PGS. TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) đã xuất bản báo cáo nghiên cứu khoa học về tác động của hệ thống thu phí không dừng (ETC) tại Việt Nam.
Báo cáo cho biết suốt 3 thập kỷ qua, các hệ thống ETC đã thu hút sự quan tâm và trở thành thành phần cơ sở hạ tầng quan trọng ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Thực tế, thị trường ETC toàn cầu có quy mô 9,2 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm (CAGR) là 8,1% và đạt 14,7 tỷ USD vào năm 2029, chủ yếu nhờ xu hướng áp dụng ETC tại các tuyến cao tốc (chiếm khoảng 90% thị trường).
Hai công nghệ ETC phổ biến là RFID và DSRC đang được triển khai song song dựa trên nhu cầu và khả năng cơ sở hạ tầng của từng thị trường. Trong đó, RFID (công nghệ đang áp dụng tại Việt Nam) vượt trội hơn DSRC cả về thị phần lẫn tốc độ tăng trưởng.
Có thể tiết kiệm nửa tỷ USD/năm
Tai Việt Nam, quá trình chuyển đổi khởi động vào năm 2014 sau khi Bộ Giao thông Vận tải thành lập đơn vị nghiên cứu triển khai ETC. Đến tháng 8/2022, Việt Nam chính thức áp dụng ETC trên toàn bộ mạng lưới cao tốc.
Chỉ riêng năm 2023, công nghệ mới đã ghi nhận 414 triệu lượt giao dịch, giúp tiết kiệm 60.816 tấn nhiên liệu (xăng và dầu diesel), 192 tấn khí thải CO2, 93 triệu giờ nhân lực và 37 triệu giờ tuổi thọ phương tiện. Tổng giá trị quy đổi tương đương tiền khoảng 443 triệu USD.
Ước tính trong giai đoạn 2019-2030, Việt Nam có thể giảm 2,3 triệu tấn khí thải CO2, tiết kiệm 727.000 tấn nhiên liệu (xăng và dầu diesel), hơn 1 tỷ giờ nhân lực, 445 triệu giờ tuổi thọ phương tiện và 465 triệu USD chi phí vận hành cho việc thu phí nhờ ETC. Tính theo giá trị tương đương tiền, tổng lợi ích kinh tế mang lại cho xã hội trong giai đoạn nêu trên ước đạt 5,3 tỷ USD, tức gần nửa tỷ USD/năm.
TỔNG LỢI ÍCH KINH TẾ MÀ ETC MANG LẠI CHO VIỆT NAM | |||||||
Nguồn: Báo cáo của PGS. TS Vũ Minh Khương. | |||||||
Nhãn | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | Ước tính 2023 (kịch bản tối ưu) | |
Giá trị tiết kiệm | triệu USD | 31 | 46 | 119 | 299 | 442 | 978 |
Theo PGS. TS Vũ Minh Khương và đồng sự, việc triển khai hệ thống ETC mang lại nhiều lợi ích đa diện.
Trước hết, đó là hiệu quả và lợi ích về môi trường. ETC làm giảm đáng kể thời gian chờ của xe tại các trạm thu phí, giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải. Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi sang ETC đã giúp giảm 33,3 giây thời gian giao dịch và cải thiện đáng kể hiệu quả sử dụng nhiên liệu.
Về khía cạnh kinh tế, ETC nâng cao hiệu quả thu phí, giảm chi phí vận hành và nhu cầu phát triển các trạm thu phí, làn đường. Đối với các đơn vị thu phí, công nghệ này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí cơ sở hạ tầng và nhân công.
Các dữ liệu do hệ thống ETC đem lại cũng có thể cung cấp thông tin chi tiết có giá trị cho công tác quản lý giao thông và phân tích kinh tế, cho phép quy hoạch đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng tốt hơn.
Dự báo cho giai đoạn 2024-2030, khối lượng giao dịch ETC tại Việt Nam có thể tăng trưởng với CAGR từ 6% (tối thiểu) đến 11% (tối ưu), mức trung bình là 8,5%. Tăng trưởng này được thúc đẩy bởi quá trình mở rộng mạng lưới đường cao tốc thu phí, sự gia tăng số lượng phương tiện và tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Việt Nam là hình mẫu cho các quốc gia khác
Để tối đa hóa lợi ích của ETC, vị chuyên gia khuyến nghị các quốc gia đang phát triển áp dụng ETC toàn dân. Trong đó, vai trò của chính phủ là cần thiết để đảm bảo tính tuân thủ và thống nhất những xung đột từ các đơn vị thu phí hiện có.
Bên cạnh đó, chính phủ cần thúc đẩy quan hệ đối tác công tư. Việc hợp tác với các bên tham gia trong khu vực tư nhân có thể mang lại thêm chuyên môn và vốn, đẩy nhanh quá trình triển khai.
Nguồn dữ liệu phong phú do hệ thống ETC tạo ra nên được tận dụng để tăng cường nỗ lực quản lý giao thông và quy hoạch đô thị.
Ngoài ra, PGS.TS Vũ Minh Khương tin rằng ETC nên là một phần của chiến lược số rộng hơn bao gồm thanh toán cho bãi đỗ xe, nhiên liệu và các dịch vụ khác để tạo ra trải nghiệm di chuyển đô thị liền mạch.
Việc chuyển đổi sang hệ thống ETC đánh dấu bước tiến đáng kể trong quản lý đường cao tốc, mang lại những lợi ích cả về môi trường và kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách phải thúc đẩy môi trường pháp lý hỗ trợ, thu hút các bên liên quan và tận dụng công nghệ kỹ thuật số để hiện thực hóa tiềm năng của hệ thống ETC.
“Những bài học kinh nghiệm từ Việt Nam có thể hướng dẫn các nước đang phát triển khác trong quá trình chuyển đổi sang ETC, thúc đẩy phong trào hướng tới các hệ thống giao thông thông minh hơn, xanh hơn”, vị chuyên gia đánh giá.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Cho phép nâng cấp tài khoản giao thông ETC thành ví điện tử
Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã có hướng dẫn các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (ETC) nâng cấp tài khoản giao thông thành ví điện tử.
Hai doanh nghiệp triển khai ETC cố thoát lỗ
Dù ghi nhận kết quả tích cực về số lượng người sử dụng, 2 doanh nghiệp triển khai ETC tại Việt Nam đang phải vật lộn với bài toán tài chính sau nhiều năm thua lỗ.
Mất hàng trăm nghìn tiền phí nếu muốn nạp tiền vào thẻ ETC
Nhiều tài xế cho rằng việc đơn vị cung cấp dịch vụ ETC trừ phí nạp tiền vào tài khoản ETC là vô lý. Tài xế có thể phải trả hàng trăm nghìn tiền phí khi nạp tiền vào tài khoản.