Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam

Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh; cải thiện hạ tầng điện, nước; hưởng ưu đãi thuế...

Chiều 21/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Xây dựng "một Chính phủ phi giấy tờ"

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng cho biết đây là hội nghị lần thứ năm trong năm 2020 của Hội đồng với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đây cũng là hội nghị đối thoại lần đầu tiên với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Ông cho biết hiện chưa có con số chính thức song qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 ước đạt 2,6-3%. Qua đó, Việt Nam là nước duy nhất tăng trưởng dương trong khu vực Đông Nam Á năm 2020.

Đồng thời, Việt Nam là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh, được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế trong thời gian tới…

Doanh nghiep Nhat Ban gap kho khi dau tu o Viet Nam anh 1

Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Ảnh: TYTVN.

“Những thành công trên không thể không kể đến sự hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ông thông tin, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh tế không tiếp xúc. Chính phủ đang hướng đến "một Chính phủ phi giấy tờ", giảm thiểu các thủ tục, điều kiện kinh doanh, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Như vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam".

Tính đến nay, đã có 3.893/6.191 thủ tục, điều kiện kinh doanh được cắt giảm; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Các thủ tục, điều kiện kinh doanh được cho là rườm rà, gây cản trở cho các doanh nghiệp đều được các bộ, ngành rà soát, cắt giảm triệt để. Bộ trưởng khẳng định, giai đoạn 2020 - 2025 sẽ phấn đầu cắt giảm ít nhất 20% quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết các nhà đầu tư trong đó có Nhật Bản đang quan tâm đến Việt Nam như là điểm đến đầu tư sau Covid-19. Theo Đại sứ Nhật Bản, Việt Nam hiện đứng đầu trong thu hút doanh nghiệp nước này khi có 37 doanh nghiệp đầu tư, đứng thứ hai là Thái Lan với 19 doanh nghiệp.

Gặp khó trong các thủ tục, hưởng ưu đãi thuế

Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến của 16 doanh nghiệp đại diện cho hàng nghìn doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.

Gặp khó khăn trong vấn đề cấp giấy phép, đại diện công ty TNHH Nipro Việt Nam cho biết phía công ty mất rất nhiều thời gian cần thiết cho việc xin giấy phép cần thiết khi triển khai hoạt động kinh doanh mới.

Theo ông, các dự án cấp 1 cần phải có báo cáo lắp đặt thiết bị, kiểm tra thiết bị sản xuất và báo cáo đánh giá tác động đến môi trường. Tuy nhiên, những dự án từ cấp 2 trở đi thì không cần các báo cáo này. "Vì vậy, chúng tôi mong các dự án này sẽ được áp dụng như nhau", đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Doanh nghiep Nhat Ban gap kho khi dau tu o Viet Nam anh 2

Doanh nghiệp Nhật Bản nêu những thắc mắc, kiến nghị trong vấn đề cấp giấy phép. Ảnh: Thảo Cao.

Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam, ông Nakagawa Tetsuyuki, hiện doanh nghiệp gặp một số vấn đề bất cập trong thủ tục hành chính. "Những dự án phát triển của Aeon Mall tại Việt Nam thường mất nhiều thời gian từ khi làm thủ tục đến lúc nhận các chứng nhận, chẳng hạn như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất", ông chia sẻ.

Không chỉ vậy, đại diện phía Công ty Aeon Mall Việt Nam cho biết họ cũng đang gặp vấn đề về thủ tục đầu tư. "Có dự án mà thời gian từ khi làm thủ tục tới khi nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kéo dài hơn 1 năm", ông nói.

Đại diện doanh nghiệp này đề nghị, các cơ quan ban ngành nên rút nhanh thời gian giữa những khâu như giấy phép đầu tư, xây dựng, quyền sử dụng đất…

"Chẳng hạn, các thủ tục cấp giấy phép đầu tư và giấy phép quyền sử dụng đất cần được xử lý một cách song song, qua đó rút ngắn thời gian cấp phép. Việc này có thể thúc đẩy doanh nghiệp, gia tăng lợi nhuận và góp phần thúc đẩy nền kinh tế", ông nêu rõ.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chia sẻ với các kiến nghị liên quan đến đầu tư về quy trình thủ tục cần nhanh và khẩn trương hơn, cơ quan rút ngắn thời hạn cho phép rút ngắn. T

hực tế từ năm 2016, Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thông qua môi trường Chính phủ điện tử, yêu cầu các bộ ngành đưa quy trình thủ tục hành chính kinh doanh của người dân lên mạng, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, trong Hội nghị, một số doanh nghiệp cũng cho biết họ đang gặp một số vấn đề liên quan đến thuế, mong muốn được rút ngắn thủ tục, thời gian hoàn thuế VAT; cải thiện hạ tầng điện lực, nước; rút ngắn thời gian xin nhập cảnh vào Việt Nam cũng như thời gian cách ly, mở rộng đối tượng người Nhật Bản được xét nghiệm Covid-19…

Thanh Thương - Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm