Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Bộ Công an vừa tái ký kết thỏa thuận tham gia chương trình An ninh Chính phủ với tập đoàn Microsoft.
Theo thỏa thuận, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ chính thức trở thành một thành viên của chương trình An ninh Chính phủ của Microsoft (gọi tắt là GSP).
Đại diện của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Microsoft tại lễ ký kết. |
Là thành viên của chương trình GSP, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ có quyền truy cập vào thông tin về những rủi ro và lỗ hổng, nhận hỗ trợ từ đội an ninh và phản hồi rủi ro mạng của Microsoft. Cục cũng được truy cập vào mã nguồn các sản phẩm của Microsoft như Windows và Office, hay các sản phẩm dịch vụ và đám mây của công ty.
Bên cạnh đó, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ nhận được những thông tin về lây nhiễm mã độc tại Việt Nam, cho phép hành động kịp thời nhằm ngăn chặn các rủi ro được phát hiện.
"Với tính chất ẩn danh, nặc danh, xuyên biên giới của không gian mạng, Việt Nam xác định những nguy cơ, thách thức từ không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, đòi hỏi có sự nỗ lực phối hợp với các quốc gia; tăng cường hợp tác công - tư giữa cơ quan thực thi pháp luật với các doanh nghiệp và các tập đoàn công nghệ", ông Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói tại buổi ký kết.
Ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ về những lợi ích khi các chính phủ tham gia chương trình GSP. |
“Thỏa thuận GSP với Bộ Công an là cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ nhà nước Việt Nam bảo vệ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và công dân của mình", ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ.
Theo báo cáo phân tích toàn cảnh an ninh mạng phiên bản 24 được công bố đầu năm 2019 của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có tỉ lệ nhiễm mã độc cao nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương – 145% cao hơn chỉ số trung bình toàn cầu, 78% cao hơn chỉ số trung bình của khu vực.