Bi kịch của người phụ nữ trong tình yêu là đề tài hấp dẫn với nhiều nhà văn. Tình ái làm cho thế giới nội tâm của phái đẹp trở nên phức tạp. Người phụ nữ luôn khát khao yêu và được yêu, đôi khi tình yêu đến với họ chẳng dễ dàng. Đặc biệt là những mối tình đến sau hôn nhân. Để sống thật với những rung động của con tim, những người đàn bà ấy đã có một cuộc đấu tranh dai dẳng với chính mình.
Nhân vật bà Bovary do nữ diễn viên Mia Wasikowska thủ vai trong bộ phim cùng tên. Ảnh: Port.hu. |
Bà Bovary - Gustave Flaubert
Tiểu thuyết Bà Bovary của nhà văn người Pháp Gustave Flaubert được xuất bản lần đầu ở Pháp vào năm 1857. Nó đã khiến cho “cha đẻ” của mình, gặp không ít rắc rối. Tác giả đã bị kiện vì tội truyền bá ấn phẩm đồi trụy, đi ngược lại các quan niệm luân lý và tôn giáo. Cuối cùng Gustave Flaubert vẫn được xử trắng án. Sau đó, tiểu thuyết Bà Bovary trở thành cuốn sách bán chạy nhất ở Pháp vào năm 1857.
Nhân vật chính của tác phẩm là Emma, thiếu nữ mơ mộng, xuất thân từ một gia đình nông dân khá giả. Cô được bố mẹ gửi đến học ở tu viện mãi tới năm 18 tuổi. Trở về nhà, chán cuộc sống ở vùng đồng quê, Emma vội vàng nhận lời kết hôn với Charles Bovary, vị bác sĩ tốt bụng nhưng rất tẻ nhạt, khác hẳn với hình mẫu về người chồng trong tưởng tượng của Emma.
Kể từ đó, nàng trượt dài trong những mối tình ngoài luồng, từ chàng luật sư trẻ tuổi Léon đến gã Dodophole xảo quyệt. Bọn họ đã cho Emma những cảm xúc mà nàng không tìm thấy ở chồng mình. Bị nhân tình lừa đảo, rơi vào món nợ khổng lồ, Emma Bovary đã tự kết liễu đời mình bằng thạch tín.
Vai diễn Anna Karenina do nữ diễn viên Sophie Marceau thủ vai năm 1997 gây khá nhiều tranh cãi. Ảnh: TGĐA. |
Anna Karenina - Lev Tolstoy
Cùng Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina được xem là kiệt tác, đưa Lev Tolstoy trở thành tượng đài lớn của nền văn học Nga. Ra đời vào năm 1873, Anna Karenina còn được xem là đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực. Nhân vật chính được lấy cảm hứng từ cô tiểu thư Maria Aleksandrovna Pushkina, con gái lớn của đại thi hào A. Pushkin.
Anna là cô gái đẹp. Nghe theo sự sắp đặt của người thân, nàng kết hôn với Alexei Karenin, một viên chức lớn hơn mình 20 tuổi. Sống bên cạnh người chồng nhiều tuổi, quá khuôn phép và khô khan, thiếu phụ trẻ cảm thấy bức bối. Trong chuyến đi tới Moskva, nàng tình cờ gặp Vronsky, họ nhanh chóng sa vào cái bẫy của thần tình ái.
Ban đầu, Anna cố gắng né tránh tình cảm này, vì nàng ý thức được mình là phụ nữ đã có gia đình. Nhưng cuối cùng, người đàn bà có dung mạo mỹ miều ấy đã không cưỡng nổi tình yêu cháy bỏng với Vronsky. Sau một thời gian dài bị giằng xé giữa chồng và người tình, trách nhiệm và tình yêu, Anna đã lao vào đoàn tàu hỏa để tự sát, kết thúc mọi đau khổ.
Từ lần đầu nhìn thấy chân dung tiểu thư Maria Aleksandrovna Pushkina, nhà văn Lev Tolstoy đã muốn viết một cuốn tiểu thuyết về một người phụ nữ quý tộc dễ bị sa ngã. Thế nhưng, cuộc đời của nguyên mẫu và nhân vật trong tiểu thuyết hoàn toàn trái ngược nhau. Tiểu thư Maria Aleksandrovna Pushkina có cuộc sống hôn nhân rất viên mãn. Cô sống hạnh phúc bên chồng và các con đến cuối đời.
Trong một cuộc bầu chọn 10 tiểu thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại do tạp chí Time tổ chức vào năm 2007, Anna Karenina của Lev Tolstoy đứng thứ nhất, xếp thứ hai là tiểu thuyết Bà Bovary. Cuộc bầu chọn này có sự tham gia của 125 nhà văn đương đại nổi tiếng, trong đó có nhiều cái tên quen thuộc với độc giả Việt Nam như: Stephen King, Norman Miler, John Updike, Jonathan Franzen…
Tiểu thuyết Người tình của phu nhân Chatterley đã nhiều lần được chuyển thể thành phim. Ảnh: Countrylife. |
Người tình của phu nhân Chatterley - DH Lawrence
Cuốn tiểu thuyết này được viết bởi nhà văn, nhà thơ người Anh DH Lawrence. Người tình của phu nhân Chatterley được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1928 tại Italy, đến năm 1929 nó được xuất bản tại Pháp. Mãi tới năm 1960, nó mới được phát hành chính thức tại xứ sở sương mù, quê hương của tác giả. Ngay lần đầu phát hành, số lượng bán ra của cuốn tiểu thuyết này đã đạt 3 triệu bản.
Nhân vật chính của tác phẩm là cô gái trẻ Constance, thường được gọi là Connie. Cô kết hôn với quý tộc Chatterley và trở thành phu nhân Chatterley. Chồng cô không may bị thương trong Thế chiến I và liệt từ thắt lưng trở xuống. Không thể mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho người vợ trẻ, ngài Chatterley để mặc cô tìm niềm vui bên ngoài.
Phu nhân Chatterley được khỏa lấp những khát khao về thể xác khi ở bên cạnh chàng thợ săn Oliver Mellors. Thế nhưng, nàng luôn cảm thấy tội lỗi khi nghĩ về người chồng tội nghiệp. Sau đó, Connie có thai, để che mắt thiên hạ, nàng đã đến Venice nghỉ mát. Khi ấy, người vợ chưa ly hôn của Oliver Mellors đột nhiên trở về, phơi bày chuyện tình vụng trộm của chồng.
Bộ phim Những cây cầu ở quận Madison được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên với sự tham gia của diễn viên Meryl Streep. Ảnh: Cinema Sips. |
Những cây cầu ở quận Madison - Robert James Waller
Năm 1992, cuốn tiểu thuyết Những cây cầu ở quận Madison của nhà văn Robert James Waller được phát hành và trở thành hiện tượng xuất bản tại Mỹ. Ba năm sau, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết này xuất hiện trên màn ảnh rộng và tiếp tục giành được tình cảm của hàng triệu khán giả.
Bà nội trợ Francesca, nhân vật chính của tác phẩm đang sống bình yên bên gia đình nhỏ, chăm sóc căn bếp xinh xắn của mình và ngắm nhìn những đứa con lớn lên. Robert Kincaid là một nhiếp ảnh gia theo chủ nghĩa xê dịch, đang thực hiện bộ sưu tập các bức ảnh chụp những chiếc cầu.
Vào một ngày nọ, Robert dừng xe trước cổng nhà Francesca để hỏi đường đến cây cầu có mái che nổi tiếng thuộc quận Madison. Từ đó, hai người bắt đầu bốn ngày định mệnh trong cuộc đời. Robert quá đỗi dịu dàng, cho Francesca cảm giác hoàn toàn mới mẻ, cô biết đó là tình yêu. Nhưng cuối cùng, người mẹ ấy cũng không thể rời bỏ các con để theo đuổi hạnh phúc riêng.