Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Việt Nam vào vòng chung kết U23 châu Á 2020 - nhìn từ điểm giao bóng

Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo làm nức lòng người hâm mộ bóng đá nước nhà khi đánh bại Thái Lan trên sân Mỹ Đình, qua đó tiến vào vòng chung kết U23 châu Á 2020.

Viet Nam vao vong chung ket U23 chau A 2020 anh 1Viet Nam vao vong chung ket U23 chau A 2020 anh 2

Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo làm nức lòng người hâm mộ bóng đá nước nhà khi đánh bại Thái Lan trên sân Mỹ Đình, qua đó tiến vào vòng chung kết U23 châu Á 2020.

4-0. Kể từ khi bóng đá Việt Nam quay trở lại với các đấu trường khu vực và quốc tế, chưa bao giờ ở cấp độ đội tuyển, Việt Nam có một trận thắng ra trò như vậy trước đại kình địch Thái Lan.

Tất nhiên, người Thái không đá với áp lực phải giành vé dự vòng chung kết (VCK) U23 châu Á 2020 như chúng ta, song điều đó không thể phủ nhận hay hạ thấp giá trị của một chiến thắng rất đáng tưởng thưởng. Và bây giờ là lúc chúng ta cần nhìn bóng đá Việt Nam, từ lứa U23 này, với góc nhìn từ điểm giao bóng trên sân cỏ.

Viet Nam vao vong chung ket U23 chau A 2020 anh 3

Sau trận thắng U23 Brunei, có một ý kiến rất thú vị trên một trang fanpage khá nổi tiếng của giới hâm mộ bóng đá Việt Nam. Đại ý, quản trị của trang ấy đưa ra câu hỏi ngắn rằng: “Thời điểm FIFA Day hiện tại (21/3-26/3) trùng với lịch thi đấu vòng loại U23 châu Á 2020. Trong khi các nền bóng đá mạnh trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Singapore, bên cạnh cử đội U22 tham dự vòng loại, thì (đội tuyển quốc gia) ĐTQG của họ cũng có các trận giao hữu quốc tế. Liệu chúng ta có đủ khả năng để lập 2 đội riêng biệt như vậy hay không?”.

Câu hỏi này đi rất sát với vấn đề mà nhiều nhà chuyên môn cũng như giới mộ điệu vẫn đau đáu bao năm qua. Thậm chí, những ý kiến gay gắt hơn còn cho rằng phải bỏ cái ám ảnh phải vô địch SEA Games đi để dồn cho mục tiêu xa hơn, đường dài hơn, có tầm nhìn hơn.

Và ở thời điểm U23 vừa đá vòng loại vừa rồi, nhiều người đã quay lại với nỗi đau đáu đó, với tâm điểm là “có nên để Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Hà Đức Chinh chơi ở U23 khi họ đã xác lập vị thế của mình là tuyển thủ ĐTQG".

Quay lại với lực lượng nòng cốt của U23 hôm nay, chúng ta đều nhận ra những gương mặt từng tham dự VCK U20 World Cup 2017. Ở VCK World Cup U20 ấy, Việt Nam cùng bảng với Pháp.

Khi đó, Kylian Mbappe mới nổi lên trong màu áo Monaco, với một mùa giải gây bất ngờ khi ghi bàn loại Manchester City ở Champions League. Tuy nhiên, Mbappe dưới 20 tuổi của năm 2017 không tham dự World Cup U20. Đơn giản, lúc đó anh ta tập trung ĐTQG Pháp, đá giao hữu.

Đó là câu chuyện phổ biến trên thế giới và rất nhiều người nhìn vào nó như tấm gương điển hình để phóng chiếu vào nền bóng đá Việt Nam, với câu hỏi “Tại sao những cầu thủ trụ cột thành danh ở ĐTQG rồi vẫn gọi xuống đá ở đội tuyển trẻ? Phải chăng vì quá ham thành thích mà khai thác cầu thủ đến mức như thế?”.

Viet Nam vao vong chung ket U23 chau A 2020 anh 4Viet Nam vao vong chung ket U23 chau A 2020 anh 5

Thoạt tiên, ai cũng sẽ thấy vấn đề này được đặt ra là nghiêm túc và hợp lý. Khi thấy nó hợp lý, tất nhiên chúng ta cũng sẽ thấy việc VFF để các cầu thủ đội chính đá ở đội trẻ là phi lý. Nếu lấy cái nhìn khách quan, đa chiều, chấp nhận khác biệt và đánh giá cả hoàn cảnh bóng đá nước nhà, ta có thể tìm ra điểm có lý trong sự phi lý của VFF.

Thực tế, những người làm lãnh đạo VFF có thích thành tích và danh hiệu không? Nói “không” sẽ là lời nói dối thực sự vô sỉ. Nếu tôi và bạn, tự dưng được đặt vào ghế chủ tịch hay phó chủ tịch VFF, chắc chắn chúng ta cũng vẫn “máu” thành tích dù cho chúng ta có trong tay bản kế hoạch phát triển bền vững và dài hơi đi nữa.

Song, cái có lý của VFF lại không phải ở điểm ham thành tích này mà nó nằm ở căn nguyên khác. Thực chất, nếu nhìn lên khán đài, chúng ta sẽ hiểu bóng đá Việt Nam đang ở giai đoạn nào.

Đây là lúc bóng đá Việt đang đi “quyến rũ lại” khán giả, tìm mọi cách lôi kéo khán giả đến sân vận động ủng hộ các cầu thủ Việt. Cái cách gọi những ngôi sao tầm cỡ như Quang Hải, Văn Hậu vào đội tuyển U23 đá vòng loại có lẽ cũng không nằm ngoài mục tiêu ấy: mục tiêu hút khách.

Viet Nam vao vong chung ket U23 chau A 2020 anh 6Viet Nam vao vong chung ket U23 chau A 2020 anh 7

Không thể phủ nhận, giá trị và tầm ảnh hưởng với công chúng của Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng hôm nay không thua gì bất kỳ ngôi sao giải trí hạng vedette nào. Hãy hình dung thế này: nếu một người muốn trang cá nhân của mình có từ nghìn like trở lên, họ sẽ phải đầu rất nhiều vào nội dung. Từ đó, khi trang cá nhân của họ trở nên nổi tiếng, họ có thể sẽ nổi tiếng theo sau nó ở cương vị một con người trong xã hội.

Còn với các cầu thủ ĐTQG Việt Nam thì sao? Chính sự nổi tiếng tự thân của họ ở ngoài đời đã biến các tài khoản mạng xã hội của họ trở nên lẫy lừng. Chỉ cần Quang Hải đăng tải một câu “Chào buổi sáng cả nhà” thôi, có lẽ sau vài tiếng đồng hồ, con số like phải lên tới vài chục nghìn.

Đó là một cách minh chứng sức nặng của cá nhân tài năng luôn ghê gớm hơn những lẫy lừng ảo của thời đại mạng xã hội. Và chính sức hút kinh khủng ấy của họ buộc VFF phải nghĩ đến câu chuyện sử dụng họ để duy trì cơn sốt bóng đá, một cơn sốt mà chúng ta từng chứng kiến nhiều năm rồi luôn ở trạng thái chỉ bùng lên khi có thành tích, có chiến quả và ngay sau đó lại chìm nghỉm trong vô vàn thứ thông tin nhộn nhịp khác của cuộc đời.

Hãy hình dung cơn sốt vé của AFF Cup và đợt bán vé lần này của vòng loại, chúng ta sẽ thấy ngay cơn sốt đã giảm nhiệt đến thế nào. Và giả sử, nếu trong đội hình U23 hiện thời không có những ngôi sao có sức nặng như Quang Hải, Văn Hậu, chắc chắn khả năng gây sóng, tạo sốt sẽ nhỏ hơn rất nhiều. Chỉ có cách phải duy trì sức nóng, sức hút của bóng đá một cách kéo dài, thường xuyên và liên tục, may ra bóng đá Việt mới có thể hồi sinh thực sự.

Trong hoàn cảnh đó, ở cấp CLB thì như thế nào? Mở màn giải V.League 2019 này, tôi đọc được và xem được ảnh chụp trên trang cá nhân của một đồng nghiệp uy tín đại ý rằng lâu rồi anh không lên sân Gia Lai và anh thấy buồn khi khán đài vắng quá.

Tại sao Hoàng Anh Gia Lai, một đội bóng được yêu mến nhất nhì lúc này, lại có khán đài lạnh lẽo đến thế? Không phải vì số người hâm mộ ở Gia Lai ít hơn các đô thị phồn hoa khác mà đơn giản là công tác khán giả của CLB ấy còn chưa tốt.

Nói thẳng thừng, đội bóng hiếm hoi hiện nay làm cực tốt công tác khán giả ở V.League chỉ là Quảng Ninh và Hà Nội. Một khi CLB không duy trì, phát triển công tác khán giả, khán đài bóng đá sẽ còn trống vắng và những cơn sốt kiểu AFF Cup cũng khó lòng có thể cứu vãn được cả nền bóng đá.

Viet Nam vao vong chung ket U23 chau A 2020 anh 8

Thực tế, VFF muốn có những cú hích để khán giả trở lại với sân cỏ là điều chúng ta rất dễ nhận thấy. Nhưng việc dùng những ngôi sao tên tuổi của ĐTQG chính để kéo khách cho các lứa trẻ chỉ là giải pháp tức thời mà thôi. Giải pháp tức thời có thể hợp lý ở thời điểm hiện tại, hoàn cảnh hiện tại, nhưng không thể được xem như là liệu pháp dài hơi.

Dễ hiểu, sức người có hạn. Các ngôi sao nếu bị khai thác quá mức chắc chắn sẽ dẫn đến điểm tới hạn và điều đó có thể tạo ra những mất mát nặng nề và lâu dài hơn. Hơn nữa, sự có mặt của những “cây đa” có thể sẽ khiến lớp trẻ hơn mất cơ hội thể hiện. Khi ấy, tính kế thừa coi như cũng bị khai tử.

Thực sự, U23 vừa rồi mất Tiến Linh, thì chúng ta mới nhận ra rằng vẫn còn có Hoàng Đức chơi cực kỳ thính nhạy, sắc bén và khôn ngoan. Tất nhiên, cạnh tranh ở cấp độ U23 chưa nói được hết tất cả nhưng phải thừa nhận, nhìn “nét” đá của Hoàng Đức, không ít người còn dám quả quyết rằng cầu thủ của CLB Viettel ấy có thể sẽ là đối thủ cạnh tranh vị trí nặng ký của những Hà Đức Chinh, Tiến Linh, Văn Toàn chỉ trong vài tháng nữa thôi.

Viet Nam vao vong chung ket U23 chau A 2020 anh 9Viet Nam vao vong chung ket U23 chau A 2020 anh 10

Sẽ có một Quang Hải của ngày hôm nay hay không nếu như ngày xưa các HLV của CLB Hà Nội không dũng cảm cho cậu trai Đông Anh ấy thử lửa ở đội một CLB Hà Nội từ khi mới 17-18 tuổi?

Ở đây, câu chuyện lợi thế của “Tây” lại bắt đầu có thể được nhắc đến. Và các cầu thủ ngoại cũng đang là nỗi ám ảnh của những HLV các CLB V.League, bởi đội bóng không có Tây, thì cầm chắc một suất xuống hạng là đương nhiên.

Những cầu thủ ngoại luôn có lợi thế hơn hẳn cầu thủ Việt Nam ở thể hình và sức mạnh nhưng không hẳn cứ thể hình nhỏ là không thể cạnh tranh nổi với “Tây”. Cái biệt danh “chuyên gia săn Tây” của Đình Trọng là câu trả lời xác đáng nhất.

So với Tây, Đình Trọng không phải là đối thủ về thể hình nhưng thực tế trên sân, Trọng lại đang cho thấy anh có thể thắng những đối thủ nặng ký ấy trong những cuộc chiến tay đôi đầy nóng bỏng.

Nếu nhìn vào thể hình của các cầu thủ Indonesia và Thái Lan ở vòng loại U23 vừa qua, chúng ta cũng nhận thấy họ đồng đều, nhìn mạnh mẽ hơn cầu thủ U23 Việt Nam. Nhưng các cầu thủ của chúng ta có lép vế khi đối đầu 1 đối 1 không? Không hề.

Đó là tín hiệu rất tích cực cho thấy về thể chất, các lứa cầu thủ sau này của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Và nếu vậy, họ cũng cần có thêm nhiều cơ hội hơn ở sân chơi V.League, lò rèn giũa tài năng khắc nghiệt nhất, đều đặn nhất mà họ có thể có cơ hội tham gia lúc này.

Phải thừa nhận, sự xuất hiện của cầu thủ ngoại đã kích thích sự phát triển của các lứa cầu thủ Việt Nam sau này một cách rất đáng kể. Đối đầu với đối thủ mạnh hơn, buộc cầu thủ phải cải thiện mình hơn nếu không muốn bị đào thải. Và bây giờ, câu hỏi nên được bật ra là “Chúng ta vẫn cần có ngoại binh cho các CLB ở V.League, nhưng đã đến lúc nâng tầm chất lượng ngoại binh hay chưa?”.

Có nâng tầm ngoại binh, chúng ta mới có thể tạo ra các bài toán hóc búa hơn cho chính các cầu thủ để họ phải thách thức chính bản thân mình. Về chất lượng bóng đá, khi lực lượng ngoại binh có trình độ, đẳng cấp hơn tham gia V.League, chắc chắn giải đấu sẽ được nâng cấp hơn và buộc các cầu thủ Việt cũng phải tiến bộ hơn.

Tất nhiên, nói thì dễ, làm mới là khó. Ngoại binh chất lượng hơn sẽ đòi hỏi tiền đầu tư nhiều hơn. Ở đây, chúng ta không thể quay lại với thái độ ỉ lại cho các ông chủ, những nhà đầu tư với câu hỏi thời thượng “tiền nhiều để làm gì?”. Hãy nghĩ như cách họ đang nghĩ là “làm thế nào để có nhiều tiền hơn”. Và lúc này, con gà lại quay về với quả trứng: làm thế nào để khán đài bóng đá có thể đẻ ra tiền.

Viet Nam vao vong chung ket U23 chau A 2020 anh 11

Làm thế nào để khán đài bóng đá có thể đẻ ra tiền? Đó là câu hỏi lớn. Có những doanh nhân Việt đã ngấm ngầm mua cổ phần các CLB ở châu Âu rồi nhưng tại sao họ không đầu tư vào V.League. Đơn giản, họ chưa nhìn thấy cửa ra tiền. Không ai có thể tinh nhạy với lợi nhuận bằng doanh nhân.

Chỉ có điều, nghịch lý đang tồn tại là ở Việt Nam, có những CLB có lực lượng CĐV (fans base) rất hùng hậu (điển hình là SLNA), nhưng lại là đội bóng kiếm được rất ít tiền. Phải chăng là chưa có cách làm hay còn rào cản nào khác?

Viet Nam vao vong chung ket U23 chau A 2020 anh 12Viet Nam vao vong chung ket U23 chau A 2020 anh 13

Xưa nay, chúng ta vẫn quen nhìn bóng đá theo đúng một góc nhìn của riêng mình, và tự cho mình cái quyền mình là chân lý. Bây giờ, nhìn theo nhiều góc, cả của VFF, cả của các ông bầu, cả của các cầu thủ, các HLV, chúng ta mới thấy thực sự khó.

Nội chỉ việc tìm một HLV được như ông Park Hang-seo thôi cầm quân đội trẻ (U23, U20) để ông Park Hang-seo tập trung toàn lực cho ĐTQG với mục tiêu lấy vé World Cup 2022 (khi FIFA quyết định tăng số đội lên 48) cũng đã là một việc vô cùng khó khăn rồi. Chưa nói đến tiền mà chỉ nói đến dư luận thôi cũng đã thấy đủ mệt.

Chín người thì mười ý. Mà cái cần nhất là một tầm nhìn có tính tổng thể, thực sự khách quan, cẩn trọng, có toan tính lâu dài, dám vượt qua mọi lợi ích nhỏ, mọi danh vọng hão huyền thì vẫn chưa thấy xuất hiện.

Và từ điểm giao bóng giữa sân nhìn ra xung quanh, nhìn lên, nhìn xuống, nhìn trước, nhìn sau, nhìn trái, nhìn phải, chúng ta mới nhận ra rằng nền bóng đá Việt Nam hiện nay thiếu nhất chính là một tầm nhìn như thế.

Hà Quang Minh

Đồ họa: Duy Nguyễn
Ảnh: Minh Chiến

Bạn có thể quan tâm