Tuyên bố từ Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ ngày 9/4 (giờ Mỹ) cho biết "hoạt động tự do hàng hải" (FONOP) của tàu khu trục USS Milius tại khu vực đá Vành Khăn tuân thủ với luật pháp quốc tế và nhằm "khẳng định quyền tự do đi lại trên biển" của tàu thuyền.
Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Theo tuyên bố trên, tàu chiến thuộc Hạm đội 7 thực hiện hoạt động thông thường tại khu vực cách đá Vành Khăn khoảng 12 hải lý, tuân thủ theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
"UNCLOS 1982 cho phép các quốc gia có một số quyền tự do tại các vùng biển trên thế giới. Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ phải đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển, vốn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, ổn định và thịnh vượng trên toàn cầu", tuyên bố của Hạm đội 7 cho biết.
Sau khi kết thúc "hoạt động tự do hàng hải", khu trục hạm USS Milius đã rời khỏi khu vực đá Vành Khăn để tiếp tục hoạt động thông thường tại Biển Đông.
Trước đó, Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngày 23/3 nói rằng họ đã yêu cầu tàu khu trục tên lửa USS Milius rời khỏi khu vực Biển Đông, theo Guardian.
Tuy nhiên, tuyên bố của Bắc Kinh đã bị Hải quân Mỹ bác bỏ sau đó. “Tàu USS Milius có các hoạt động thường lệ ở Biển Đông và không gặp trở ngại. Mỹ sẽ tiếp tục bay, di chuyển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, Hạm đội 7 cho hay.
Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, do tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ làm chủ biên, nói về lịch sử xác lập, thực thi các quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với các vùng biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.