Tối ngày 14/10/2022, Pall Hojgaard Vesturbu, Giám đốc điều hành của Shefa, một công ty con của Faroese Telecom, nhận được cuộc gọi từ kỹ thuật viên báo sự cố trên đường cáp nối Shetland, một quần đảo cách bờ biển Scotland 160 km, với Faroe (Đan Mạch). Vài ngày sau, Vesturbu nhận được cuộc gọi nữa báo sự cố trên đường cáp khác nối Shetland và đất liền Vương quốc Anh.
2 sự cố xảy ra cùng làm gián đoạn nghiêm trọng liên lạc qua điện thoại và Internet trên các đảo và khiến các cửa hàng không thể nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng trong một ngày.
Quy trình sửa chữa một tuyến cáp quang đáy biển bị đứt có thể kéo dài nhiều ngày. Ảnh: Bloomberg. |
Các chính phủ phương Tây coi cáp ngầm dưới biển là mục tiêu tiềm năng cho các vụ phá hoại. Nhưng Vesturbu đã nghĩ đến một thủ phạm khác, ngành công nghiệp đánh bắt cá.
Thủ phạm chính gây đứt cáp ngầm
“Thật bực bội”, ông nói, lưu ý rằng các tàu đánh cá đã gây ra gần như tất cả các vụ đứt dây cáp mà công ty gặp phải. Vị trí của các dây cáp được gửi đến thiết bị điều hướng của tàu thuyền, vì vậy những người đánh cá dễ dàng tránh các dây cáp, theo Vesturbu.
Theo một báo cáo năm 2021 của Ủy ban Bảo vệ cáp Quốc tế, khoảng 60% sự cố gián đoạn là do thiết bị dùng để đánh bắt cá tuyết, cá bơn, mực ống và các loài sống ở tầng đáy khác, hoặc do các mỏ neo bị kéo qua đáy đại dương. Chi phí sửa chữa cho một sự cố dao động từ 250.000-3.000.000 USD.
Một phương tiện điều khiển từ xa dùng để sửa chữa cáp ngầm. Ảnh: Bloomberg. |
Hệ thống cáp ngầm đáy biển gặp sự cố khoảng 200 lần một năm. Hầu hết vụ việc không làm gián đoạn dịch vụ Internet, vì các nhà khai thác cáp có các phương án thay thế, chuyển lưu lượng truy cập sang một tuyến cáp khác. Tổng cộng, mạng lưới cáp ngầm Internet hiện dài khoảng 1,4 triệu km trải khắp đáy biển.
Ví dụ, để gây gián đoạn nghiêm trọng Internet ở Vương quốc Anh thì 19 dây cáp phải lỗi đồng thời. Những nơi ít cáp kết nối hơn, đặc biệt là các đảo như Shetland, thì dễ bị ảnh hưởng ngay khi chỉ có 1-2 sự cố.
Các công ty chịu trách nhiệm về các đường cáp cho biết họ cung cấp miễn phí bản đồ mạng lưới. Tuy nhiên, ngư dân phàn nàn rằng các loại cơ sở hạ tầng khác nhau mở rộng nhanh chóng trên biển, bao gồm dây cáp, đường ống dẫn dầu và điện gió ngoài khơi, đang chiếm dụng không gian đại dương và đe dọa công việc của họ.
Ngư dân bị cản đường bởi hệ thống cáp dày đặc
“Ngư dân chỉ muốn đánh bắt cá, nhưng chúng tôi ngày càng nhận được nhiều yêu cầu tránh tất cả những dây cáp này. Các công ty lớn chỉ đang cản đường chúng tôi", Patrick Murphy, Giám đốc điều hành của Tổ chức các nhà sản xuất cá Nam & Tây Ireland, cho biết.
Cáp quang biển có nhiều lớp bảo vệ, nhưng vẫn dễ dàng bị đứt nếu mỏ neo tàu kéo qua. Ảnh: IDG. |
Trong quá trình sửa chữa, nhà điều hành tuyến cáp cũng điều tra nguyên nhân, để xem họ có thể kiện ai đòi đền bù. Ở châu Âu, các thuyền dài hơn 15 mét buộc phải truyền vị trí của họ mọi lúc, nhưng một số thuyền trưởng tắt định vị, được gọi là hệ thống nhận dạng tự động (AIS), để tránh tiết lộ vị trí ngư trường béo bở hoặc để che giấu hoạt động bất hợp pháp.
Nhóm kỹ thuật của Vesturbu tại Shefa cho biết đã xác định được một trong những chiếc thuyền chịu trách nhiệm về sự cố vào tháng 10 thông qua AIS. Họ đã liên hệ với công ty đánh cá sở hữu thuyền và đang tìm cách thu lại hàng trăm nghìn USD chi phí sửa chữa.
Ngành công nghiệp cáp ngầm cho rằng họ chỉ có trách nhiệm thông báo vị trí của cáp, trong khi ngành đánh cá muốn được tham vấn trước khi các công ty viễn thông lắp đặt cáp.
“Cáp ngầm đã có từ năm 1884 và ngành cáp đang làm mọi thứ có thể để cung cấp thông tin cho ngành đánh bắt cá về vị trí. Họ không bắt buộc câu cá tại đó", Peter Jamieson, Phó chủ tịch Hiệp hội cáp biển châu Âu, cho biết.
Elaine Whyte, người đại diện cho ngành đánh bắt cá ở Scotland, cho biết các nhà khai thác cáp cần tham vấn ngư dân để đảm bảo cáp không đi qua các khu vực đánh quan trọng. Whyte cho rằng những người đánh cá cảm thấy bị lép vế.
Bản đồ các tuyến cáp quang Internet hiện nay. Nhiều ngư dân cho rằng mạng lưới dày đặc này đang làm cản trở hoạt động đánh bắt của họ. Ảnh: Telegeography. |
“Chúng tôi không ngang hàng với những công ty này”, cô nói, cho biết thêm rằng ngư dân muốn được tham vấn phù hợp trong giai đoạn lập kế hoạch tuyến cáp để đảm bảo rằng các tuyến hoặc được chôn sâu dưới đáy biển hoặc không chạy qua các khu vực đánh cá màu mỡ nhất.
Do tầm quan trọng của kết nối Internet, đã có suy đoán rằng các tai nạn đánh cá chỉ là vỏ bọc. Vesturbu không tin, nói rằng các đoạn cáp đều được chôn cẩn thận, chỉ lộ ra một số đoạn và cần tính toán phức tạp để có thể cắt đứt Internet chỉ với việc làm hỏng một đoạn cáp.
Trong khi đó, Derek Bullock, một nhà tư vấn viễn thông, cho rằng hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp "vỏ bọc đánh cá". "Chẳng cần thiết bị chuyên dụng, tất cả những gì bạn cần là một con tàu, mỏ neo và kéo qua dây cáp", Bullock nói.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.