Một toa trong Thư viện xe lửa Kumegawa tại Tokyo, Nhật Bản dành cho trẻ em địa phương. Ảnh: VCG. |
Là một quốc gia có sự phát triển công nghệ di động nhanh và mạnh mẽ, tuy vậy văn hóa đọc sách của người dân Nhật Bản vẫn không mất đi. Mà ngược lại, trong thời Minh Trị Duy Tân, phong trào khuyến học lại chính là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự phát triển đột phá và lâu dài cho nước Nhật.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, tác giả và dịch giả của nhiều cuốn sách về giáo dục lấy kinh nghiệm từ Nhật Bản như Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, 3.000 ngày trên đất Nhật… có rất nhiều yếu tố tạo ra sự phát triển của văn hóa đọc Nhật Bản mà Việt Nam có thể học hỏi.
Khuyến học để hướng tới văn minh
- Theo anh, điều gì đã làm nên sự phát triển trong văn hóa đọc của Nhật Bản?
- Có rất nhiều yếu tố tạo ra sự phát triển của văn hóa đọc Nhật Bản: truyền thống, nhận thức và tầm nhìn của tầng lớp trí thức ở những thời điểm quan trọng của lịch sử, hệ thống chính sách, luật pháp (đặc biệt là các bộ luật khuyến đọc, luật thư viện), hệ thống thư viện mạnh, giáo dục hiện đại sớm và có nền tảng vững…
Xin lấy vài ví dụ về khía cạnh truyền thống. Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng từ Nho giáo nhưng ở Nhật hoàn toàn không có khoa cử. Người Nhật không học để đi thi rồi làm quan. Vì vậy chuyện đọc nhiều, đọc rộng, đọc sâu, suy nghĩ đa chiều, tranh luận học thuật xuất hiện sớm, có đất để nảy nở, phát triển.
Nhà nghiên cứu, tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương. Ảnh: NVCC. |
Kinh tế công thương cùng sự phát triển của các đô thị cũng làm cho Nhật Bản sớm có lực lượng đọc sách đông đảo là thương nhân, võ sĩ, bình dân thành thị… Ngay từ thế kỉ 17-18, sách vở đã trở thành vật phẩm quan trọng trong đời sống võ sĩ, thị dân. Các chí sĩ cuối thời Mạc Mạt - Minh Trị Duy tân đều là những người có học thức rất cao, đọc sách rất nhiều, thông hiểu thời thế…Và số lượng của họ không chỉ là vài người.
Chẳng hạn, Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là một trí thức, nhà tư tưởng, nhà giáo dục xuất sắc cuối thời Mạc phủ Tokugawa đầu thời Minh Trị. Các hoạt động trước tác, giáo dục, diễn thuyết của ông đã có ảnh hưởng lớn tới chính sách của chính quyền và lòng dân đương thời.
Một ví dụ nữa là về luật. Ở Việt Nam tận năm 2019 chúng ta mới có Luật thư viện trong khi ở Nhật có Luật thư viện từ những năm 1950, ngoài ra còn có Luật thư viện trường học, Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (2001), Luật chấn hưng văn hóa đọc (2005)… Cơ chế tốt, luật pháp tốt đã tạo điều kiện để nhà nước và người dân Nhật xây dựng được một mạng lưới thư viện công và tư khổng lồ, hoạt động hiệu quả trên toàn Nhật Bản.
- Những nhà tư tưởng như Fukuzawa Yukichi đã có tác động đến tâm lý và suy nghĩ của người Nhật ra sao? Vì sao một số cá nhân lại có thể có ảnh hưởng trên toàn nước Nhật như vậy?
- Sách của ông đương thời bán được đến cả triệu bản là một chỉ dấu cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của ông. Mối bận tâm lớn nhất của ông có thể thấy được trong tác phẩm Khuyến học là làm thế nào để quốc gia - dân tộc Nhật Bản trở nên văn minh, có vị thế ngang bằng, cạnh tranh được, tồn tại bình đẳng được với các quốc gia phương Tây.
Câu trả lời mà ông đưa ra nếu nhìn bằng nhãn quan của người hiểu biết ở thời đại ngày nay thật đơn giản: Phải học! Ông đã mổ xẻ từng vấn đề cụ thể có liên quan rất sâu sắc, từ đó lý giải sự cần thiết phải “khuyến học” để hướng tới văn minh.
Tác phẩm Khuyến học của Fukuzawa Yukichi vừa được xuất bản. Ảnh: O.P. |
Những luận điểm của Fukuzawa Yukichi trình bày trong Khuyến học có lẽ không có gì là mới mẻ đối với trí thức phương Tây đương thời, nhưng đối với toàn thể người Nhật khi đó chúng là “sấm nổ giữa trời quang”.
Chính quyền Minh Trị tuy đã hình thành, công cuộc Duy tân cải cách đã bắt đầu ở quy mô quốc gia, nhưng tư tưởng, tinh thần của quốc dân Nhật Bản lúc bấy giờ vẫn ở trạng thái hỗn mang, những tư tưởng bảo thủ và lưỡng lự vẫn còn rất mạnh. Ngay cả một số các trí thức có tên tuổi ở Nhật Bản khi đó cũng chỉ trích Fukuzawa kịch liệt khi ông công bố Khuyến học.
Ngoài vốn học vấn, ông còn có tư duy rất nhạy bén và quyết đoán. Ngay khi biết tiếng Hà Lan không đắc dụng, ông đã chuyển sang tự học tiếng Anh và đặc biệt quan tâm tới các nước sử dụng Anh ngữ.
Nhờ học vấn và tư duy này ông sớm nhận ra văn minh hóa theo mô hình phương Tây là cách khả dĩ nhất để người Nhật tự cường, bảo vệ độc lập và trở nên giàu mạnh. Tư tưởng và hành động của ông xoay quanh trục tư duy đó hấp dẫn người Nhật đương thời khi nước Nhật đang đứng trước thử thách lớn do các liệt cường phương Tây mang tới.
- Hiện nay, ở Nhật Bản có những chương trình hoặc phương pháp sáng tạo nào để khuyến khích đọc sách không?
- Nhật Bản đã có thời kỳ hoàng kim về văn hóa đọc trong những năm 70-80 của thế kỉ trước. Tuy nhiên, sau đó khi dân số già và Internet trở nên phổ cập văn hóa đọc có dấu hiệu sa sút.
Ở Nhật cứ khoảng vài năm (thường là 5 năm) họ lại tiến hành điều tra trên quy mô toàn quốc về đời sống, sinh hoạt của quốc dân. Từ đó họ biết được tình hình người dân đọc gì, đọc như thế nào. Có rất nhiều cuộc điều tra độc lập khác về văn hóa đọc.
Từ kết quả thu được, Nhật Bản nhận ra văn hóa đọc có xu hướng sa sút. Họ gọi đây là hiện tượng “Xa rời văn hóa đọc” (Katsujibanare). Chính vì vậy mà họ đã ban hành “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” (2001), “Luật chấn hưng văn hóa đọc” (2005), Chiến lược quốc gia về văn hóa đọc…
Họ cũng có tuần lễ trẻ em đọc sách, tháng đọc sách… Trên cả nước có hàng chục tổ chức, hội đoàn có pháp nhân lo việc khuyến đọc. Phong trào “book start” tặng sách cho trẻ em ra đời ở Nhật Bản cũng hoạt động gần 20 năm nay có tác động rất lớn đến văn hóa đọc.
Ở trường học thì có phong trào “10 phút đọc sách buổi sáng” thực hiện ở trên 90% ở các trường tiểu học, trên 70% các trường THCS… Họ cũng có cuộc thi hùng biện về sách, viết cảm nhận về sách ở quy mô quốc gia với giải thưởng của Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục… rất danh giá.
Phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam
- Theo anh, Việt Nam có thể học hỏi được những kinh nghiệm gì từ Nhật Bản để cải thiện thói quen đọc và học?
- Về vĩ mô Việt Nam nên coi phát triển văn hóa đọc là chính sách chiến lược có tác dụng toàn diện đến sự phát triển của quốc gia, chẳng hạn đề ra Luật khuyến đọc, các chiến lược, kế hoạch quốc gia tập trung vào phát triển văn hóa đọc.
Việc học cũng cần gắn liền và dựa trên văn hóa đọc, ví dụ, qua việc xây dựng hệ thống thư viện công rộng rãi, hoạt động hiệu quả, biến chuyện đi thư viện đọc và mượn sách thành sinh hoạt quen thuộc của người dân.
Về mặt vi mô, tôi cho rằng cần thúc đẩy văn hóa đọc trong gia đình, công sở, trường học bằng việc xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách lớp học, thư viện trường học. Trên cơ sở đó tiến hành các hoạt động như đọc sách, bình sách, giới thiệu sách, giao lưu với tác giả, dịch giả… Điều quan trọng là phải tiến hành liên tục, bền bỉ để đọc sách trở thành một sinh hoạt thường ngày trong mỗi gia đình Việt Nam.
- Sau một thời gian làm về phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam, anh có thể chia sẻ một vài nhận xét hoặc khuyến nghị không?
- Theo tôi, trước hết cần phải thay đổi sâu sắc nhận thức về văn hóa đọc. Đọc không phải chỉ là việc dành cho người còn đang đi học. Nó dành cho tất cả người dân và đem lại lợi ích cho tất cả. Những người đứng đầu các cơ quan, ban ngành, các hiệu trưởng, giáo viên nên là người tiên phong trong việc đọc và học, thư viện phải trở thành “trái tim của trường học”.
Hơn nữa, tôi mong rằng chúng ta sẽ có nhiều quỹ khuyến đọc hơn, các giải thưởng khuyến đọc để tạo ra hiệu ứng lớn trong cộng đồng. Hoặc ở các khu phố, thôn làng, có thể khuyến khích các cán bộ hưu trí, cựu giáo chức tham vào các hoạt động khuyến đọc như mở, điều hành, quản lý thư viện, đọc sách cho trẻ em nghe...
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.