Từ ngày 27 đến 30/5, hội nghị lần thứ 15 tiến trình tư vấn của Liên Hiệp Quốc về đại dương và luật biển với chủ đề “Vai trò của thủy - hải sản với an ninh lương thực toàn cầu" diễn ra tại trụ sở chính ở thành phố New York, Mỹ, Liên Hiệp Quốc.
Giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) mà Trung Quốc hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Tham dự hội nghị có đông đảo đại diện các quốc gia thành viên của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này, cùng nhiều chuyên gia về biển, đại dương và ngành thủy, hải sản. Tại hội nghị, đại diện các quốc gia cũng như các chuyên gia đều đánh giá cao tầm quan trọng của thủy - hải sản trong chiến lược an ninh lương thực toàn cầu.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng của Liên Hiệp Quốc, trong những năm qua, sản lượng thủy - hải sản gồm đánh bắt và nuôi trồng đã có sự tăng trưởng đáng kể, góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Bên cạnh đó, hoạt động đánh bắt và nuôi trồng hải sản trên thế giới cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tăng dân số và đánh bắt bất hợp pháp. Để hạn chế tác động tiêu cực, bảo đảm sự tăng trưởng bền vững của sản lượng thủy - hải sản trong tương lai, các đại biểu cho rằng các quốc gia cần tăng cường hợp tác thông qua các hình thức như trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ…
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao chủ đề cũng như các nội dung thảo luận của hội nghị, khẳng định vai trò quan trọng của thủy - hải sản đối với an ninh lương thực, đặc biệt đối với một nước có bờ biển dài, dân số lớn như Việt Nam. Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi các quốc gia hợp tác để xây dựng chế độ quản lý hữu hiệu về khai thác nguồn lợi hải sản nhằm bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực của từng quốc gia. Việt Nam cũng đề nghị các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến về đánh bắt cá biển.
Trong bài phát biểu, Trưởng đoàn Việt Nam đề cập đến các hành động gây căng thẳng mới đây của Trung Quốc tại Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ngư nghiệp chính đáng của ngư dân Việt Nam. Trưởng đoàn Việt Nam nêu rõ hoạt động ngư nghiệp hợp pháp của ngư dân Việt Nam tại một số ngư trường truyền thống bị cản trở bởi các hành động bất hợp pháp với mức độ ngày càng nghiêm trọng từ phía Trung Quốc, như ban hành lệnh cấm đánh cá hàng năm, liên tục khống chế, xua đuổi tàu cá, đối xử vô nhân đạo, gây thiệt hại lớn về tài sản cho ngư dân Việt Nam và gần đây nhất là việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá với 10 ngư dân Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hoạt động của hàng trăm tàu bảo vệ đã vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc. Tại hội nghị, Việt Nam kêu gọi các quốc gia trong khu vực hợp tác để tiến tới xây dựng một khuôn khổ thống nhất về việc quản lý vấn đề đánh bắt cá tại khu vực, tránh các hành động gây căng thẳng không đáng có.