Đây là nhận định của Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt - Triển khai chính sách hướng tới tương lai" sáng 12/6.
Cụ thể, bà Lý Thị Hoài Hương - Vụ phó Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (thuộc Tổng cục Thuế) cho biết đã triển khai nộp thuế điện tử từ năm 2015.
Nhưng thực tế đến nay, số lượng cá nhân và hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ này chưa cao, trong khi 99% doanh nghiệp đang hoạt động đã đăng ký nộp thuế điện tử tính đến ngày 31/12/2019, với tổng số tiền trên 700.000 tỷ đồng.
Lý giải về tình trạng này, bà Hoài Hương cho rằng số lượng người nộp thuế cá nhân và hộ kinh doanh nhiều, trong đó một bộ phận lớn chưa có thói quen, thậm chí ngại tiếp xúc với công nghệ. Điều này một phần bởi việc triển khai dịch vụ công điện tử chưa đồng bộ ở các cơ quan nhà nước, gây khó khăn, vướng mắc cho người dân.
Người dân hiện có thể nộp tiền điện, tiền thuế, trả phí trước bạ ôtô, xe máy mà không cần tiền mặt. Ảnh: VGP. |
Trong khi đó, theo ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN, tập đoàn bắt đầu triển khai thí điểm hóa đơn điện tử tại TP.HCM từ năm 2013, sau đó ứng dụng trên toàn quốc vào năm 2015. Đến năm 2017, EVN không còn lực lượng thu tiền điện đến từng nhà dân, mà hợp tác với hơn 30 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian thanh toán.
Từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp liên tục vận động và tuyên truyền người dân từ thanh toán tiền điện tập trung tại các quầy, điểm giao dịch, đến thanh toán qua ngân hàng, ví điện tử... Kết quả, năm 2015, có 14,88% hóa đơn tiền điện được thanh toán qua ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán. Đến năm 2019, tỷ lệ này lên đến 63,91%, trong đó tính riêng thanh toán không tiền mặt chiếm 54,64%.
Có mặt tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cam kết hướng tới không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công. "TP sẽ làm việc với các đơn vị để thúc đẩy việc này trong năm nay", ông Tuyến nói.
Hiện tại, theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP thanh toán quốc gia Napas, người dân TP.HCM và Hà Nội có thể nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy thông qua hệ thống 38 ngân hàng phát hành thẻ nội địa Napas.
Napas hiện miễn phí thanh toán dịch vụ công đến hết ngày 31/12, đồng thời đang mở rộng dịch vụ với các loại phí, thuế cá nhân khác, giải ngân các gói hỗ trợ người dân và thanh toán mua xăng dầu trong tương lai.
Theo Tiến sĩ Lê Thành Trung - Phó tổng giám đốc ngân hàng HDBank, điều quan trọng là làm cho người dân cảm thấy thuận tiện, an toàn và được hưởng lợi khi thanh toán không tiền mặt. "Các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ và đơn vị trung gian thanh toán đang triển khai tốt, thậm chí đi trước thời đại về mặt công nghệ và dịch vụ, nhưng vẫn cần phối hợp để đưa ra nhiều ưu đãi lớn cho khách hàng khi sử dụng", ông nói.
Lấy ví dụ từ HDBank, ông cho biết ngân hàng đã tích cực kết hợp với nhiều đơn vị khác như Vietjet Air, Saigon Co.op để tạo nên hệ sinh thái lớn với các chương trình khuyến mại, mang đến trải nghiệm tiện lợi và an toàn cho khách hàng.
Theo thống kê của NHNN, trong 4 tháng đầu năm, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị. Trong khi đó, thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% về giá trị, còn thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ 2019.
HDBank luôn tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, khuyến khích khách hàng tăng cường giao dịch online, thanh toán không dùng tiền mặt. Ngân hàng triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và chương trình ưu đãi giúp khách hàng chủ động thực hiện các giao dịch giải ngân, thanh toán tự động, kiểm tra thông tin lãi suất, cân đối và chủ động tài chính trên nền tảng thiết bị điện tử hoặc điện thoại thông minh. Từ đó, khách hàng có thể giao dịch từ xa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Để biết thêm thông tin chi tiết về các ưu đãi và gói hỗ trợ của HDBank, độc giả xem chi tiết tại đây.