Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cái đẹp trong tâm thức của Tanizaki

Hình mẫu phụ nữ thường thấy trong sáng tác của Tanizaki là người được sùng bái nhưng lại tàn tệ với người yêu mình. Điều đó thể hiện trong "Truyện Shunkin".

Tanizaki Junichiro từ lâu đã gần gũi với độc giả Việt Nam qua những tác phẩm như Mong manh hoa tuyết, Chữ Vạn, Nhật ký già si, Hai cuốn nhật ký... Thời gian gần đây, hai truyện dài của ông, Truyện ShunkinNgười mẹ của tướng Shigemoto tiếp tục được giới thiệu tới công chúng yêu mến văn hóa Nhật Bản dưới tên gọi Truyện dài Tanizaki.

Tanizaki anh 1

Sách Truyện dài Tanizaki. Ảnh: Hiểu Yên.

Khi cái đẹp thành đức tin

Tanizaki Junichiro (1886-1965) là một trong những tác gia vĩ đại của Nhật Bản thời kỳ cận-hiện đại. Sinh thời, ông nhận được vô số giải thưởng của Nhật Bản cũng như quốc tế.

Trái ngược với nhà văn cùng thời Yasunari Kawabata - người theo trường phái bảo tồn những giá trị truyền thống, đề cao vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống thì dường như Tanizaki hướng tới chủ nghĩa duy mỹ Âu hóa ngợi ca cái đẹp cơ thể, sự khát khao nhục dục nguyên thủy của người phụ nữ hiện đại giữa thời cuộc làn sóng văn hóa phương Tây đang du nhập vào thế kỷ 20.

Ông từng có thời gian tìm hiểu tâm lý học và sau đó đã vận dụng nhuần nhuyễn những kiến thức đó vào miêu tả những khoái lạc dị hoặc, những lệch lạc tính dục trong sáng tác.

Hình mẫu người phụ nữ được ưa chuộng trong những sáng tác của ông là kiểu hình femme fatale - người phụ nữ được sùng bái nhưng lại tàn tệ với người yêu mình. Độc giả sẽ thấy mô típ này ở nàng Mitsuko trong Chữ Vạn, cô gái thanh lâu trong Xâm mình, nàng Ikuko trong Hai cuốn nhật ký và nhất là hình ảnh nàng Shunkin trong Truyện Shunkin.

Shunkin là một nhân vật có thật trong lịch sử, nàng sinh ra trong một gia đình thương gia khá giả ở Osaka. Nàng tinh thông cầm nghệ, giỏi nhất là đàn koto và shamisen. Hồng nhan bạc mệnh, nàng chẳng may bị lòa năm lên chín. Sasuke, một người học việc trong nhà nàng, vì ngưỡng mộ tài hoa của thiếu nữ bất hạnh đã xin làm người hầu riêng cho nàng.

Shunkin không những không cảm kích trước tấm lòng của Sasuke, mà ngày đêm nhiếc móc, hành hạ chàng, đối xử không khác gì nô lệ. Sasuke quan tâm đến Shunkin từng li từng tí, mọi việc nàng muốn, chàng đều sẽ làm cho nàng. Tình cảm Sasuke dành cho Shunkin không chỉ đơn thuần là tình yêu nam nữ, đó còn là niềm ngưỡng vọng, lòng trân quý một vưu vật hiếm khi có được.

Ngay cả khi Shunkin bị mù, Sasuke cũng không coi đấy là khiếm khuyết. Mọi thứ thuộc về Shunkin đều hoàn hảo. Thậm chí, đến khi bập bõm tập đàn, chàng còn trốn vào tủ quần áo, lần mò gảy từng dây đàn trong bóng tối chỉ vì muốn trải qua những gì Shunkin phải chịu.

Tôn thờ cái đẹp đến mức cuồng si, độc giả có thể dễ dàng bắt gặp qua hình ảnh chú tiểu Mizugochi trong Kim Các tự của Yukio Mishima. Cậu phóng hỏa đốt chùa, cũng chính là một cách bảo vệ báu vật của đời mình thì Sasuke cũng làm điều tương tự.

Khi Shunkin chẳng may bị bỏng đến hủy hoại dung nhan, chàng đã tự làm mù đôi mắt của chính mình, để giữ vẹn nguyên hình ảnh nữ thần. Và từ đó, “chỉ có gương mặt trắng đẹp tuyệt trần của Shunkin - vẹn nguyên như hai tháng trước - đang tỏa sáng lung linh trước ông như hào quang rạng ngời của đức Phật".

Một lần nữa, nhân vật của Junichiro hiện lên trong ánh sáng của thánh thần, giống với hình ảnh Mitsuko trong Chữ Vạn. Cái đẹp trở thành đức tin cao cả cho những con chiên ngoan đạo, khiến họ một lòng sùng bái.

Tanizaki anh 2

Hình ảnh trong phim chuyển thể Shunkinsho. Ảnh: W.K.

Vẻ phong tình trong thế giới văn chương Tanizaki

Junichiro còn đem phức cảm Oedipus - một thuật ngữ của Sigmund Freud dùng để miêu tả những ám ảnh của con trai dành cho người mẹ - vào trong những sáng tác của mình, như Mộng phù kiều, Sắn dây núi Yoshino hay trong Người mẹ của tướng Shigemoto.

Hình ảnh hư ảo của người mẹ hòa lẫn với bóng dáng người tình trở đi trở lại trong từng trang viết của ông. Mẫu thân của tướng Shigemoto, nàng Ariwara bị đặt trong tam giác tình yêu giữa quan Đại nạp ngôn Kunitsune - người đã gần tám mươi tuổi và quan Tả đại thần Shihei và chàng Heiju.

Trong cơn hứng chí ở bữa tiệc tại tư gia của quan Đại nạp ngôn, Shihei đã ngỏ lời xin nạp phu nhân của ngài Kunitsune làm thiếp. Tưởng chừng ngài Đại nạp ngôn sủng vợ hơn trời sẽ chối đây đẩy nhưng có ai ngờ, ông cụ lại đồng ý trong nháy mắt. Từ đó, nàng Ariwara trở thành tâm điểm của những mối tình rối như tơ vò.

Khép lại những trang văn của Junichiro, độc giả không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ phong tình mà ông đã tạo nên trong thế giới văn chương của riêng ông. Tác phẩm của ông đi sâu vào những điều cấm kị, được khoác lên vẻ ngoài lãng mạn, không hổ danh là người kể chuyện có duyên nhất trong những cây viết tiền chiến.

Ẩn ức về cái đẹp trong tiểu thuyết của Mishima Yukio

Tường tận từng góc khuất u tối trong tâm lý của con người, Mishima Yukio đã gửi đến độc giả một kiến giải duy mỹ về cái đẹp trong "Kim Các tự".

Tuyệt tác văn chương từ vụ phóng hỏa ngôi chùa dát vàng

Từ sự kiện khiến cả nước Nhật bàng hoàng năm 1950, Mishima Yukio đã tạo nên tuyệt tác văn chương "Kim Các tự".

Hiểu Yên

Bạn có thể quan tâm