Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc từ lâu

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, Việt Nam đang cân nhắc thời điểm hoặc giải pháp cần thiết, nhưng nếu Trung Quốc chịu ngồi đàm phán và chân thành thì tình huống có thể khác.

Chiều 29/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay: "Chúng ta có những ngày sục sôi tháng 5. Thủ tướng biểu dương, hoan nghênh lực lương báo chí. Từ khi tình hình biến động do Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa Việt Nam, hoạt động báo chí rất hiệu quả. Người dân đã bày tỏ lòng yêu nước của mình trên mọi lĩnh vực". 

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã nhắc lại quan điểm của Đảng, Nhà nước qua phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng. Còn tại phiên họp Chính phủ hôm nay (29/5), Chính phủ thống nhất, một mặt kiên quyết giữ chủ quyền, một mặt giữ môi trường hòa bình để phát triển. Về sự kiện Hải Dương 981, Việt Nam nói không chỉ cho người dân nghe mà còn nói cho nhân dân Trung Quốc và thế giới hiểu.

Trả lời câu hỏi "Trong hai chuyến làm việc ở Myanmar và Philippines, Thủ tướng đều nhắc đến khả năng dùng biện pháp pháp lý. Cho đến nay chúng ta đã tiến hành đến đâu?", ông Nên cho hay, hồ sơ pháp lý đã được chuẩn bị từ lâu. Nhưng để thực hiện như thế nào và lúc nào thì phải cân nhắc hết sức kỹ càng. 

"Khi khởi kiện ra tòa Công lý hay Trọng tài quốc tế thì hồ sơ chứng lý là một yêu cầu cần thiết nhưng còn những yếu tố khác. Lúc này, lãnh đạo đang cân nhắc chọn thời điểm hoặc một giải pháp cần thiết khác. Nếu Trung Quốc chịu ngồi đàm phán và chân thành với chúng ta thì tình huống có thể khác", ông Nên chia sẻ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Về nội hàm phát biểu của Thủ tướng: "Không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lãnh thổ lấy thứ hoàn bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó", ông Nên chia sẻ, khi đất nước cần thì người Việt Nam đều thể hiện lòng yêu nước của mình chứ không chỉ lãnh đạo. 

"Thủ tướng có nói với chúng tôi, Bác Hồ dạy 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến'. Bất biến là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; là những cái thiêng liêng, không bao giờ được đánh đổi. Chúng ta nói rõ với không chỉ Trung Quốc mà cả thế giới. Hôm nay họp, Thủ tướng nói điều này không có gì mới mà chỉ thể hiện tư tưởng xuyên suốt của Đảng, làm thế nào góp tiếng nói của mình để thể hiện với thế giới quan điểm, lập trường trước sau như một", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn lời Thủ tướng.

Đề cập tới việc người dân bày tỏ thái độ và bị kẻ xấu kích động, lợi dụng đốt phá, cướp bóc, ông Nên cho rằng, lòng yêu nước là chính đáng, trân trọng nhưng vượt quá giới hạn, dẫn tới manh động là không thể cấp nhận. Trong tình huống khẩn cấp đó, Bộ Công an đã cùng các địa phương ngăn chặn, bắt giữ, quản thúc nhiều người. 

"Để ngăn chặn, con số bắt giữ lên đến hàng nghìn người. Nhưng ngay sau đó, Thủ tướng và Bộ Công an đã chỉ đạo phải thanh lọc ngay. Phân loại những người không có dụng ý xấu thì xử lý hành chính, cảnh cáo, răn đe. Còn những kẻ 'bất hảo', đối tượng hình sự và có hành vi cướp bóc rõ ràng thì phải xử nghiêm theo pháp luật. Hiện, con số đã nhỏ lại rất nhiều", Bộ trưởng Nên thông tin.

Làm rõ vấn đề này, trung tướng Hoàng Kông Tư, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết thêm, đã xử lý hành chính 526 người trộm cắp tài sản, tự nộp lại, thành khẩn khai báo; số người bị khởi tố (cướp tài sản, chống người thi hành công vụ làm 46 công an bị thương) đang tiếp tục điều tra để sớm xét xử.

"Căng thẳng Biển Đông sẽ có thể tác động đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cuối năm, Chính phủ làm thế nào để giảm thiểu tác động đó?", một phóng viên nêu câu hỏi.

Về vấn đề này, ông nên cho biết, động thái đầu tiên của Chính phủ là chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả kèm theo đó là ban hành những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể với từng doanh nghiệp. Hiện các địa phương có doanh nghiệp thiệt hại đã thực hiện tập trung cử đoàn đến tận nơi tính toán thiệt hại, hỗ trợ…. Điều đó thể hiện thiện chí, trách nhiệm xã hội và sự chân thành trước sự cố ngoài ý muốn. 

"Chúng ta thể hiện trách nhiệm như một lời cam kết. Từ đó bạn bè, doanh nghiệp nước ngoài đã khẳng định tiếp tục tin tưởng, đầu tư vào Việt Nam", Bộ trưởng Nên nói và cho hay, với sự khắc phục đó thì cuối năm sẽ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế. Chính phủ không bàn tới việc điều chỉnh chỉ tiêu. 

Trả lời câu hỏi về khả năng thay đổi trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, ông Nên nói thêm: "Từ trước tới nay, Việt Nam không chủ trương có chính sách riêng cho nước nào. Đến thời điểm này thương mại hai nước vẫn phát triển bình thường. Chính vì lẽ đó, chúng ta tin tưởng người dân 2 nước vẫn mong muốn bình thường để giao lưu, phát triển kinh tế. Chúng ta không chủ trương cắt bang giao. Tất nhiên ta chuẩn bị mở rộng thị trường khi thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng". 

Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, vừa qua có biến động Biển Đông nhưng tình hình sản xuất kinh doanh giữa biên giới Việt - Trung hoàn toàn ổn định, không biến động so với trước thời điểm 1/5. Trong tháng 5, những con số về xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng tốt đặc biệt 2 nhóm hàng quan trọng là hàng nông lâm sản, chế biến. 

"Không phải có biến động Biển Đông mới nghĩ đến việc tránh phụ thuộc và thị trường Trung Quốc. Việc nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn nhưng từ trước tới nay có nhiều biện pháp. Chúng ta nhập siêu Trung Quốc như xuất siêu ở thị trường Mỹ, EU. Để giảm nhập khẩu phải đảm bảm nguyên phụ liệu cho dệt may, da giày… Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu chứ không chỉ ASEAN", ông Hải chia sẻ thêm.

 tàu hải giám Trung Quốc tấn công phun bằng cách phun nước vào tàu kiểm ngư 768 của Việt Nam. (Ảnh; Viễn Sự).
Tàu hải giám Trung Quốc tấn công phun bằng cách phun nước vào tàu Kiểm ngư 768 của Việt Nam. Ảnh: Viễn Sự.
Diễn biến vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông: 

5h22 ngày 1/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (Việt Nam gọi là Hải Dương 981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam.  

Đến 16h ngày 2/5, giàn khoan Hải Dương 981 được thả trôi tại toạ độ 15o29’58’’ vĩ bắc - 111o12’06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động hàng trăm tàu bảo vệ, máy bay... đến vùng biển này.  

Việc làm này của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.  

Phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên nhưng phía Trung Quốc vẫn không hợp tác, rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc liên tục tấn công, phun vòi rồng, đâm va nhằm cản trở tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam thực hiện quyền chấp pháp tại vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam.  

Cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích Trung Quốc hiếu chiến khi hạ giàn khoan trái phép tới vùng biển Việt Nam và dùng tàu tấn công tàu Việt Nam. 

Ngày 27/5, giàn khoan 981 được di chuyển đến vị trí mới, cách địa điểm cũ 23 hải lý. Phía Trung Quốc lý giải, họ đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên và việc di chuyển để thực hiện giai đoạn hai.

Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm