Chia sẻ tại họp báo giữa kỳ của Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, ông Tetsuo cho hay là người từng làm việc tại Trung Quốc trong giai đoạn quốc gia này ô nhiễm nghiêm trọng về không khí và giờ là Việt Nam nên rất quan tâm về vấn đề này.
Vị này cũng nhận định ô nhiễm không khí và nguồn nước là hệ quả khó tránh khỏi từ quá trình phát triển kinh tế. Nhật Bản cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự Việt Nam hay cụ thể là Hà Nội thời điểm hiện tại.
Theo Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, ông Kenoka Tetsuo, bản thân ông cũng rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm tại Hà Nội và chia sẻ Nhật Bản từng gặp tình trạng tương tự. |
"Không khí tại Nhật Bản giờ rất trong lành nhưng cách đây vài chục năm chúng tôi cũng rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề. Có những khi bầu trời tối đen, trẻ con không thể ra ngoài vui chơi vì khói bụi", ông Tetsuo chia sẻ.
Khi được hỏi về những giải pháp mà JICA có thể hỗ trợ các thành phố lớn của Việt Nam trong vấn đề ô nhiễm không khí, trưởng văn phòng JICA Việt Nam cho hay về cụ thể ô nhiễm không khí hiện phía Nhật Bản chưa có dự án nào liên quan.
"Để giải quyết ô nhiễm không khí, cần xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm là gì. Các dự án của JICA tập trung riêng cho ô nhiễm không khí thì chưa có, tuy nhiên, chúng tôi có các dự án giúp giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị, từ đó giảm lượng phát thải từ phương tiện giao thông", ông Tetsuo chia sẻ.
"Hai dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM mà JICA đang xúc tiến triển khai sẽ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông của hai thành phố, giúp giảm lượng phương tiện cá nhân giúp cải thiện tình trạng môi trường", vị này nói thêm. "Đường sắt đô thị không chỉ đóng góp phát triển kinh tế mà còn giúp giảm tải áp lực giao thông, giảm tắc đường và cải thiện chất lượng không khí".
Ngoài hai dự án trên, theo JICA trong 6 tháng vừa qua, đã có 28 dự án hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đang triển khai. Tuy nhiên, hai bên không ký kết Hiệp định vay vốn ODA mới nào. Tổng giá trị ODA đã giải ngân giữa hai bên là 8,798 tỷ yen.
Một số dự án đáng chú ý sử dụng vốn ODA tiếp tục được triển khai trong 6 tháng vừa qua có thể kể đến việc dự án Nút giao Tân Vũ nối Cao tốc Hà Nội -Hải Phòng với đường Tân Vũ - Lạch Huyện được xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA đã hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 7.
Trong tháng 7/2019, trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật, JICA cũng đã hỗ trợ thành lập Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Đô thị TP.HCM (HURC1) nhằm triển khai vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị tại thành phố này.
Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đang ảnh hưởng tới các dự án, không chỉ các dự án ODA mà còn các dự án khác của Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản.
"Việc chậm giải ngân sẽ dẫn đến chậm chi trả cho các dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng, dẫn tới việc tiến độ của các dự án sẽ bị ảnh hưởng cũng như các doanh nghiệp tư nhân sẽ dè dặt hơn trong ý định triển khai các dự án mới", ông Tetsuo nhận định.
Tại sự kiện, đại diện JICA cũng chia sẻ nhà thầu, công ty tư vấn và chính quyền TP.HCM đang làm việc chặt chẽ để đưa ra giải pháp tốt nhất cho tuyến metro số 1.
"Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của TP.HCM và hiểu thành phố đang chờ chỉ đạo của các cấp cao hơn về những thủ tục liên quan. Chúng tôi hy vọng tới tháng 11, mọi chuyện sẽ được sắp xếp ổn thỏa. Nếu mục tiêu tháng 11 không đạt được thì nhà thầu sẽ có sự thất vọng rất lớn".
Tuyến metro số 1 TP.HCM, dự án sử dụng vốn ODA, hiện đã đạt 67% khối lượng, thành phố đang tập trung mọi nguồn lực nhằm đảm bảo tiến độ, đưa dự án vào khai thác trong quý IV/2021.
Do đó, nếu không phê duyệt điều chỉnh kịp trong tháng 11 sẽ khiến việc thanh toán cho các nhà thầu bị chậm trễ. Điều này dẫn đến nguy cơ ngừng, giãn tiến độ thi công, thậm chí có thể dẫn đến tranh chấp, kiện tụng của các nhà thầu nước ngoài.