Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Việt Nam không thể bỏ thưởng Tết'

Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, có thể luật hóa thưởng Tết song bỏ luôn thì khó vì VN là nước Á Đông.

- Dự báo thưởng Tết 2016 sẽ như thế nào, thưa bà?

- Thời gian đến Tết cận kề, trong quý III/2015 khá khả quan. Chúng tôi có nhiều thông tin khác nhau, song dựa vào số lượng cũng như tốc độ tăng việc làm, các chỉ số tiền lương... khá tốt.

Tình hình lương thưởng Tết, vì thế khả quan, đặc biệt là hai ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ.

Chúng tôi mong năm nay, với vấn đề lương thưởng, doanh nghiệp sẽ có nguồn tốt hơn để giải quyết cho người lao động.

Tỷ lệ bỏ việc sau Tết cũng có khả năng dự đoán đỡ hơn so với các năm.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Ảnh: Ngọc Lan. 

- Liệu có tình trạng doanh nghiệp sa thải lao động để tránh thưởng Tết?

- Hiện nay, thị trường lao động ngày càng đi vào nề nếp, càng phát triển. Việc sa thải lao động trước Tết không phải là hành vi của chủ sở hữu lao động tốt. Hơn nữa, chi phí tuyển dụng lại và đào tạo lao động cao hơn chi phí thưởng Tết.

"Thông thường, một năm, người lao động được trả 16 phần lương chứ không phải 12 tháng. Trong đó, thưởng Tết là 2-3 phần".

Trong khi đó, chúng ta đang bước vào giai đoạn nhu cầu lao động cao hơn, cung lao động giảm một chút. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo nhu cầu nhân lực. Bản thân doanh nghiệp hiểu rằng giữ chân người lao động, đảm bảo tiền lương, thưởng cho người lao động là một trong những giải pháp để họ có những người lao động tốt hơn, nâng cao năng suất.

- Một số ý kiến cho rằng thưởng Tết là gánh nặng của doanh nghiệp, bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Thông thường một năm, người lao động được trả 16 phần lương chứ không phải 12 tháng. Trong đó, thưởng Tết là 2-3 phần. 

Nếu doanh nghiệp coi thưởng Tết là bị động, là khoản phải cho người lao động, thì nó sẽ là gánh nặng, tạo sự khó chịu. Ngược lại, nếu doanh nghiệp coi là một điều tất nhiên phải làm, ví như thuê một người làm không phải chỉ trả 12 tháng mà sẽ trả 14 tháng thì điều đó là bình thường.

Một khi doanh nghiệp xem khoản thưởng là tiền lao động, tiền giữ chân người lao động thì họ sẽ nghĩ đó là bình thường.

Tôi cho rằng, "thưởng Tết" cần phải được coi là một khoản chi phí sử dụng lao động chứ không phải thưởng mà họ buộc phải thực hiện. 

Thực tế, một bộ phận doanh nghiệp hiện nay khi tuyển dụng chỉ nghĩ tới chuyện làm ăn gì, chứ không nghĩ việc thuê ai, sử dụng nguồn nhân lực đó như thế nào.

- Vậy tiền thưởng có thể luật hoá, thưa bà?

- Bản chất nguồn của tiền thưởng là lấy từ lợi nhuận của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có lợi nhuận thì mới có thưởng. Chính phủ không thể ép thưởng, chỉ có thể ép trả lương.

Tuy nhiên, việc này cũng có thể luật hóa được theo quy chế tiền lương là 16 phần, chi trả 12 lần, trong đó thời điểm Tết, thay vì 1 phần sẽ có 3 phần. 

- Như vậy, khi luật hóa xong rồi có thể bỏ luôn khoản thưởng Tết được không?

- Ở Việt Nam, không thể bỏ thưởng Tết bởi chúng ta là thị trường Á Đông. Hơn nữa, doanh thu dịp Tết của các doanh nghiệp thường tăng đột biến. 

- Xin cảm ơn bà!

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng. Số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp chiếm đến 20%. Đánh giá về con số này, bà Lan Hương cho biết, bất cập giữa cung lao động sau đại học, cao đẳng và tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động này nằm ở việc phân luồng trong quá trình tuyển sinh chưa dựa trên nhu cầu của thị trường lao động. Từ đó, các chính sách phân luồng chưa được xây dựng phù hợp.

"Tôi mong bản thân người lao động có thể sử dụng thông tin thị trường lao động để điều chỉnh phù hợp với tín hiệu thị trường. Hệ thống giáo dục hiện nay là liên thông. Người lao động không cần và không nên bắt đầu ngay vào các hệ thống cao đẳng, đại học mà chọn quá trình phù hợp hơn", bà nói.

Một nguyên nhân nữa của bất cập cung cầu, theo bà, là việc các trường đại học tiếp tục mở, lấy điểm ngày càng thấp. Người dân có tâm lý không muốn học trình độ thấp hơn. Việc này dẫn đến hệ luỵ là đào tạo trình độ chưa tới, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Vui, buồn thưởng Tết Dương lịch

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cho biết chưa hạch toán tình hình kinh doanh cuối năm để đưa ra mức thưởng Tết. Thậm chí, nhiều nơi nhân viên chưa từng có thưởng Tết Dương lịch.

 


Ngọc Lan (Thực hiện)

Bạn có thể quan tâm