Phó phát ngôn Nguyễn Đức Thắng trong buổi họp báo chiều 1/6. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
“Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam luôn theo dõi sát mọi diễn biến liên quan và đang kiên quyết, kiên trì bảo vệ, thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và pháp luật Việt Nam”, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng nói trong buổi họp báo thường kỳ chiều 1/6.
Phó phát ngôn đưa ra phản hồi như trên khi được yêu cầu cập nhật thông tin về hoạt động trái phép của tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 trong vùng biển Việt Nam. Ông cũng nhắc lại lập trường mà Bộ Ngoại giao đã nêu vào hôm 25/5.
Cụ thể, trong văn bản hôm 25/5, đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định Hướng Dương Hồng 10 cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của UNCLOS.
Đại diện Bộ Ngoại giao khi ấy nhấn mạnh Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam.
"Chính phủ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hai nước", đại diện Bộ Ngoại giao bổ sung.
Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông do tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ làm chủ biên, nói về lịch sử xác lập, thực thi các quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với các vùng biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.