 2022 doanh số thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại của Vietcombank đã tăng 33%, đạt mốc 136 tỷ USD, cách rất xa ngân hàng xếp thứ hai và chiếm tới 18% tổng doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Không chia sẻ con số lợi nhuận cụ thể ghi nhận năm 2022, nhưng lãnh đạo nhà băng này vẫn cho biết Vietcombank tiếp tục là ngân hàng thương mại Nhà nước có số nộp ngân sách lớn nhất năm nay và vẫn đứng số một về mức lợi nhuận trước thuế cả năm.
Năm nay, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm liền trước, tương đương hơn 30.676 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9, nhà băng này đã ghi nhận mức lãi gần 25.000 tỷ đồng trước thuế, tương đương 81% kế hoạch cả năm.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...