Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam phản đối Trung Quốc mở trái phép nhà hàng ở Hoàng Sa

Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: TTXVN.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Philippines lắp đặt 5 phao định vị tại Biển Đông, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho hay như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

“Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), có đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC)”, bà Hằng nói.

Trước đó hôm 14/5, Reuters đưa tin Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) thông báo thiết lập 5 phao mang quốc kỳ trong các ngày 10-12/5 tại 5 khu vực trong phạm vi 322 km, trong đó có cả Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), nơi hàng trăm tàu ​​hải cảnh Trung Quốc neo đậu trái phép năm 2021.

Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình dạng chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam.

Bà Hằng tái khẳng định quan điểm trên khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc xây dựng trái phép nhà hàng tại quần đảo Hoàng Sa.

hoang sa truong sa anh 1

Nhà hàng Trung Quốc mở phi pháp trên đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Weibo.

Tờ South China Morning Post hôm 30/4 đưa tin Trung Quốc mở nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc đã dựng lên trái phép cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Khi Trung Quốc chuyển đến thành lập “thành phố Tam Sa” vào năm 2012, đảo Phú Lâm có khoảng 1.000 cư dân. Kể từ đó, Trung Quốc nâng cấp phi pháp cơ sở vật chất cho dân số ngày càng lớn của “thành phố Tam Sa”.

Trước câu hỏi về việc tàu nghiên cứu Trung Quốc hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng ngày 18/5 khẳng định Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng quy định trong Công ước về Luật Biển 1982.

“Đối với các vụ việc xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đã, đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”, bà Hằng nói thêm.

Tàu Trung Quốc bám sát chiến hạm Mỹ ở Trường Sa

Quân đội Trung Quốc đã triển khai lực lượng bám sát khu trục hạm USS Milius của Mỹ khi tàu chiến này đi vào vùng biển đá Vành Khăn ở Trường Sa.

Tàu chiến Mỹ áp sát đá Vành Khăn

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ, USS Milius, ngày 10/4 thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm