Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam mở rộng phạm vi tìm kiếm máy bay mất tích

"72 giờ trôi qua, máy bay chắc chắn đã hết nhiên liệu, khả năng Boeing 777 đáp xuống một sân bay khác không thể xảy ra. Máy bay đã chính thức chuyển sang giai đoạn mất tích".

“Máy bay Boeing 777 của Malaysia đã qua giai đoạn hồ nghi và đang được công bố là “mất tích”. Việc công bố này đã được phía Malaysia đưa ra, vì đến nay chưa có bằng chứng cho thấy máy bay đã vào vùng FIR của Việt Nam”, đại diện Cục hàng không Việt Nam nói. 

Việc công bố chuyển sang giai đoạn mất tích, theo Cục Hàng không, có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi kế hoạch tìm kiếm, giai đoạn tìm kiếm cứu hộ khẩn cấp đã qua, các lực lượng chức năng sẽ phân bố khu vực để rà soát mở rộng.

‘Giả thuyết máy bay nổ không có cơ sở'

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam khẳng định giả thiết máy bay phát nổ mà phía Malaysia đưa ra không trùng với nhận định của chúng ta về tai nạn này.

Theo dự kiến, hôm nay ngày 12/3, lực lượng không quân sử dụng 4 máy bay (1 CASA, 1 AN 26, 2 trực thăng Mi 171) bay tìm kiếm tại khu vực phía bên phải và 3 máy bay (1 DHC6 của Hải quân, 1 trực thăng Mi 171, 1 CASA) bay khu vực phía bên trái của đường bay L637 theo hướng Kuala Lampur - Bắc Kinh.

Trên biển, Việt Nam sẽ sử dụng 8 tàu di chuyển về các vị trí phân công để kết hợp tìm kiếm và phối hợp nắm tình hình hoạt động của các lực lượng nước ngoài.

Máy bay khi mất tích được xác định đang bay ở độ cao hơn 10.000m. Sau hơn 3 ngày tìm kiếm vẫn không thấy dấu vết nào là mảnh vỡ của máy bay nên giả thiết máy bay nổ trên không là không có cơ sở.

Máy bay Malaysia chính thức mất tích.

Về dấu hiệu máy bay bị tấn công, Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không cho hay, thông tin cơ quan điều tra của các nước trao đổi chưa cho thấy nhiều bằng chứng, tuy nhiên cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm rõ và không bỏ sót bất cứ chi tiết nào liên quan.

Trước đó, chiếc Boeing 777 đã biến mất khỏi màn hình radar chỉ sau 40 phút cất cánh từ sân bay quốc tế ở Kuala Lumpur đi Bắc Kinh vào sáng 8/3. Cho đến nay, tung tích của chiếc máy bay này vẫn còn đang là điều bí ẩn. Theo nhận đinh của đại diện Cục Hàng không, đã 72 tiếng đồng hồ trôi qua, máy bay chắc chắn đã hết nhiên liệu, khả năng chiếc Boeing 777 đã đáp xuống một sân bay khác là không thể xảy ra. Máy bay của Malaysia đã chính thức chuyển sang giai đoạn mất tích.

Dự kiến tối 11/3, Mỹ sẽ điều một tàu hậu cần vào tìm kiếm trong vùng biển Việt Nam và 1 tàu hậu cần khác tìm kiếm trong vùng biển Malaysia, đồng thời sử dụng máy bay P3 tìm kiếm ở vùng biển Malaca. Chiều 11/3 phía Trung Quốc đang sử dụng 2 máy bay và 4 tàu tìm kiếm trong vùng biển Việt Nam. Để đảm bảo điều hành các phương tiện tìm kiếm an toàn, sáng 11/3 Quân chủng Phòng không Không quân cũng đã tăng cường một rađa cơ động đến Sở Chỉ huy mới được lập ở Cà Mau.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng: “Việc cứu người là nhân đạo nên phải tiếp tục tích cực tìm kiếm, phát hiện càng sớm càng tốt trong lúc người thân các hành khách trên máy bay đang mong ngóng”.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chấp thuận với các đề xuất tiếp theo và yêu cầu tìm kiếm, kiểm tra tích cực trên cả đất liền vì giả thiết máy bay bị nổ ở độ cao 10.000m thì mảnh vỡ phân tán trên phạm vi rất rộng. Ngoài phạm vi tìm kiếm mở rộng sang hướng Đông đường bay R208, ngày 12/3, vẫn phải tìm kiếm ở gần điểm IGARY và phía Tây điểm này cũng như trên đất liền, biên giới với Campuchia. Việc tìm kiếm phải lấy đường bay R208 làm trục chính.

Với các lực lượng nước ngoài vào vùng biển Việt Nam tìm kiếm, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ yêu cầu phía Việt Nam phải có phương tiện hướng dẫn, vì trong lãnh hải Việt Nam thì các phương tiện của nước bạn tham gia là phối thuộc. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn phải xác định lâu dài, cần xây dựng kế hoạch dài hơi.

Lê Tú

Bạn có thể quan tâm