Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Việt Nam sử lược' hay thái độ của trí thức với tri thức

Được in lần đầu tiên năm 1920, qua nhiều lần tái bản, "Việt Nam sử lược" là bộ sử đầu tiên của nước ta viết bằng chữ Quốc ngữ.

Đầu những năm 20 của thế kỉ XX, đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam đang bước những bước cuối của giai đoạn giao thời để chuyển sang thời hiện đại.

Trong bối cảnh đó, việc tổng kết các giá trị văn hóa, văn học trở thành một trách nhiệm tinh thần cho những trí thức tự nhiệm được thụ hưởng cả hai nền giáo dục Hán học và Tây học. Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim là một công trình ra đời trong bối cảnh và sự đòi hỏi như thế.

Được in lần đầu tiên năm 1920, qua nhiều lần tái bản, Việt Nam sử lược là bộ sử đầu tiên của nước ta viết bằng chữ Quốc ngữ. Ngoài phần Tựa, Nước Việt Nam, Tổng kết Niên biểu, công trình chia thành 5 quyển: Thượng cổ thời đại, Bắc thuộc thời đại, Tự chủ thời đại (Thời kì thống nhất), Tự chủ thời đại (Thời kì phân tranh: 1533 - 1788), Cận đại thời đại (Nhà Nguyễn: 1802 - 1945).

Tới năm 1954, Việt Nam sử lược được Nhà xuất bản Tân Việt tái bản lần thứ năm và được chính tác giả chỉnh sửa trước khi mất. Năm 2016, công trình này được tái bản trên cơ sở bản in của Nhà xuất bản Tân Việt có kèm theo Mấy lời nói đầu cho cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim do ái nữ của tác giả là Trần Thị Diệu Chương chấp bút.

Những vị vua trẻ trong sử Việt

Một bộ sách kết hợp lịch sử với lối viết thú vị, hóm hỉnh và lôi cuốn về những "ông vua", "bà vua" trẻ con trong chiều dài hàng ngàn năm lịch sử Việt Nam.

Thừa hưởng cả hai nền giáo dục Hán học và Tây học, Trần Trọng Kim thuộc lớp học giả khai sơn phá thạch của nước ta, phải xử lý cả kho tư liệu chữ Hán và chữ Pháp để viết nên công trình Việt Nam sử lược.

Là người thấu hiểu điểm dừng của các bộ sử thời trung đại, Trần Trọng Kim phê phán cách làm sử không quan tâm đến “sự tiến hóa của nhân dân trong nước”; phê phán chuyện người xưa chỉ học sử Tàu mà không học sử Việt; phê phán nền giáo dục không gắn với quốc văn (dẫu ông không phải là người đầu tiên khởi xướng những ý tưởng này).

Từ khởi điểm đó, công trình của ông đã thoát ly được những bình luận mang màu sắc ngụ bao biếm của sử bút Xuân Thu nhưng cũng kế thừa được sự tích cực của sử cũ khi nhìn các triều đại theo mạch “Văn trị” và “Võ công”.

Nhân viết sử, ông “đem ý kiến riêng của mình mà bàn với độc giả” bởi ông cho rằng “sử là của chung cả quốc dân, chứ không phải riêng cho một nhà một họ nào”. Với ông, “sử là sách không những là chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc”.

thai do cua tri thuc voi tri thuc anh 1
Tác phẩm Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim ấn bản năm 2016.

Ở vào thời kỳ chữ Quốc ngữ đã có một lượng người dùng nhất định trong xã hội, Trần Trọng Kim viết ra bộ Việt Nam sử lược để “ai ai cũng có thể xem được sử, ai ai cũng có thể hiểu được chuyện, khiến cho sự học sử của người mình được tiện lợi hơn trước”.

Ông đã làm chính trị bằng văn hóa, kết nối câu chuyện dân trí và dân khí như những người thời đó được coi là “yêu nước theo lối ôn hòa”, góp phần vun đắp sự tự chủ về tri thức để làm nền cho tự chủ về chính trị về sau.

Theo ông, ngay cả tình yêu nước cũng phải được dẫn lối bằng một vốn học thức nhất định bởi “Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình thì mới có lòng yêu nước, yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây nên mà để lại cho mình”.

Dường như, chính Trần Trọng Kim cũng không ngờ rằng cuốn sách của ông đã góp phần làm nên những “kỷ niệm chung”, những ký ức cộng đồng và góp phần vun đắp những “ao ước mong mỏi” thiêng liêng của dân tộc.

thai do cua tri thuc voi tri thuc anh 2
Nhà nghiên cứu Trần Trọng Kim. Ảnh: tư liệu.

Từ khi Việt Nam sử lược ra đời đến nay, không phải đã hết những tranh luận về nội dung cũng như về phương pháp biên soạn của cuốn sách này, điều đó cho thấy cuốn sách không chỉ là một công trình sử học mà đã là một gợi dẫn cho cả người đọc phổ thông và cho các nhà nghiên cứu.

Khi đọc một bộ sử, người đọc nói chung đều muốn tiếp cận một công trình có cái nhìn khái quát nhưng phải có lượng sử liệu đủ rộng để họ hiểu về những quy luật và hiện tượng của lịch sử.

Không những thế, người đọc không chỉ tiếp xúc với những tri thức sử học, những sự kiện lịch sử mà còn muốn qua đó tự hình thành cho mình một tư duy phản biện lịch sử, cách nhìn lịch sử mang màu sắc sử luận khách quan và nghiêm túc. Việt Nam sử lược, tùy theo nhận định của mỗi người ở mỗi thời, là một lựa chọn ưu tiên cho những mục đích trên trong hành trình truy cầu tri thức và kiến tạo những thái độ trí thức.

Công quả của một bộ sử như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, có được đánh giá cao hay không, một phần là ở đó.

Vân Uyên

Bạn có thể quan tâm