Theo cách tiếp cận kinh tế học, việc xác định quy mô của nhóm trung lưu thường dựa trên thu nhập hoặc chi tiêu bình quân ngày/người. Tuy nhiên, một số học giả lại xét về cả học vấn, trình độ, nghề nghiệp... Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nhóm trung lưu ở Việt Nam phát triển một cách khá đa dạng, vai trò ngày càng quan trọng, thể hiện rõ nét trên tất cả các mặt, kinh tế, xã hội, khoa học... |
WB đánh giá sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là thành quả của quá trình phát triển kinh tế. Hàng triệu người ở Việt Nam thoát nghèo và dịch chuyển lên một "nấc thang kinh tế" cao hơn, đó là tầng lớp trung lưu. WB ước tính Việt Nam đang có khoảng 15 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Tổ chức phi chính phủ World Data Lab xác định Việt Nam đã có tới 32 triệu người thuộc nhóm trung lưu. |
Theo Tổng cục Thống kê, nhóm trung lưu ở Việt Nam đã gia tăng liên tục. Nếu như năm 2011, khoảng 7,8% dân số (khoảng 7 triệu người) thuộc nhóm này. Đến năm 2019, tầng lớp trung lưu chiếm 20,2% (khoảng 20 triệu người). Đây được đánh giá là mức tăng rất nhanh, cho thấy kinh tế Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ. |
Hầu hết tổ chức quốc tế đều dự báo nhóm trung lưu ở Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 10-20 năm tới. World Data Lab dự báo sẽ có thêm khoảng 23,2 triệu người gia nhập nhóm trung lưu trong 10 năm tới. Còn WB dự báo một nửa dân số của Việt Nam, tức khoảng 52 triệu người sẽ thuộc nhóm trung lưu vào năm 2045. Con số này tương đương dân số Hàn Quốc hiện tại. |
Các chuyên gia kinh tế đánh giá tầng lớp trung lưu là "xương sống" của xã hội, là nhân tố một mặt thúc đẩy kinh tế phát triển, mặt khác đảm bảo ổn định xã hội, gia tăng mối liên kết giữa các nhóm xã hội khác nhau. Việc nhóm trung lưu ngày càng gia tăng cũng là điều kiện để kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh mẽ, vươn lên trở thành một nước phát triển vào năm 2045 như định hướng mà Đại hội Đảng XIII đã xác định. |
Sau nhiều năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc về kinh tế - xã hội, với hàng chục triệu người đã tiến lên một “nấc thang kinh tế mới” - đó là nhóm trung lưu, khá giả. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang thuộc hàng nhanh nhất thế giới.
Với sự thay đổi như vậy, phát triển Đảng trong nhóm cư dân khá giả, trung lưu là vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Zing thực hiện loạt bài về sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam và câu chuyện phát triển Đảng trong nhóm dân cư đặc biệt này.