Dư âm của chức vô địch AFF Cup đang nguội dần, và cho dù người hâm mộ (NHM) Việt Nam đang tràn đầy niềm tin vào bóng đá nước nhà, cũng hiếm ai dám mơ mộng quá xa vời về Asian Cup – giải đấu mà chúng ta phải đối đầu với những đội mạnh ở châu Á.
Giấc mơ thực tế hơn là nhìn bóng đá Việt Nam chạm đến một tầm cao hơn so với sân chơi Đông Nam Á trong vài năm tới; là nhìn những thế hệ U17, 18, 23 tài năng hơn cả những chiến binh Thường Châu ra đời; là được chứng kiến bóng đá Việt Nam phát triển một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn nữa trong tương lai gần.
Bóng đá là sự kế thừa và tiếp nối. Chúng ta không thể hài lòng về chỉ một thế hệ vàng. Thời gian không chờ ai cả. Đến khi những Quang Hải, Đình Trọng, Xuân Trường… bắt đầu già đi, ĐT Việt Nam liệu có rơi vào một cuộc khủng hoảng chuyển giao hay không? Không ai biết trước tương lai, nhưng chúng ta nên cảm thấy may mắn vì thế giới đã cho người Việt chiêm ngưỡng rất nhiều bài học xương máu để chúng ta hình dung ra điều gì đang chờ đợi bóng đá Việt Nam ở phía trước nếu không có sự chuẩn bị bài bản.
Khi một thế hệ vàng trôi đi, chúng ta phải ngay lập tức có một lớp kế cận xứng tầm. |
Đội tuyển Đức mất 10 năm ròng rã, công phu để tạo nên dàn cầu thủ đủ khả năng vô địch World Cup 2014, nhưng ngay sau đó đã bước vào giai đoạn khủng hoảng chuyển giao thế hệ. Bóng đá Hà Lan làm mưa làm gió trong quá khứ, nhưng chỉ cần lơ là công tác đào tạo trẻ là dễ dàng chìm trong khủng hoảng.
Tây Ban Nha sau khi trải qua giai đoạn thống trị cả thế giới lẫn châu Âu nhờ vào một bộ khung được xây dựng rất cơ bản, cũng đang đối diện với khủng hoảng vì tre đã già mà măng chưa kịp mọc.
Tương phản với những hình ảnh đó là tuyển Nhật Bản. Tại World Cup vừa qua, Nhật Bản chính là đội tuyển gây được ấn tượng mạnh nhất trong số các đại diện châu Á. Họ trình diễn một lối chơi hiện đại, cầu thủ giàu thể lực, quyết tâm, đội hình có sự đan xen tốt giữa các thế hệ. Thành công ấy có được nhờ vào một chiến lược phát triển rất bài bản và quy mô về bóng đá trẻ ở xứ sở mặt trời mọc.
Có một chi tiết mà chúng ta cần chú ý: Bóng đá từng là môn thể thao không được số đông ưa thích tại Nhật (bóng chày mới là môn thể thao số 1). Người Nhật gọi bóng đá là sakka, dựa trên phiên âm của từ soccer – vốn là cách người Mỹ, một quốc gia mà bóng đá cũng không phải là số 1.
Sự tăng trưởng của bóng đá Nhật
Đến thăm trường tiểu học Uchihama (thành phố Fukuoka) vào một ngày âm u. Nhiệt độ ngoài trời là 5 độ C, nhưng với địa hình sát biển, cái lạnh thực tế ở Fukuoka có lẽ khoảng 2-3 độ. Gió thổi với vận tốc 15 km/h khiến cái lạnh len lỏi vào từng thớ thịt.
Ấy vậy mà ngoài sân trường, đám trẻ con lớp 4 và 5 vẫn đang chạy chơi cùng trái bóng với chỉ một manh áo mỏng trên người. Sân trường chia làm 2 môn thể thao chính: bóng đá và bóng ném. Giáo viên phụ trách là thầy Yamato, từng chơi bóng chày nghiệp dư nhưng giờ đã chuyển sang huấn luyện bóng đá sau 2 năm du học tại Manchester. Thầy Yamato kể, trong khoảng 10-15 năm trở lại đây, người Nhật đã bắt đầu chơi bóng đá nhiều hơn hẳn, vì lượng người xem môn thể thao này cũng tăng rất nhanh.
Trẻ em Nhật chơi bóng dưới cái lạnh âm độ tại Hokkaido |
Theo thống kê của JSL, vào đầu những năm 1980, trung bình mỗi trận bóng đá ở Nhật chỉ có 1.773 CĐV dự khán. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất được công bố cuối năm 2017 cho thấy, số lượng khán giả tới theo dõi các trận đấu tại J.League (giải VĐQG Nhật) đã tăng lên 33.000 người/trận. Trong 5 năm qua, lượng khán giả tới sân tăng đều 4,7% mỗi năm và còn tiếp tục tăng nhờ sự có mặt của những ngôi sao lớn như Andres Iniesta hay Fernando Torres.
Tất nhiên, sự tăng trưởng này tuyệt đối không phải điều ngẫu nhiên. Chính phủ Nhật Bản trong rất nhiều năm qua đã bắt tay vào phát triển bóng đá một cách bài bản, chuyên nghiệp và có tính kế thừa cao.
Năm 2011, Nhật Bản thành lập giải U18 Premier League – sân chơi để những cầu thủ trẻ phát huy tài năng của mình. Tuy ra đời khá muộn, nhưng sự phát triển của giải trẻ Nhật nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào. Đến lúc này, giải U18 Premier League Nhật đã có tới 20 đội tham dự chia thành 2 miền Đông-Nam, thi đấu theo thể thức vòng tròn, có nhà vô địch, có đội xuống hạng.
Sở dĩ nói giải trẻ Nhật Bản phát triển đáng nể hơn so với các quốc gia châu Á khác là bởi: các đội bóng tham dự không đơn thuần chỉ là lực lượng trẻ của các CLB chuyên nghiệp, mà có sự góp mặt của rất nhiều đội bóng các trường trung học. Năm 2016, trường trung học Aomori-Yamada bất ngờ trở thành nhà vô địch giải miền Đông, dù giải đấu này quy tụ những “ông kẹ” như Kashima Antlers, Kashiwa Reysol và FC Tokyo.
Trường trung học Aomori-Yamada đăng quang tại cúp mang tên Hoàng tử Takamado. |
Đến năm ngoái, bóng đá cấp độ trường trung học Nhật Bản phát triển tới cực thịnh khi trong các đại diện lọt vào vòng 2 cúp quốc gia Nhật có tới… 7 đội bóng đến từ các trường trung học.
Sự ra đời của giải U18 Premier League Nhật cũng nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công. Trong vài năm qua, có khá nhiều cầu thủ trẻ trưởng thành từ các phong trào bóng đá học đường hoặc được đào tạo bởi các học viện bóng đá trải khắp nước Nhật, đã bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp.
Takefusa Kubo là một trong số đó. Cầu thủ mới 16 tuổi này đã được FC Tokyo chiêu mộ, đồng thời góp mặt trong đội hình U17 Nhật Bản tham dự World Cup U17, sau đó tiếp tục được gọi lên U20 Nhật dự World Cup trẻ. Yuma Suzuki cách đây vài năm cũng chỉ là một cậu học sinh trung học, giờ đây đã đầu quân Kashima Antlers. Suzuki được triệu tập tham dự FIFA Club World Cup và có tên trong danh sách những cầu thủ ghi bàn ở trận đấu với nhà vô địch Nam Mỹ Atletico Nacional.
Nhưng vinh quang nhất phải kể tới trường hợp của tiền đạo Takumi Minamino. Từ những dấu ấn đầu tiên tại giải U18 Nhật, Minamino lọt vào mắt xanh của Red Bull Salzburg và đang chơi bóng cho CLB này. Minamino cũng đồng thời góp mặt ở U17, 20, 23 và đang là thành viên của đội tuyển quốc gia Nhật Bản.
"Nghĩ cho cầu thủ trước, cầu thủ là quan trọng nhất"
Những thành công gặt hái được từ các đội bóng U18 hoàn toàn không phải vì Nhật Bản giống với Nam Mỹ - cứ nhặt bừa một đứa trẻ đá bóng ngoài đường là có thể đào tạo ra một thiên tài.
Những đứa trẻ lớp 4, lớp 5, đá bóng ở sân trường Uchihama chính là nền móng cho sự phát triển. Nếu như ở Việt Nam, chỉ cần HAGL hợp tác với Arsenal là chúng ta đã sớm có được một thế hệ cầu thủ tài năng, đủ khả năng chinh phục đỉnh cao Đông Nam Á thì ở Nhật, những cái bắt tay như thế nhiều vô số.
Hình ảnh một buổi đào tạo của học viện do Inter Milan thành lập tại Nhật Bản. |
Trong hơn một thập kỷ qua, Nhật Bản đã hợp tác với nhiều CLB lớn trên thế giới như Dortmund, Inter, Juventus mở ra các “trại hè bóng đá”. Sinh hoạt trong các trại hè bóng đá là những đứa trẻ ở độ tuổi từ 8-14. Chúng thậm chí phải xa gia đình tới 3-4 tháng để sinh hoạt, tập luyện toàn thời gian trong các khu trại hè này.
Và để chuyên nghiệp hóa hoạt động đào tạo bóng đá từ lứa tuổi còn rất nhỏ, Nhật Bản đồng thời hợp tác với một chương trình đào tạo bóng đá của Anh, phân chia rất chi tiết những đứa trẻ theo từng trình độ khác nhau. Về cơ bản, hoạt động đào tạo bóng đá cho lứa tuổi từ 8-14 ở Nhật chia thành 5 cấp độ: thấp nhất là cấp độ… chó con (puppy), kế đó lần lượt là bulldogs, sư tử, học viện và cao nhất là “siêu sao học viện”. Những đứa trẻ đạt cấp độ siêu sao học viện đa phần là các tài năng bóng đá có thể được đào tạo chuyên nghiệp.
Với khẩu hiệu: “Nghĩ cho cầu thủ trước, cầu thủ là quan trọng nhất”, Nhật Bản không bao giờ cố gắng ép chín bất kỳ đứa trẻ nào. Nhờ một quá trình sàng lọc chi tiết, khoa học từ cấp độ thấp nhất của quá trình đào tạo mà người Nhật tin rằng, những cầu thủ một khi đã bước vào hành trình tiến lên chuyên nghiệp hầu hết đều là những tinh hoa bóng đá.
Nếu được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam sẽ có thêm nhiều Quang Hải trong tương lai không xa |
Cách người Nhật dạy trẻ con bóng đá cũng không đơn thuần là biến chúng thành những cỗ máy đá bóng. Cầu thủ từ khi còn nhỏ đã được phát triển toàn diện 5 kỹ năng: tự tin, trung thành, kiểm soát, tập trung và giao tiếp. Người Nhật tin rằng cầu thủ nếu được phát triển dựa trên một nền tảng văn hóa cơ bản sẽ có cơ hội tiếp cận và ở lại đỉnh cao lâu hơn.
Nhật Bản mang tố chất đặc thù của người châu Á, nhưng World Cup 2018 vừa qua đã chứng minh họ có thể tiếp cận đẳng cấp của bóng đá châu Âu. Cách người Nhật làm bóng đá, đào tạo, phát triển cầu thủ hoàn toàn thích hợp và xứng đáng để bóng đá Việt Nam tham khảo.