Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nợ công 3,2 triệu tỷ, dự án ODA đi gọi vốn đã có vấn đề

Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng vẫn tồn tại những dự án sử dụng vốn vay ODA chưa hiệu quả từ khâu huy động, dẫn đến thực hiện, sử dụng vốn kém hiệu quả, tạo ra nhiều hệ lụy.

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội vừa có báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn (về lĩnh vực tài chính - ngân sách), trong đó tập trung vào việc quản lý vốn vay nước ngoài.

Báo cáo của Ủy ban đánh giá công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đã đạt kết quả nhất định.

Đó là mức dư nợ công thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Quy mô danh mục nợ chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát tốt ở mức 50% GDP (so với mức 52,7% vào năm 2016; 51,7% vào năm 2017), trong đó nợ nước ngoài chiếm 38,6%, nợ trong nước chiếm 61,4%.

No cong 3, 2 trieu ty anh 1
Dự án Cát Linh - Hà Đông vay Trung Quốc lâm cảnh đội vốn, chậm tiến độ. Ảnh: Lương Bằng.

Tuy vậy, Ủy ban cho rằng vẫn còn tồn tại những dự án sử dụng vốn vay ODA chưa hiệu quả từ khâu huy động (đàm phán hiệp định, điều kiện vay) dẫn đến việc thực hiện, sử dụng vốn kém hiệu quả, tạo ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế. Đó là dự án đường sắt Hà Nội - Hà Đông, việc đội vốn của các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tồn tại của một số dự án liên quan đến một số tuyền đường cao tốc).

Do vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị cần có phương án xử lý để giải quyết đối với những dự án cụ thể này nói riêng và rút kinh nghiệm chung về việc xây dựng tiêu chí, điều kiện vay thật sự hiệu quả, tránh việc lệ thuộc vào nhà tài trợ.

Ủy ban cũng đánh giá công tác phân bổ, giao kế hoạch cho từng dự án cụ thể chưa được thực hiện kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân.

Cụ thể, năm 2018, mức giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi cấp phát từ ngân sách trung ương chỉ đạt 53,65 kế hoạch Quốc hội giao, trong 5 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn này mới giải ngân được gần 2.000 tỷ đồng, đạt khoảng 7% (trên tổng số hơn 28.000 tỷ đồng kế hoạch được giao).

“Đây là số liệu giải ngân rất thấp, cần sớm có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc”, Ủy ban nêu rõ.

Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ chú trọng cần tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn đến giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chậm, sớm đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.

“Tiếp tục rà soát, loại bỏ các dự án không thực sự cấp bách, không phù hợp với điều kiện, tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng trả nợ; nhất là các dự án có những điều kiện gây bất lợi cho Việt Nam hoặc hiệu quả kém so với vay trong nước; kiên quyết không vay cho chi thường xuyên”, Ủy ban kiến nghị.

Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh các sai phạm và khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm làm thất thoát, sử dụng kém hiệm quả nguồn vốn vay nước ngoài.

Trong khi đó, tại báo cáo về quản lý sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, Chính phủ cũng đã chỉ ra nhiều mặt còn tồn tại của công tác này, đặc biệt tỷ lệ giải ngân còn thấp so với kế hoạch giao.

Theo báo cáo của Chính phủ, một số dự án đã ký kết song nhưng chưa được các Bộ, ngành tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân cam kết với nhà tài trợ.

Theo đánh giá của Chính phủ, chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, quá trình thực hiện dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư và chi phí, công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng không đầy đủ và kịp thời. Một số dự án vay về cho vay lại có khó khăn trong việc trả nợ.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy: Trong năm 2018, tổng số hiệp định vay đã ký kết là 18 hiệp định vay với tổng trị giá 1,5 tỷ USD.

Trong quá trình trao đổi với nhà tài trợ và tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã kiến nghị rà soát cắt giảm một số dự án chưa phù hợp, đề nghị nhà tài trợ chuyển sang hình thức tự vay tự trả đối với các doanh nghiệp có khả năng vay vốn độc lập và không cần dựa vào Chính phủ vay.

Tổng số tiền chuyển sang hình thức tự vay tự trả lên tới gần 1 tỷ USD. Cụ thể, dự án điện mặt trời Phước Thái (145 triệu euro), khoản vay phát triển ngành điện (600 triệu USD), điện mặt trời ở miền Trung (50 triệu USD)... Lý do đây là các dự án có khả năng hoàn vốn nên phải “tự vay tự trả”.

Báo cáo của Chính phủ về nợ công cho thấy nợ công Việt Nam ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ đồng. Trung bình mỗi người dân gánh 32 triệu đồng nợ công.

Về mặt số liệu, thì nợ công so với GDP đã giảm. Báo cáo cho thấy: Các chỉ tiêu nợ đến ngày 31/12/2018 đều đạt và thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu nợ công đã được Quốc hội cho phép. Cụ thể, nợ công chỉ còn 58,4% GDP (mức trần Quốc hội cho phép là 65% GDP).

Toàn cảnh tuyến metro đầu tiên ở Sài Gòn sau 6 năm xây dựng Sau 6 năm thi công, tuyến metro đầu tiên của TP.HCM Bến Thành - Suối Tiên mới hoàn thành 56% khối lượng.

Toàn cảnh tuyến metro thiếu nợ hơn 100 triệu USD ở TP.HCM

Metro Bến Thành - Suối Tiên dự kiến hoàn thành năm 2019 thế nhưng mới chỉ hoàn thành 56% khối lượng thi công, có nguy cơ bị tạm dừng vì thiếu nợ. Nhiều dự án khác cũng bị đội vốn.


https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/no-cong-3-2-trieu-ty-co-du-an-oda-chua-hieu-qua-tu-khau-huy-dong-560080.html

Lương Bằng/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm