Robot trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: VNS. |
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Đào Trung Thành - chuyên gia tư vấn chiến lược công nghệ thông tin (CNTT) - nhận định: "Để ứng phó với các thách thức này, Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, hoàn thiện khung pháp lý và đạo đức, đồng thời chuẩn bị tốt hơn cho sự thay đổi của lực lượng lao động".
Nhận diện khó khăn và giải pháp trong thời đại AI
Có thể nhận thấy rằng AI đang thay đổi sâu sắc cách thức con người sống và làm việc, từ giao tiếp, tương tác xã hội đến sản xuất. Những công cụ AI như dịch thuật và cá nhân hóa trải nghiệm có thể cải thiện giao tiếp giữa con người, nhưng đồng thời cũng gây ra những tác động không mong muốn đối với các mối quan hệ xã hội truyền thống.
“Việc AI xử lý lượng lớn thông tin cá nhân đã dấy lên lo ngại về quyền riêng tư và an ninh. Các quốc gia có thể lạm dụng AI để kiểm soát công dân. Điển hình là việc giám sát lực lượng lao động di cư thông qua các hệ thống AI”, Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế Ngô Di Lân chia sẻ tại sự kiện Trò chuyện về Nexus hồi trung tuần tháng 10.
Từ góc độ công nghệ, ông Đào Trung Thành - chuyên gia tư vấn chiến lược CNTT cũng cho rằng Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề về an ninh mạng khi AI ngày càng phát triển.
Ông Đào Trung Thành - chuyên gia tư vấn chiến lược CNTT. Ảnh: CafeF. |
"Những rủi ro về an ninh đòi hỏi Việt Nam phải phát triển các hệ thống bảo mật mạnh mẽ hơn và tự chủ hơn về công nghệ. Đồng thời, việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các vấn đề liên quan đến AI, như giám sát, nhận dạng khuôn mặt và quyền riêng tư, cũng trở nên cấp thiết. Đây là những vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần ưu tiên giải quyết trong thời gian tới”, ông Đào Trung Thành nói.
Một thách thức khác mà Việt Nam cần phải đối mặt là việc định nghĩa lại các khái niệm về sáng tạo và tư duy số. AI đang dần tham gia vào các lĩnh vực như nghệ thuật, văn hóa và giải trí, từ việc sáng tạo âm nhạc đến tạo ra các tác phẩm nghệ thuật số.
Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu những sản phẩm do AI tạo ra có được coi là sáng tạo thực thụ hay không? Đây là một vấn đề cần có sự nghiên cứu sâu hơn, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn về mặt đạo đức và văn hóa.
Không chỉ các yếu tố công nghệ và pháp lý, AI còn đặt ra thách thức lớn về lực lượng lao động. Sự tự động hóa và ứng dụng công nghệ sẽ dẫn đến việc thay thế nhiều vị trí lao động truyền thống.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam phải có chiến lược tái đào tạo lao động để họ có thể thích nghi với những thay đổi của thị trường. Sự chuẩn bị không chỉ dừng lại ở việc nâng cao kỹ năng công nghệ, mà còn là sự thay đổi tư duy của người lao động, khi họ cần hiểu rằng AI không phải là đối thủ, mà là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong công việc hàng ngày.
Dự báo về sự phát triển của AI
Theo ông Đào Trung Thành, trong cuốn sách Nexus, nhà khoa học Yuval Noah Harari đã đưa ra hai kịch bản về tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI), một tích cực và một tiêu cực, dựa trên cách con người kiểm soát và sử dụng công nghệ này. Trong kịch bản tích cực, ông Harari cho rằng AI có thể mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại nếu được điều chỉnh và kiểm soát hiệu quả. Theo đó, AI sẽ giúp giải quyết các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, và môi trường.
“Harari tin rằng con người sẽ thiết lập các cơ chế kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo AI phục vụ các mục tiêu của xã hội, hòa bình và phát triển bền vững”, ông Đào Trung Thành nhấn mạnh.
Cuốn sách Nexus. Ảnh: Amazon. |
Tuy nhiên, tác giả Yuval Noah Harari cũng cảnh báo về một kịch bản tiêu cực, trong đó AI trở thành công cụ của các tập đoàn công nghệ để kiểm soát dữ liệu và biến một số quốc gia thành "thuộc địa dữ liệu".
Nhà sử học Harari mô tả viễn cảnh các quốc gia bị chia rẽ thành hai khối công nghệ đối lập, với hệ thống giá trị và quy tắc chính trị khác nhau, điều này có thể dẫn đến xung đột và chiến tranh. Ông cũng đề cập đến sự nguy hiểm của việc AI phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát, một mối lo ngại được nhiều chuyên gia đồng tình.
Mustafa Suleyman - người đồng sáng lập công ty AI DeepMind - cảnh báo rằng AI có thể tiến hóa và dẫn đến những hậu quả khôn lường. Geoffrey Hinton - nhà khoa học từng đoạt giải Nobel Vật lý - cũng bày tỏ quan ngại tương tự về khả năng AI vượt ngoài tầm kiểm soát của con người.
Thậm chí AI có thể làm thay đổi hoàn toàn lịch sử nhân loại, khi con người trở thành loài phụ thuộc sống dưới sự kiểm soát của AI. Ông cảnh báo về tương lai "hậu con người" nơi lịch sử sẽ được viết bởi AI chứ không phải con người.
Dù vậy, tác giả Nexus khẳng định tương lai này không phải là định mệnh tất yếu.
"Tương lai của AI và mạng lưới vô cơ không phải là một định mệnh được an bài bởi công nghệ không mang tính quyết định mà phụ thuộc vào cách con người lựa chọn và hành động trong hiện tại. AI có thể được sử dụng cho cả mục đích tốt và xấu, và việc phát triển nó như thế nào sẽ quyết định tác động cuối cùng đối với nhân loại”, ông Đào Trung Thành chia sẻ về những điều tác giả Harari dự báo trong cuốn sách Nexus.
Hai kịch bản mà Harari vạch ra cho thấy AI có tiềm năng to lớn nhưng cũng đi kèm với những rủi ro đáng kể. Tương lai của AI nằm trong tay con người, và những quyết định chúng ta đưa ra hôm nay sẽ định hình cách thức AI ảnh hưởng đến xã hội trong tương lai.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.