Sáng 22/12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 (VBF) khai mạc tại Hà Nội. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng diễn đàn là cơ hội để trao đổi, chia sẻ, đề xuất những sáng kiến và giải pháp mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong trạng thái "bình thường mới".
Năm 2020 được xem là năm của những khó khăn và thách thức mà tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải đối mặt. Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP, dự kiến năm 2020 đạt 2,5-3%.
Bước sang năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang hướng đến tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Toàn cảnh Diễn đàn VBF 2020. Ảnh: Báo Đầu tư. |
Bên cạnh đó, đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đưa ra một số đề xuất, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các FTA nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi từ Covid-19 và tiếp tục phát triển, bao gồm nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng.
Về nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm tăng cường năng lực và chất lượng xúc tiến đầu tư thương mại, hỗ trợ thiết lập các trung tâm kỹ thuật đối với các nhóm nông sản mà các nước đối tác nhập khẩu có yêu cầu đặc thù về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm phải chiếu xạ, phải kiểm tra trước khi bốc hàng…
Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng việc các bộ ngành và chính quyền các địa phương thực thi đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành tháng 5 mà trọng tâm cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”, ông Lộc nói.
Cùng với đó, ông Lộc kiến nghị xây dựng và triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Đánh giá tổng quan về những diễn biến thời gian qua, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định trạng thái "bình thường mới" sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải có những cách tiếp cận mới, những cách thức và biện pháp mới trong chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách, cũng như trong xây dựng và tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội, về đầu tư, kinh doanh.
Điều đó càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam chuẩn bị bước vào thời kỳ chiến lược mới (2021-2030) với việc triển khai các Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới, hướng tới sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Phó thủ tướng nhìn nhận cộng đồng doanh nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt để góp phần thực hiện thành công các chiến lược và kế hoạch trên.
Vì thế, ông đề nghị Diễn đàn sẽ phát huy mạnh mẽ vai trò là kênh đối thoại chính sách quan trọng giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ; phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, đột phá để thẳng thắn trao đổi, phân tích kỹ những cơ hội và thách thức đặt ra trong trạng thái "bình thường mới", từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách thiết thực và khả thi, nhằm giúp cho Chính phủ có những quyết sách để tạo môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần cầu thị và xây dựng; tích cực trao đổi, giải đáp các ý kiến, thắc mắc, trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần "cùng thắng", vì mục tiêu phát triển chung của đất nước