Trở về TP.HCM sau chuyến du lịch Singapore, chị L. Thu (quận 2, TP.HCM) cảm nhận rõ sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ của sân bay Changi và sân bay Tân Sơn Nhất.
“Cầu dẫn khách từ máy bay vào nhà ga không mở điều hoà, hơi nóng ập vào khách ngay khi vừa xuống khỏi máy bay. Thang cuốn sân bay cũng không hoạt động khiến khách phải xách hành lý leo bộ. Những bất tiện trên cho tôi biết rõ mình đã về tới TP.HCM thân yêu”, chị Thu chua chát.
'Nhóm sân bay không khuyến khích sử dụng'
Phép so sánh sân bay tốt nhất thế giới trong 7 năm liên tiếp với sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải được cho là rất vênh. Khoảng cách địa lý giữa Changi và Tân Sơn Nhất chỉ là 1 giờ bay, nhưng khoảng cách về chất lượng dịch vụ thì đang rất xa. Tân Sơn Nhất tiếp tục không có tên trong bảng xếp hạng 100 sân bay tốt nhất thế giới vừa được công bố hôm qua, ngày 28/3.
Hàng chờ làm thủ tục kiểm tra an ninh của Tân Sơn Nhất là “nỗi kinh hoàng” của nhiều hành khách. Ảnh: Lê Quân. |
Nếu từng vào xem mục nhận xét về sân bay Tân Sơn Nhất trên trang mạng xã hội của cảng hàng không này, nhiều người dùng sẽ bắt gặp hàng loạt những lời phàn nàn từ hành khách từng sử dụng dịch vụ của sân bay.
Có nhiều hành khách phàn nàn về chuyện bị vỡ hay bẻ khoá hành lí, về nhân viên sân bay có thái độ thiếu thiện cảm, thậm chí là hung hăng. Nhiều hành khách khác than chuyện chậm chuyến hay cảnh ròng rã xếp hàng để kiểm tra an ninh. Điểm chung của họ là đều liệt sân bay Tân Sơn Nhất vào nhóm “không khuyến khích sử dụng”.
Chị Thu nằm trong nhóm khách hàng đã quen với chất lượng dịch vụ của sân bay Tân Sơn Nhất. Với nhiều hành khách khác, trải nghiệm tại sân bay duy nhất của TP.HCM không thuyết phục.
Không quá ngạc nhiên khi sân bay này chỉ đạt 3,5/5 sao đánh giá từ người dùng trên mạng xã hội. Trước đó, theo kết quả khảo sát chất lượng dịch vụ tại 6 sân bay trong nước công bố ngày 11/3, sân bay Tân Sơn Nhất xếp cuối về điểm trung bình chất lượng.
So với năm 2017, các tiêu chí đều tăng điểm đối với các cảng hàng không, trừ Tân Sơn Nhất. Tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất, có tới 4 tiêu chí giảm điểm là nhà ga đến, nhà ga đi, phương tiện giao thông công cộng và khu vực phòng chờ ra tàu bay.
Theo Cục Hàng không, lý do giảm điểm của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là lượng khách tăng cao, đạt trên 38 triệu khách, trong khi công suất thiết kế chỉ 25 triệu.
Về tổng thể, điểm trung bình các tiêu chí tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất không đổi so với năm 2017.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) thì nói với Zing.vn, Tân Sơn Nhất "bét bảng trong 6 cảng hàng không tốt nhất chứ không phải đứng bét bảng các cảng hàng không Việt Nam. Sân bay quá tải, chúng ta khai thác phải ưu tiên một cách tuyệt đối cho hệ thống làm thủ tục hàng không và dây chuyền hàng không, không thể chăm lo được các tiện ích khác đối với Tân Sơn Nhất".
Quá tải ở những đâu?
“Tôi thấy Tân Sơn Nhất tắc từ ngoài vào trong, từ khi tôi đi taxi tới sân bay đã tắc đường. Tiếp theo là hàng dài xếp hàng làm thủ tục, rồi tới rừng người xếp hàng kiểm tra an ninh”, anh Q. Tâm (quận 1, TP.HCM) chia sẻ.
Nhiều hành khách cho rằng Tân Sơn Nhất đang “tắc từ ngoài vào trong” và thâm chí tắc từ mặt đất lên trời. Ảnh: Lê Quân. |
“Mất 1-2 tiếng qua được hai ‘ải’ trên thì vào tới khu chờ bay đôi khi cũng chẳng còn ghế để ngồi khi lượng hành khách quá đông. Quá tải dưới đất rồi đến quá tải trên trời khi nhiều lần tôi thấy máy bay phải bay vòng để chờ tới lượt hạ cánh”, nam hành khách nói thêm.
Đó là những chia sẻ về nhà ga nội địa của sân bay Tân Sơn Nhất từ một hành khách di chuyển thường xuyên. Với nhà ga quốc tế, khách nước ngoài chấm sân bay Tân Sơn Nhất 5/10 điểm trên diễn đàn Airlines Quality.
Ba tiêu chí mà hành khách không đánh giá cao ở sân bay duy nhất của thành phố lớn nhất Việt Nam là thời gian xếp hàng, hệ thống biển chỉ dẫn và lượng ghế ngồi ở sân bay.
Đánh giá Tân Sơn Nhất 7/10 điểm, anh L. Porter (Canada) cho hay điểm anh không hài lòng ở sân bay này là điều hoà đang quá tải so với lượng hành khách.
“Dù là nhà ga mới nhưng cửa ra vẫn là một mớ hỗn độn, trong khi điều hoà không thể đủ cho lượng người qua đông”, hành khách này viết.
Còn hành khách M. James (Hong Kong) thì cho rằng Tân Sơn Nhất là “biểu tượng của sự kém cỏi tột cùng”. “Hệ thống chỉ dẫn cực kỳ nghèo nàn, phòng chờ đáng thất vọng, quá ít cửa ra máy bay dẫn đến việc phải di chuyển bằng xe bus, xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh cũng rất lâu”, du khách Hong Kong này đánh giá.
James không quên chấm Tân Sơn Nhất điểm 1/10 và không khuyến khích các hành khách khác sử dụng sân bay này. “Đây không phải là dạng sân bay mà bạn có thể lên máy bay gấp vì tất cả các bước đều rất chậm”, James viết.
Tình hình quá tải trên trời của Tân Sơn Nhất cũng từng rất tồi tệ, tuy nhiên đang có sự cải thiện. Theo số liệu từ Flightradar24, tỷ lệ chậm chuyến trung bình ngày của sân bay này hiện ở mức 25%, đồng nghĩa cứ 4 chuyến bay thì có 1 chuyến chậm. Thời gian chậm chuyến trung bình của Tân Sơn Nhất được đơn vị này thống kê là 6 phút.
Flightradar24 đánh giá mức độ chậm chuyến của Tân Sơn Nhất là 0,5/5, mức được trang này xếp vào nhóm tốt.
Tuy nhiên rõ ràng dưới mặt đất, Tân Sơn Nhất đang còn nhiều việc cần làm để thoát khỏi tình trạng quá tải dẫn tới chất lượng dịch vụ không được đánh giá cao.