Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam cần tận dụng gì từ chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ?

Các nhà quan sát nhận định Việt Nam cần tận dụng tiền lệ chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson để tổ chức các hoạt động hợp tác quốc phòng quy mô lớn "định kỳ" và "bình thường" hơn.

Cận cảnh tàu sân bay Mỹ neo trên Vịnh Đà Nẵng Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đã thả neo ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5-9/3. Khoảng 3.000 lính sẽ lên bờ để thực hiện các hoạt động giao lưu.

Phát biểu ở Đà Nẵng tại lễ đón các quan chức và thuỷ thủ Hải quân Mỹ nhân chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson, Chuẩn đô đốc John Fueller, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay, khẳng định “hôm nay là một ngày lịch sử”.

“Mỹ đã nỗ lực để tiến hành chuyến thăm rất đặc biệt và mang tính lịch sử này của tàu Carl Vinson đến Việt Nam”, Chuẩn đô đốc Fuller nói.

So với đó, vào thời điểm tám năm trước khi Việt Nam và Mỹ tổ chức kỷ niệm 15 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao, Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để đón tàu sân bay USS George H.W. Bush nên nó chỉ có thể neo ở ngoài khơi. Do vậy, việc đón tàu USS Carl Vinson dịp này thể hiện rằng Việt Nam đã sẵn sàng hơn trong nhiều hoạt động, hoặc ít nhất là trong phạm vi sự đón tiếp một hàng không mẫu hạm Mỹ. Sự kiện cũng được nhiều nhà quan sát nhận định như nấc thang mới trong quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ.

tan dung dong luc chuyen tham tau USS Carl Vinson anh 1
Siêu tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, vào ngày 5/3. Ảnh: Hải An.

Sẽ có nhiều chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ?

Nhà phân tích Prashanth Parameswara từng nhận định trên trang The Diplomat rằng chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson đến Việt Nam lần này không chỉ là sự kiện nhất thời, mà là diễn biến của quá trình tích hợp dần sự hiện diện của tàu sân bay trong mối quan hệ Việt - Mỹ. Tháng 10/2017, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trở thành quan chức Việt Nam cấp cao nhất chính thức thăm một tàu sân bay Mỹ, khi đó cũng là tàu USS Carl Vinson.

Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) nói với Zing.vn rằng tiền lệ của chuyến thăm tàu sân bay Mỹ hôm nay có thể dẫn đến nhiều hoạt động tương tự tiếp theo trong tương lai.

Chia sẻ quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp (Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, Singapore) nói Việt Nam và Mỹ cần tận dụng động lực tích cực từ sự kiện lần này để biến các hoạt động hợp tác quốc phòng song phương cấp cao, quy mô lớn thành tình trạng “bình thường”, không còn xem đây là vấn đề “nhạy cảm”.

"Yếu tố 'nhạy cảm' tuỳ thuộc vào yếu tố thời điểm và nhận thức của hai bên vào giai đoạn đó. Nhiều hoạt động trước đây được cho là nhạy cảm, nhưng bây giờ thì không. Điều mấu chốt chính là sự sẵn sàng của hai bên để tiến hành những hoạt động này như thế nào”, ông Hiệp nói với Zing.vn.

Trong thời gian tới, sau chuyến thăm, TS Lê Hồng Hiệp cho rằng hai bên nên cố gắng duy trì những nấc thang hiện tại và thực hiện theo tần suất định kỳ hơn, phi nhạy cảm hoá chúng. Ví dụ Việt Nam có thể tiếp tục mời tàu sân bay của các nước khác đến thăm theo tần suất do hai bên thoả thuận, như một hoặc hai năm một lần.

"Nếu trước đây và hiện nay chúng ta xem đây là một sự kiện đặc biệt, thì sự liên tục trong những chuyến viếng thăm sẽ giúp vấn đề trở thành bình thường. Càng nhiều những hoạt động hợp tác ‘bình thường’ như vậy chứng tỏ quan hệ song phương đã tiến thêm một bước. Hai bên đã thoải mái, tự tin hơn để đi tới bước tiếp theo”, ông Lê Hồng Hiệp nói.

tan dung dong luc chuyen tham tau USS Carl Vinson anh 2
Quốc kỳ Việt Nam được căng bên trong tàu sân bay USS Carl Vinson khi nó đến Việt Nam. Sự kiện lịch sử đánh dấu một mốc mới trong quan hệ Việt - Mỹ nói chung và hợp tác quốc phòng giữa hai nước nói riêng. Ảnh: Hải An.

Khả năng mua vũ khí và thiết bị Mỹ

TS Hiệp cho rằng một trong những “bước tiếp theo” để tận dụng lực đẩy từ chuyến thăm lần này của tàu USS Carl Vinson có thể là xúc tiến mua bán vũ khí, hoặc thậm chí là diễn tập quân sự chung. 

“Các sự kiện diễn tập giữa lực lượng Việt Nam và Mỹ lâu nay chỉ mới giới hạn trong những hoạt động phi tác chiến, như cứu trợ thiên tai, nhân đạo; tìm kiếm cứu nạn… Nếu đến thời điểm hai bên cảm thấy sẵn sàng, thoải mái và tự tin thì những cuộc diễn tập có thể nâng lên thành luyện tập”, ông Hiệp nói.

Theo ông, quan điểm của phía Việt Nam chính là “chủ nghĩa tiệm tiến”, nghĩa là đi từng bước một và không quá nhanh. Đây là cách làm đi dần vào lõi, có thể mất thời gian, nhưng cũng giúp làm giảm đi những hệ quả, những phản ứng không mong muốn. 

Về khả năng mua vũ khí và trang thiết bị từ Mỹ, phần lớn các nhà quan sát đều cho rằng đây là cách làm thực chất để thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ hơn, từ đó có thể giành thêm sự ủng hộ từ chính quyền Trump. “Có thể thấy rõ Việt Nam và Mỹ đang hướng đến tăng cường hợp tác quốc phòng, và phương hướng là bao gồm trao đổi công nghệ quốc phòng và mua bán vũ khí”, GS Thayer nói với Zing.vn.

GS Thayer lưu ý trong tuyên bố chung hồi tháng 5/2017 giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Việt Nam đã “thể hiện quan tâm với việc mua nhiều thiết bị quốc phòng hơn từ Mỹ, bao gồm các tàu cắt lớp của lực lượng cảnh sát biển”. Đến nay, Việt Nam đã chi 79 triệu USD để mua 26 tàu này và ông Thayer dự đoán các con số tiếp tục tăng trong năm nay.

Nhiều nguồn tin cho biết Việt Nam và Mỹ đang đàm phán về việc mua máy bay do thám không người lái. Theo TS Hiệp, đây là loại vũ khí đáp ứng nhu cầu của Việt Nam hiện tại, đó là nâng cao năng lực do thám và trinh sát, tăng cường tin tức tình báo hàng hải (domain awareness). Những UAV đáp ứng những mục tiêu này của Việt Nam nên là mặt hàng ưu tiên trong danh sách mua sắm thiết bị của Việt Nam lúc này. 

Nữ ca sĩ của ban nhạc Hạm đội 7 hát 'Nối vòng tay lớn' Nữ ca sĩ chính của ban nhạc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ thể hiện ca khúc 'Nối vòng tay lớn' khiến nhiều người dân Đà Nẵng bất ngờ.

Cận cảnh phi đội uy lực trên siêu tàu sân bay tại Đà Nẵng

Tiêm kích F/A-18 E/F Super Hornet trên tàu USS Carl Vinson với khả năng mang theo 8 tấn vũ khí cùng hệ thống cảm biến tiên tiến đem lại sức mạnh tác chiến vượt trội.

Chỉ huy tàu sân bay: 'Hôm nay là một ngày lịch sử'

Khi đến Đà Nẵng ngày 5/3, Phó đô đốc Philip G. Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7, nói ông mong muốn trong tương lai sẽ có một tàu ngầm Mỹ tới thăm Việt Nam.

Cảnh Toàn

Bạn có thể quan tâm