Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: TTXVN. |
Ngày 6/4, trả lời câu hỏi của báo chí về hoạt động của tàu Hải dương địa chất 4 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết quan điểm nhất quán của Việt Nam là hoạt động ở Biển Đông cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
"Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam mới đây cho biết tàu Hải dương địa chất 4 đã rời khỏi vùng biển của Việt Nam", Phó phát ngôn cho biết.
Trước thông tin một tổ chức khoa học tự nhiên của Trung Quốc công bố danh sách một số công trình khảo sát thường xuyên, trong đó có một số tuyến bao trùm lên quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam, bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Việc tiến hành khảo sát, nghiên cứu khoa học trong phạm vi quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình", bà Hằng cho biết.
"Do đó, các công trình khảo sát, nghiên cứu này không có giá trị", phó phát ngôn khẳng định.
Trước đó, tờ South China Morning Post ngày 1/4 đưa tin Quỹ Khoa học Tự nhiên quốc gia Trung Quốc sẽ gửi các tàu nghiên cứu đến 33 địa điểm trải dài từ eo biển Đài Loan và Biển Đông đến các vùng biển phía tây Thái Bình Dương và phía đông Ấn Độ Dương.
Trong số 33 địa điểm mà Trung Quốc công bố, bên cạnh eo biển Đài Loan còn có 8 địa điểm ở Biển Đông, 6 khu vực khảo sát ở phía tây Thái Bình Dương nằm gần các căn cứ quân sự của Mỹ và các đồng minh và một địa điểm cắt ngang qua vùng biển nằm giữa Đài Loan và Philippines.