Cụ thể, theo sách trắng "Châu Á trong kỷ nguyên mới của thanh toán điện tử" của hãng nghiên cứu IDC, Việt Nam có 45% dân số sở hữu tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ bình quân đầu người chỉ đạt 0,5. Giao dịch tiền mặt vẫn chiếm 80% tỷ trọng thanh toán.
Năm 2019, trung bình mỗi người Việt chi tiêu 176 USD bằng thẻ tín dụng, 103 USD bằng thẻ ghi nợ và 36 USD bằng ví điện tử.
Theo hãng nghiên cứu này, hiện nhiều ngân hàng nội địa và quốc tế có mặt tại Việt Nam giới thiệu nhiều loại thẻ mới, đặc biệt là thẻ tín dụng không lãi suất nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu và sử dụng.
Trong khi đó, các công ty tài chính - công nghệ (fintech) đang phát triển giải pháp ví điện tử, vừa hỗ trợ chức năng thanh toán vừa có thêm các tiện ích như của ngân hàng cho những người không cần hoặc không thể có tài khoản ngân hàng. Trong đó, IDC nhận định MoMo và ZaloPay là 2 ví điện tử dẫn đầu tại Việt Nam.
Nguồn: IDC. |
Theo dự báo của IDC, với dư địa tăng trưởng còn lớn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam sẽ sớm nâng cao tỷ lệ thanh toán không tiền mặt. Trong đó, tỷ lệ sử dụng ví điện tử sẽ tăng từ 18% năm 2019 lên 20% năm 2022. Cùng giai đoạn này, thẻ ghi nợ tăng từ 11% lên 14%, còn hình thức chuyển khoản tăng từ 24% lên 25%.
Đến năm 2030, ví điện tử, thẻ ghi nợ và chuyển khoản ngân hàng sẽ là những phương thức thanh toán chủ yếu tại Việt Nam.
Chia sẻ với Zing, đại diện nền tảng thanh toán Payoo cho biết, các giao dịch trực tuyến đạt mức tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, theo xu hướng chung của thị trường. Ngay trong những tháng dịch, tổng khối lượng giao dịch qua nền tảng này tăng hơn 10%, đặc biệt là thanh toán hóa đơn điện và nước.
Theo số liệu 3 tháng gần nhất, đơn vị này ghi nhận hơn 90% giao dịch đến từ thẻ ATM nội địa và các loại thẻ quốc tế như Visa, Mastercard, JCB. Lượng giao dịch qua mã QR (thông qua ví điện tử và ứng dụng ngân hàng) ở các điểm chấp nhận thanh toán của Payoo đồng thời có dấu hiệu tăng dần.
Trên các sàn thương mại điện tử, Tiki ghi nhận 40% đơn hàng được thanh toán trực tuyến. Tỷ lệ này dự kiến đạt trên 50% vào cuối năm nay.
Còn tại Shopee, số lượng người dùng thực hiện thanh toán bằng các hình thức như thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng và ví điện tử AirPay cũng ngày càng tăng kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu. Đặc biệt, hãng ghi nhận mức tăng trưởng 15% ở lượng giao dịch qua ví AirPay của người dùng trên 50 tuổi, đối tượng vốn được cho là khó thích nghi với hình thức thanh toán số hóa.
Để đẩy mạnh xu hướng thanh toán không tiền mặt, hiện sàn này triển khai nhiều chương trình ưu đãi, hoàn tiền đến 50%... để khuyến khích người dùng sử dụng ví điện tử. Trong khi đó, đại diện Payoo cho biết đang đẩy mạnh giải pháp chấp nhận mọi thanh toán, từ mã QR, thẻ nội địa, thẻ thanh toán quốc tế đến thẻ NFC... trên cả kênh trực tuyến và tại các cửa hàng, nhằm đón đầu triển vọng thanh toán trực tuyến và không tiếp xúc trong tương lai.