Hoàng Công Danh là một cái tên đáng chú ý trong số các nhà văn thuộc thế hệ 8X. Được biết đến với tập truyện ngắn Cõng nhau trong một cõi người, xuất bản năm 2013, trong suốt gần 10 năm qua, anh vẫn miệt mài sáng tác. Đến nay, Hoàng Công Danh đã có trong tay bốn tập truyện ngắn và một cuốn tùy bút. Bảy bảy bốn chín là truyện dài đầu tiên của nhà văn người Quảng Trị.
Với Hoàng Công Danh, viết lách là một hành trình khám phá bản thân, đòi hỏi người cầm bút phải nỗ lực làm mới mình. Mỗi tập truyện ngắn giống như một “giao diện mới”. Ở đó, người ta thấy một Hoàng Công Danh thâm trầm, đầy sáng tạo, luôn trăn trở với con chữ. Bảy bảy bốn chín cũng không ngoại lệ.
Hành trình sau cái chết
Tác phẩm bắt đầu bằng cái chết của một người phụ nữ trẻ. Toàn bộ câu chuyện được dẫn dắt bởi lời kể của chồng người quá cố. Vào một buổi sáng đẹp trời, anh ta đang thưởng thức một ly cà phê thì nhận được tin vợ vừa mất. Người phụ nữ xấu số ấy đã bị đâm chết bởi một chiếc xe container khi đang lái xe trên đường.
Khi người vợ được đưa về nhà, cô ấy chỉ còn là một thi thể lạnh ngắt. Cái chết đến quá nhanh, khiến người chồng cảm thấy hoang mang trước mất mát quá lớn. Đám tang, cảnh người thân khóc lóc trong đau đớn cứ trôi qua chầm chậm trước mắt anh ta như một thước phim. Nhân vật chính không hề khóc lóc, hay tỏ ra bi lụy, nhưng nỗi đau mất vợ ngấm vào tâm can anh ta một cách chậm rãi.
Truyện dài Bảy bảy bốn chín của Hoàng Công Danh. Tác phẩm đã đoạt giải Tư của Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ bảy. Ảnh: FB H.C.D. |
Tác phẩm được xây dựng với hai tuyến truyện song song. Tuyến truyện thứ nhất là những sự việc ở hiện tại, bắt đầu từ ngày người vợ xấu số ra đi, đến thất thứ bảy của người đã khuất, hay “bốn chín ngày” trong quan niệm của người Việt.
Tuyến truyện thứ hai là hồi tưởng của người chồng về cuộc hôn nhân kéo dài bảy năm của họ. Cứ thế, quá khứ và hiện tại đan xen vào nhau, tạo nên một tác phẩm đa tầng, giàu suy tư.
Hiện tại được kể bằng giọng văn trầm buồn, đầy sự trống trải. Sau khi vợ mất, người đàn ông học cách làm quen với cuộc sống mới và những khó khăn của cảnh “gà trống nuôi con”. Cô con gái nhỏ của họ chủ yếu do mẹ chăm sóc và người chồng coi đó là trách nhiệm của vợ. Anh ta chỉ quan sát cách vợ nuôi nấng con, chứ chưa từng chủ động tìm hiểu xem phải làm thế nào để nuôi dưỡng một đứa trẻ.
Mọi việc thay đổi từ khi người vợ qua đời. Người chồng dành nhiều thời gian cho con gái. Anh ta quan sát đứa bé từng chút, cho con ăn, ngắm con ngủ. Dần dần sự gắn kết giữa hai cha con tăng lên, người chồng cũng hiểu được sự vất vả của vợ khi trong vai trò của người mẹ. Từ lúc này, anh mới thấy bản thân trở thành một người bố thực thụ.
Bức tranh xã hội từ câu chuyện gia đình
Nghĩ về cuộc hôn nhân kéo dài bảy năm của hai vợ chồng, nhân vật chính cảm thấy rất hối hận. Giống như nhiều đôi vợ chồng khác, họ trải qua không ít mâu thuẫn, dần dần chấp nhận những khác biệt của đối phương để duy trì cuộc sống chung.
Tất cả vui buồn, hờn giận ấy cứ trôi đi một cách điềm nhiên, như cuộc sống vốn có. Đến một ngày, khi người vợ ra đi, những ký ức ấy sống lại trong tâm trí của nhân vật tôi một cách rõ nét, như thể chúng vừa mới diễn ra ngày hôm qua.
Các mâu thuẫn mà vợ chồng họ trải qua là những xung đột thường nhật mà chúng ta có thể thấy ở nhiều gia đình: từ chuyện mẹ chồng nàng dâu, những xung đột khi nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, sự căng thẳng của người phụ nữ khi bị dồn ép giữa đại gia đình và mái ấm nhỏ của bản thân.
Đã có lúc, người vợ áp lực đến độ trong vô thức đã tìm tới cái chết. Cô muốn được giải thoát khỏi thực tại. Khi người vợ ra đi mãi mãi trong một tai nạn tưởng chừng rất vô lý, người chồng tự hỏi liệu đó có phải là một tai nạn hay không? Phải chăng, ý nghĩ đi tìm cái chết lại hiện lên trong đầu vợ anh một lần nữa.
Mâu thuẫn này cứ nối tiếp mâu thuẫn kia, khiến cuộc sống hôn nhân của họ ngày càng trở nên ngột ngạt. Đến khi họ có một mái nhà cho tổ ấm nhỏ của mình, tưởng chừng cuộc sống sẽ đi vào quỹ đạo, nhưng rắc rối mới lại phát sinh. Chúng làm cho hôn nhân trở nên ngột ngạt, vợ chồng họ sống bên nhau với một thái độ thờ ơ, lãnh đạm.
Người vợ tìm đến thiền và Phật pháp để giải tỏa những bất an trong lòng, còn người chồng luôn sống trong sự bực bội. Anh ta chưa từng nghĩ mình đã sai, cho đến khi người vợ lìa xa nhân thế.
Tất cả nhân vật trong Bảy bảy bốn chín đều không có tên. Hoàng Công Danh cũng không miêu tả về hình dáng hay gương mặt của họ. Dường như tác giả không muốn kể một câu chuyện cụ thể. Nhân vật của anh có thể là bất cứ ai trong đời sống này.
Tác phẩm này khiến người đọc yêu mến Hoàng Công Danh nhớ tới một tập truyện ngắn của anh ra mắt năm 2019, đó là Trong cơn say níu sợi dây đứt. Ở cả hai tác phẩm, dấu ấn của quê hương Quảng Trị hiện lên rõ nét trong trang văn, từ khí hậu, văn hóa đến phong tục tín ngưỡng. Tác giả cũng sử dụng khá nhiều phương ngữ Trung Bộ trong tác phẩm.
Hoàng Công Danh từng chia sẻ anh là một người yêu làng quê của mình. Thời gian đi học xa nhà, anh nhớ ngôi làng mình sinh ra và lớn lên đến quay quắt. Thế nên sau khi tốt nghiệp đại học, anh quyết định về sinh sống và làm việc tại quê nhà. Với nhà văn, được sống ở nơi mình sinh ra và lớn lên là một may mắn.