Ngày 21/12, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với các hiệp hội, hội, ngành gỗ tổ chức hội thảo “Tăng cường kiểm soát rủi ro trong các hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ”.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết tính đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 11 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019. Theo đà hiện nay, chắc chắn giá trị xuất khẩu của cả năm 2020 sẽ cán mốc gần 12,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, rủi ro của ngành gỗ có thể đến từ các quốc gia thực hiện điều tra các thị trường xuất khẩu nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, ngành liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Mỹ và Hàn Quốc. Cụ thể đối với mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. Ảnh: L.A. |
Ông Phùng Gia Đức, Phó trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ Thương mại), cho biết đến nay, Việt Nam đã bị điều tra tổng cộng 199 vụ việc, trong 5 năm gần đây nhất có tới 97 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Các thị trường điều tra nhiều nhất là Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Canada, EU, Philippines.
Riêng trong năm 2020, Việt Nam đang bị điều tra 37 vụ việc. Các vụ việc liên quan tới sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán, Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với gỗ ván MDF.
Để tránh các vụ việc bị điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, ông Đức cho hay các doanh nghiệp cần có kiến thức về phòng vệ thương mại, phải hiểu đúng bản chất của công cụ này để có ứng phó phù hợp; khi xuất khẩu sang thị trường nào đó, phải có nguồn thông tin từ các đối tác nhập khẩu từ chính thị trường đó.
Ngay khi có thông tin về điều tra chống bán phá giá, các doanh nghiệp phải có những hành động ứng phó và Bộ Công Thương sẽ đưa ra những thông tin cảnh báo để hỗ trợ doanh nghiệp. Hơn nữa, cần có bộ kiểm soát về giá trị, lượng xuất khẩu sang thị trường đó, sử dụng thông tin để hưởng mức thuế thấp nhất.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Mai Quỳnh, Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ (Cục Phòng vệ thương mại), lưu ý trước khi có vụ việc xảy ra, các nhà xuất khẩu cần cập nhật danh mục cảnh báo sớm của Cục Phòng vệ thương mại; xây dựng đội ngũ về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong nội bộ; tìm hiểu quy định phòng vệ thương mại của nước điều tra; đa dạng hóa sản phẩm; tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao; đa dạng hóa thị trường.
Đối với nhà sản xuất trong nước, cần theo dõi tình hình hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ vượt qua được các hàng rào điều tra chống bán phá giá từ các nước.