Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam sẽ có thêm tuyến cáp quang biển mới vào năm 2025

Tuyến cáp quang biển mới nối Việt Nam đi quốc tế có tên Asia Link Cable (ALC). Đây là tuyến cáp FPT Telecom tham gia đầu tư với số tiền 87 triệu USD.

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), HĐQT của đơn vị này vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến cáp quang biển Asia Link Cable nối Việt Nam đi quốc tế.

Asia Link Cable là tuyến cáp quang biển có chiều dài khoảng 6.000km. Tuyến cáp này kết nối nhiều địa điểm tại khu vực châu Á như Hong Kong, Hải Nam (Trung Quốc), Luna, Bauang (Philippines), Tungku (Brunei) và Changi (Singapore).

cap quang anh 1

Tuyến cáp quang biển Asia Link Cable mà FPT Telecom sẽ đầu tư, khai thác.

Theo thiết kế, hệ thống cáp quang biển ALC sẽ có tối thiểu 8 cặp cáp quang, với dung lượng thiết kế đường trục tối thiểu 18 Tbps trên mỗi cặp cáp. Khi hoàn thành, tuyến cáp này sẽ góp phần bổ sung thêm dung lượng và tính đa dạng cho mạng lưới Internet hiện có trong khu vực.

Dự án xây dựng tuyến cáp quang biển ALC dự kiến ​​​​sẽ tiêu tốn 300 triệu USD và được hoàn thành vào Quý III/2025. Tuyến cáp quang biển ALC có sự tham gia đầu tư của nhiều tên tuổi lớn trong ngành viễn thông khu vực như China Telecom Global Limited (CTG), Globe Telecom, Inc. (Globe), DITO Telecommunity Corporation (DITO), Singapore Telecommunications Limited (Singtel) và Unified National Networks Sdn Bhd (UNN).

Tổng chi phí FPT Telecom dự định đầu tư vào tuyến cáp này là 87 triệu USD, tương đương khoảng 2.100 tỷ đồng. Chi phí trên chưa bao gồm thuế VAT và các loại thuế phí liên quan đến việc đầu tư cáp quốc tế tại Việt Nam.

Khoản tiền đầu tư được FPT Telecom huy động từ vốn vay ngân hàng và vốn đầu tư phát triển kinh doanh của đơn vị này. Theo FPT Telecom, trong năm 2023, số tiền dự kiến mà công ty này phải bỏ ra để đầu tư cho tuyến cáp là 300 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai dự án, hạng mục tuyến cáp quang biển sẽ được triển khai theo quy trình của ALC. Đối với nhà trạm, FPT Telecom sẽ tự đầu tư, xây dựng, cài đặt và quản lý khai thác.

Xây dựng các tuyến cáp quang biển là công việc đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều quốc gia.

Hiện các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang tham gia khai thác 5 tuyến cáp quang biển quốc tế gồm Asia America Gateway (AAG), APG (Asia Pacific Gateway), SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3), Intra Asia (IA, còn gọi là Liên Á) và Asia - Africa - Euro 1 (AAE-1).

Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp lớn là VNPT và Viettel đã tham gia vào các liên minh để đầu tư xây dựng các tuyến cáp biển mới SJC2 và ADC. Trong năm nay, 2 tuyến cáp quang biển này sẽ được xây dựng xong và đưa vào vận hành chính thức. Ngay trong năm 2023, tổng số tuyến cáp biển các doanh nghiệp Việt Nam khai thác, sử dụng sẽ được nâng lên 7 tuyến.

Theo định hướng của Bộ TT&TT, dự kiến đến năm 2025, tổng số tuyến cáp quang biển mà các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng sẽ khoảng 10 tuyến, gấp đôi hiện nay. Việc đi vào hoạt động của các tuyến cáp quang biển mới như SJC2, ADC và ALC sẽ góp phần hiện thực hóa chủ trương này và bổ sung thêm dung lượng nhằm giải quyết nhu cầu kết nối Internet trong nước đi quốc tế.

Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ

Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.

Thủ phạm chính gây đứt cáp quang biển

Những người đánh cá thường xuyên gây thiệt hại đắt đỏ cho các tuyến cáp, nhưng cho biết họ cũng là nạn nhân khi hệ thống cáp ngầm ngày càng dày đặc cản trở việc đánh bắt.

Có gì trên phần bị ẩn đi của Internet

Web đen (Dark web) là một mạng lưới tập hợp những trang web với nội dung bất hợp pháp như khiêu dâm trẻ em, buôn bán súng và ma túy.

https://vietnamnet.vn/viet-nam-se-co-them-tuyen-cap-quang-bien-asia-link-cable-2137422.html

Trọng Đạt/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm