Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Văn hóa đọc trong lịch sử, truyền thống dân tộc

Không chỉ quan tâm đến lĩnh vực xuất bản, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là hoạt động toàn diện hướng tới xuất bản, xây dựng, lan tỏa văn hóa đọc sâu rộng.

sach va van hoa doc anh 1

Trong sự phát triển theo lẽ tự nhiên của dòng chảy thời đại, những phát minh khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ có thể thay đổi nhanh, mạnh và sâu rộng xã hội loài người, nhưng vẫn còn đó, những sự vật hiện hữu, trường tồn với thời gian. Nói có ngoa không, khi sách là một trong số đó.

Sách có ích cho thần trí con người

Với công năng bất biến của mình, sách là một trong những công cụ lưu giữ, truyền bá tri thức hữu hiệu. Với riêng nước Việt, quốc gia có nền văn hiến hàng mấy nghìn năm chứa đựng biết bao truyền thống tốt đẹp. Đức hiếu học được gieo từ xưa và vẫn duy trì lâu bền cho đến nay; sự học, sự đọc cũng vì thế song hành và tồn tại, phát triển qua thời gian.

Điểm qua và chắc chắn còn thiếu rất nhiều, tiền nhân chúng ta từ lâu đã coi trọng sách và luôn có tinh thần xây dựng, phát triển sự chăm học, chăm đọc của quảng đại quần chúng, mà nói gọn theo ngôn ngữ hiện nay, là văn hóa đọc vậy.

Thế nên, sử sách vẫn còn lưu lại đó những danh ngôn của người xưa như Lê Thánh Tông có dặn bề tôi “cố gắng dùi mài đọc sách để hiểu rõ được đạo lý sáng khôn giữ mình”; hay vua Minh Mạng chiêm nghiệm rằng “xem sách rất có ích cho thần trí con người”. Đó là những lời dạy đã xa chúng ta hàng bao thế kỷ, tìm về gần hơn, nhiều văn thi sĩ tiền chiến cũng coi trọng sách vở cùng sự đọc.

Bởi vậy, nhà văn Thạch Lam mới nhận định một cách chắc chắn: “Sách là một khí cụ tốt nhất để gây nên một việc thay đổi trong xã hội”; hoặc nhà văn Thiếu Sơn, dài dòng hơn một chút, có ghi: “Người biết đọc sách, đọc thì hiểu, hiểu rồi nghĩ, đem cái tinh thần mình mà nhận lấy cái tinh thần sách, đem cái tư tưởng mình mà xét lấy cái tư tưởng sách, rồi đối chiếu, rồi phê bình, rồi chọn lọc, rồi tiêu hóa, thì dầu là trăm cuốn, nghìn cuốn mình đọc đấy, mà nào có cuốn nào còn giữ được nguyên hình ở trong ký ức để chi phối mình đâu? Nó đã biến ra máu để nuôi cho tinh thần rồi vậy”.

Sách, công cụ nuôi dưỡng tinh thần kỳ diệu ấy, cũng cần lắm đến được với trí não chúng ta thông qua sự đọc, biết lựa chọn, có phương pháp hữu hiệu, để trở thành liều thuốc bổ tinh thần. Vì vậy, muốn đọc sách cho hữu dụng thì “đọc sách phải biết chọn sách tốt”; “phải đọc thế nào để sách chả dậy cho chúng ta biết cách suy nghĩ và nhận xét cuộc đời”, lời tuyên bố về phương pháp đọc sách của Thạch Lam chắc nịch khác hẳn giọng văn nhẹ nhàng, mơn man và bình dị của ông.

sach va van hoa doc anh 2

Khoản thứ 4 Điều lệ Hội truyền bá quốc ngữ in năm 1938. Ảnh: Đình Ba chụp lại từ file Điều lệ.

Chúng tôi, những kẻ hậu sinh, chưa có dịp điểm qua một cách căn cơ “vó câu” của thời gian đã có những tổ chức, những hội đoàn nào liên quan chặt chẽ tới sách hay văn hóa đọc hay chưa. Nhưng nếu có kể, hẳn chúng ta cũng điểm được dăm ba. Nào Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông là hội văn thơ, bình thơ và có sáng tác ra những tập thơ của thành viên; nào Chiêu Anh Các nơi đất Hà Tiên của dòng họ Mạc. Lại trong thế kỷ XX, Hội Truyền bá quốc ngữ có những sinh hoạt văn hóa liên quan đến diễn thuyết văn hóa, sách vở…

Ở đây dừng lại để đơn cử về Hội truyền bá Quốc ngữ. Điều lệ của hội năm 1938, ở Khoản thứ 4 đã nói rõ phương pháp hành động của hội, cụ thể: “Phần chính là mở các cuộc diễn thuyết, các lớp giạy [dạy] học, các thư viện. Hội lại có thể xuất bản các sách học, cùng các học báo. Việc xuất bản các sách và báo ấy sẽ theo đúng luật báo chí thi hành ở Đông Pháp”.

Kể ra còn đầy những thiếu sót như vậy, nhưng rõ là, yêu sách và chăm lo cho sự đọc sách đã là lề lối, thói tục có từ xưa rồi. Trong những ngắt quãng của các biến động chính trị, của chiến tranh loạn lạc, những nét đẹp liên quan đến sách, đến văn hóa đọc, dù có thăng trầm như thế nào, vẫn không bị bào mòn, mất đi, mà qua thời gian, luôn được bồi bổ, vun đắp.

Yêu sách và tôn vinh văn hóa đọc

Tiếp nối truyền thống tôn trọng sách và yêu chuộng sự đọc của tiền nhân, giữa lúc biết bao nhiêu những ngày lễ, kỷ niệm được hình thành, được công nhận để tôn vinh nghề nghiệp, ngành nghề hay các tổ chức, cá nhân nhiều lĩnh vực, thì sách với vị trí và lịch sử lâu đời của nó, cũng đã có vị trí quan trọng để được tôn vinh.

Dù ra đời cách nay chưa lâu theo Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Ngày sách Việt Nam 21/4 hàng năm đã trở thành một ngày lễ quan trọng. Theo quyết định trên, việc tổ chức Ngày sách Việt Nam 21/4 được thực hiện nhằm những mục đích cơ bản:

“1. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. 2. Tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. 3. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam”.

Được ấn định tổ chức vào ngày 21/4, Ngày sách Việt Nam không chỉ tôn vinh giá trị của sách cùng người đọc, người xuất bản và khuyến khích văn hóa đọc, mà liền kề đó, ngày 23/4 là Ngày Sách và Bản quyền thế giới để tôn vinh sách và những người làm ra sách. Năm 2004, Việt Nam trở thành thành viên của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Bởi vậy, Ngày Sách Việt Nam càng trở nên ý nghĩa, thiết thực và gắn với sách hơn bao giờ hết.

Từ đó đến năm 2021, Ngày sách Việt Nam được định kỳ tổ chức rộng rãi ở các tỉnh, thành góp phần lan tỏa ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với người dân. Hoạt động này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của khoa học công nghệ giúp cho con người có được sự tiếp cận đa dạng các tiện ích, dịch vụ nghe, nhìn.

Đó là lợi thế, cũng là thách thức cho sự tồn tại của sách và văn hóa đọc hiện nay. Cùng việc tôn vinh sách, vào tháng 5 hàng năm, các cơ quan, ban ngành tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến sách để khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

sach va van hoa doc anh 3

Quyết định số 1862/QĐ-TTg, ngày 4/11/2021 về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Xác định rõ tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc luôn song hành, có mối tương quan mật thiết với nhau, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay cho tên gọi Ngày sách Việt Nam trước đây. Quyết định này nêu rõ:

“Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21 tháng 4 hàng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm:

1. Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

2. Tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

3. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam”.

Với quyết định này, không chỉ chú trọng vào việc phát triển hoạt động in ấn, xuất bản và phát hành sách, tôn vinh sách cùng những người làm sách, mà Nhà nước còn chú trọng tới đối tượng tiếp cận sách thông qua tôn vinh văn hóa đọc. Đó là quyết định kịp thời, cần thiết và mang tính toàn diện để Ngày Sách và Văn hóa đọc thực sự trở thành ngày hội của toàn dân mang ý nghĩa thực tiễn và có sức lan tỏa sâu rộng.

TP.HCM chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc với gần 100 hoạt động

Tại TP.HCM, Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai - năm 2023 được tổ chức trên khắp các quận, huyện nhằm tôn vinh những người làm sách và nâng cao văn hóa đọc.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai tại Thư viện Quân đội

Sáng 12/4, tại Hà Nội, Thư viện Quân đội tổ chức Lễ khai mạc các hoạt động chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai năm 2023 trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm