Nhắc đến vua chúa trong lịch sử các nước theo chế độ quân chủ chuyên chế, mọi người dường như đều có một hình dung khá giống nhau về kẻ được đứng trên muôn người, mỗi lời nói ra đều là pháp luật, muốn gì được nấy... Những câu chữ cửa miệng (“sướng như vua”, “ông vua con”, “xe vua”…) hay kết thúc có hậu của nhiều truyện cổ tích mà trong đó nhân vật nam chính nhờ thật thà, trung hậu nên được chọn làm vua đã vô tình hay cố ý kéo dài lối mòn tư duy đó của số đông.
Không hoàn toàn ra đời với mục đích đính chính một cách nghĩ còn khiếm khuyết hay đặt mục tiêu tạo ra một nhận thức mang tính đột khởi, bộ sách Những vị vua trẻ trong sử Việt của nhóm tác giả Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Như Mai ấn hành năm 2016 kể về những “ông vua” và “bà vua” trẻ con trong suốt một nghìn năm lịch sử dân tộc, từ sự kiện Vệ vương Đinh Toàn lên ngôi (979) đến sự kiện vua Bảo Đại thoái vị (1945). Bên cạnh những câu chuyện kể lồng tín sử vào trong truyện, nhóm tác giả còn soạn cả Niên biểu và Tra cứu theo vần để độc giả tiện theo dõi.
Bộ sách Những vị vua trẻ trong sử Việt. |
Với một giọng văn thoải mái, đôi lúc hài hước, bộ sách gây chú ý ngay từ tiêu đề của các tiểu mục, hoặc mang tính khái quát, hoặc đi sâu vào một câu chuyện gây ấn tượng đối với người đọc: “Lý Nhân Tông mở nền thịnh trị”, “Lý Thần Tông và căn bệnh hóa hổ”, “Mạc Mậu Hợp: “đi tu” còn đem theo… kĩ nữ”, “Mạc Phúc Nguyên kém phúc”, “Mạc Toàn mà mạng chẳng toàn”, “Bảo Đại – hoàng đế cuối cùng”… Đến với tác phẩm, người đọc sẽ gặp cả những ông vua điên giả và điên thật, biết thêm vì sao hồ Dâm Đàm được đổi thành Hồ Tây… Dẫu đây đó người đọc vẫn có thể có khoảng trống để trao đổi thêm với tác giả về tên gọi hoàng hậu Dương Vân Nga, về thái độ của Trần Thái Tông khi gả Lý Chiêu hoàng cho Lê Phụ Trần… nhưng với diện bao quát khá rộng, bộ sách không chỉ giúp người đọc (cả trẻ em và người lớn) thấy được sự thăng trầm trong cuộc đời của các “ấu chúa” mà còn thấy được sự vận động của lịch sử dân tộc, bên cạnh việc biện giải cả những câu chuyện mang màu sắc huyền sử như việc Lý Thần Tông hóa hổ.
Phần “Các vị vua trẻ - Họ là ai?” cuối tập 2 không đơn thuần là một “Lời nói thêm” mà đã giúp người đọc hệ thống hóa được rất nhiều điều lí thú liên quan đến những vấn đề hai tập sách đã phần nào trình bày trước đó.
Đọc Những vị vua trẻ trong sử Việt, độc giả có thêm điều kiện để chiêm nghiệm về mối quan hệ giữa số phận cá nhân và số phận của cộng đồng, nỗi buồn của cá nhân trong bi kịch của dân tộc. Hoặc thậm chí, chia sẻ với những “vua nhí” mặc lên mình “chiếc áo” hoặc quá rộng, hoặc quá chật so với tầm vóc nhân cách và tài năng của họ. Ta sẽ dễ cảm thông hơn với những ông vua, bà vua trẻ con, có cả thiên hạ trên danh nghĩa, mà lại không có một điều vô cùng quan trọng: Tuổi Thơ.