Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết, mở ra thêm cho doanh nghiệp và người dân những cơ hội và cả thách thức mới. Đồng thời cũng đánh dấu một bước tiến mới của nền kinh tế chúng ta hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới.
RCEP đánh dấu bước tiến hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới
Ngày 22/12, tại Hà Nội, nhằm giúp doanh nghiệp và người dân hiểu rõ về những cơ hội và thách thức, từ đó nắm bắt và tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, Báo Nhân Dân đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “RCEP - Nhận diện cơ hội và thách thức”. Xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản hưởng lợi lớn từ RCEP
Phát biểu tại buổi Toạ đàm, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh Hiệp định RCEP khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới với GDP 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
"RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia", ông chia sẻ.
Hơn nữa, Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu của ASEAN ổn định lâu dài. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của ta.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại lễ ký RCEP ngày 15/11. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thứ ba, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp... góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), việc Việt Nam chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế còn cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước.
Đồng thời, làm cho Việt Nam có cơ hội trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế về lâu dài. "RCEP một lần nữa khẳng định được vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng điều kiện về thương mại đối với các đối tác của khối", ông Thái nhấn mạnh.
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng ban Nhân Dân điện tử, Hiệp định này được ký kết sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của nước ta do quy trình xuất, nhập khẩu được đơn giản hóa giúp giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, đồng thời tăng tỷ suất lợi nhuận và sức cạnh tranh tại thị trường RCEP.
Với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.
Hàng hoá chịu sức ép cạnh tranh lớn
RCEP cũng đặt ra những thách thức cho ngành nông nghiệp nếu muốn tận dụng hiệu quả lợi thế từ hiệp định. Ðó là việc các mặt hàng tương đồng sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn giữa các quốc gia tham gia RCEP, trong đó một số quốc gia có cùng chủng loại hàng nông sản với nước ta.
Việt Nam cũng trở thành thị trường nhập khẩu nông sản lớn từ các nước trong RCEP. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Mặt khác, khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cũng trở thành thị trường nhập khẩu nông sản lớn từ các nước trong RCEP, nên các doanh nghiệp chắc chắn sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay chính trên "sân nhà" trong cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường trong nước.
“Để tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại (FTA), ngoài điều kiện cần là các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương, sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp mới là điều kiện đủ để hiện thực hóa các lợi ích và cơ hội mà các FTA mang lại”, ông Thanh chia sẻ.
Do đó, theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, doanh nghiệp phải có hai chiến lược. Về ngắn hạn, các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho mình chiến lược phòng thủ, tức là củng cố thị trường trong nước, nâng cao chất lượng mặt hàng, nhận diện thương hiệu của mình chuẩn xác. Với chiến lược tấn công, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch mở cửa thị trường, thậm chí thị trường quen với mặt hàng có lợi thế.
Ngoài các lợi ích, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.
Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt Hiệp định. Với các nước còn lại, Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày hoàn tất các thủ tục trong nước.
Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình. Đối với các cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6-89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 90,7-92% số dòng thuế.