Vietjet Air và Bamboo Airways cùng nhiều cơ quan quản lý Nhà nước đã tham dự tọa đàm "Hàng không: Cơ hội, cạnh tranh cùng phát triển” do báo Giao Thông tổ chức chiều 11/4.
Dư địa thị trường còn nhiều
Ông Phạm Nguyễn Tùng, Giám đốc dự án của Vietjet Air, cho rằng cạnh tranh trong ngành hàng không không phải là xấu. Tuy nhiên, các hãng hàng không Việt Nam đang quan tâm nhiều tới chuyện cạnh tranh với nước ngoài hơn là cạnh tranh lẫn nhau.
“Việt Nam hiện chỉ có 1,8-1,9 máy bay trên một triệu dân, đây là tỷ lệ rất thấp so với thế giới và cho thấy dư địa của thị trường còn rất nhiều. Số lượng các hãng hàng không cũng chưa nhiều nên việc cạnh tranh giữa các hãng không quan trọng bằng việc ngành hàng không Việt Nam cạnh tranh với hàng không quốc tế”, ông Tùng nói.
Vị này cũng khẳng định Vietjet Air và Bamboo Airways đều nhận định cạnh tranh là điều tốt cho thị trường, cho hành khách và cả 2 hãng đều chưa từng tính tới các chiến lược đối đầu trực tiếp mà thay vào đó là tập trung làm tốt các sản phẩm, dịch vụ mà mình đưa ra.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định điểm hay nhất của ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua chính là việc “luôn có hãng vào và hãng ra”.
Các hãng hàng không của Việt Nam nhận định cạnh tranh là điều rất tốt cho thị trường. Ảnh minh họa. |
Vị này cho rằng không cần nhiều quá nhưng luôn phải có áp lực cạnh tranh. Cơ quan quản lý phải luôn duy trì được áp lực này. Áp lực cạnh tranh quan trọng hơn là bảo vệ người chơi trong thị trường. Tuy nhiên, việc cạnh tranh còn đi kèm nhiều vấn đề về quản lý nhà nước khi mở cửa bầu trời.
"Đây không còn là cạnh tranh đơn thuần nữa mà còn cần sự phối hợp giữa các bên để chọn được phương án mở cửa bầu trời hợp lý nhất”, ông Thành nhận định.
Cũng chung nhận định về cơ hội cho các hãng hàng không, Cục phó Cục Hàng không Phạm Văn Hảo cho biết tại nhiều quốc gia có hàng không phát triển, lượt vận chuyển hàng không thường gấp rưỡi dân số. Trong khi Việt Nam có dân số trên 90 triệu người thì lượt vận chuyển hàng không mới chỉ ở mức 50 triệu lượt, dư địa còn rất nhiều.
Hạ tầng hàng không Việt có quá tải hay không?
Tại tọa đàm, nội dung hàng không Việt Nam tăng trưởng nóng và đang xuất hiện nhiều dấu hiệu quá tải về hạ tầng được đưa ra bàn luận sôi nổi.
Theo đó, ông Đỗ Đức Tú, đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định tăng trưởng nóng của ngành hàng không đang mang về những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực.
“Sân bay Tân Sơn Nhất chính là biểu hiện rõ ràng nhất của phát triển nóng ngành hàng không. Nó thể hiện không chỉ quá tải về nhà ga, sân đỗ mà còn ở đường cất hạ cánh”, ông Tú nhận định.
Cục phó Hàng không Phạm Văn Hảo khẳng định hàng không Việt Nam phát triển nhanh nhưng chưa tới mức quá tải. Ảnh: Ngọc Tân. |
“Sự phát triển nóng cũng có những mặt tích cực mà cũng có hệ lụy nhất định. Mặt tích cực là cơ hội phát triển của cả ngành hàng không, của các doanh nghiệp và hạ tầng hàng không. Tuy nhiên cũng có những hệ lụy như hạ tầng đang không theo kịp tốc độ phát triển của ngành”, vị này cho hay.
Tuy nhiên, Cục phó Cục Hàng không Phạm Văn Hảo cho rằng dù có hiện tượng “nghẽn” vào giờ cao điểm nhưng trên toàn mạng bay thì ông cho rằng “chưa phải là nghẽn”.
“Hàng không luôn có những giờ cao điểm và luôn có sự nghẽn tại những điểm nhất định. Với hàng không Việt Nam trên toàn mạng, chúng tôi cho rằng đây chưa phải là nghẽn”, đại diện cơ quan quản lý hàng không khẳng định.
Ông Lại Xuân Thanh đánh giá cao nỗ lực của các hãng hàng không cũng như các doanh nghiệp tư nhân trong việc giảm tải cho hạ tầng hàng không Việt Nam. Ảnh: Ngọc Tân. |
Đại diện Cục Hàng không cũng đã nêu những dẫn chứng về sức tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không Việt Nam trong 10 năm vừa qua. Ông Hảo chia sẻ số lượng máy bay của các hãng bay Việt đã tăng hơn gấp 3 lần từ 60 chiếc năm 2008 lên 192 chiếc vào năm 2018. Tuổi trung bình của máy bay sau 10 năm thậm chí không tăng mà giảm từ 8,8 năm tuổi xuống 5,5 năm tuổi.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, khẳng định ngành hàng không Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nhanh hàng đầu thế giới, nhưng không vượt ra ngoài quy hoạch của cơ quan quản lý nhà nước, do đó không thể khẳng định hàng không Việt Nam đang phát triển “nóng”.
Chung nhận định, ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch thường trực của Bamboo Airways, cho rằng thị trường không phải đang tăng trưởng nóng. Ông Thắng cho rằng dư địa thị trường còn rất nhiều nếu so với hàng không của các nước láng giềng.