Cận cảnh phi đội uy lực trên siêu tàu sân bay tại Đà Nẵng
Thứ hai, 5/3/2018 21:36 (GMT+7)
21:36 5/3/2018
Tiêm kích F/A-18 E/F Super Hornet trên tàu USS Carl Vinson với khả năng mang theo 8 tấn vũ khí cùng hệ thống cảm biến tiên tiến đem lại sức mạnh tác chiến vượt trội.
Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) đang thăm Việt Nam mang theo đầy đủ các máy bay trong biên chế với sức mạnh tác chiến vượt trội. CVN-70 cùng tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG-57) và tàu khu trục USS Waye E.Meyer (DDG-108) có chuyến thăm từ ngày 5-9/3.
Quốc kỳ Việt Nam và Mỹ treo cạnh nhau trong nhà chứa máy bay của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đang thăm thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Một thủy thủ ngồi bảo vệ phía trước tiêm kích trên hạm F/A-18E/F Super Hornet, phía sau bên phải là F/A-18C Hornet. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Super Hornet và Hornet nằm ở cửa hút không khí.
Chiếc F/A-18E sừng sững trên boong tàu Carl Vinson. Tiêm kích này đang là trụ cột sức mạnh chiến đấu của CVN-70 cũng như tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ.
Super Hornet (ảnh) có cửa hút không khí hình chữ nhật, còn cửa hút không khí của Hornet hình ovan. Ngoài ra, phần rìa cánh phía trước của Super Hornet rộng hơn nhằm tăng ổn định khí động học khi hoạt động trên tàu sân bay. Super Hornet có 2 phiên bản F/A-18E (ảnh) một chỗ ngồi và F/A-18F hai chỗ ngồi. Thông số kỹ thuật của E và F là khá giống nhau.
Rất nhiều máy bay được đưa lên boong tàu Carl Vinson đang neo ở cảng Tiên Sa. Đây là hoạt động thường thấy trong các chuyến thăm nhằm thể hiện sức mạnh của tàu.
Máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye nhìn từ phía sau. Nó là "mắt thần" cảnh giới cho tàu Carl Vinson cũng như toàn bộ nhóm tác chiến. Nó có thể hoạt động cách tàu mẹ hơn 2.700 km cho phép phát hiện từ rất sớm các mối đe dọa tiềm tàng đối với tàu sân bay và nhóm hộ tống.
Đại bàng đen, biểu tượng của phi đội cảnh báo sớm trên không VAW-113 thuộc tàu sân bay USS Carl Vinson.
Trực thăng SH-60 Sea Hawk trong tư thế neo đậu với cánh rotor được xếp gọn về phía sau. Sea Hawk có vai trò rất đa dạng trên tàu Carl Vinson nói riêng và nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ nói chung.
USS Carl Vinson có 2 phi đội trực thăng có nhiệm vụ vận tải hàng hóa tầm ngắn, tìm kiếm cứu nạn, vận chuyển đội đặc nhiệm, thả phao định vị thủy âm phát hiện tàu ngầm và chiến đấu chống lại các mục tiêu như xuồng đổ bộ của đối phương tiếp cận tàu sân bay.
Tiêm kích F/A-18C thuộc phi đội chiến đấu VFA-34 với biệt danh "Blue Blaster" bên trong nhà chứa máy bay. Nhà chứa máy bay được bố trí ngay phía dưới boong tàu. Khu vực này chiếm phần lớn diện tích tàu theo chiều dọc.
Các trực thăng đậu sát nhau trong nhà chứa để tiết kiệm không gian. Nhà chứa máy bay của Carl Vinson được bố trí thành 3 khu vực khép kín có thể ngăn hỏa hoạn lan sang khu vực khác.
Các thùng dầu phụ để mở rộng tầm hoạt động cho máy bay. Chúng có thiết kế với hình dạng khá giống quả bom để tối ưu hóa về khí động học.
Nhà chứa máy bay hoạt động như một xưởng cơ khí. Đây cũng là nơi bảo trì và sửa chữa nhỏ cho các máy bay.
Không gian bên trong nhà chứa máy bay rất rộng. Tàu sân bay Carl Vinson có thể mang theo tới 90 máy bay, thông thường là 65-70 chiếc.
Đà Nẵng là một trong số ít thành phố có cảng quy mô tiếp đón tàu sân bay khổng lồ USS Carl Vinson, thuận tiện tổ chức hoạt động giao lưu giữa thuỷ thủ Mỹ và người dân địa phương.
Việc Mỹ cử siêu tàu sân bay USS Carl Vinson, biểu tượng quyền lực trung tâm của sức mạnh hải quân, đến Tây Thái Bình Dương thể hiện sự quan tâm và cam kết của Mỹ đối với khu vực.
"Chủ quyền và nền độc lập của đất nước không phải là vấn đề có thể thương lương được", Tổng thống José Raúl Mulino lên tiếng sau tuyên bố "đòi lại" Kênh đào Panama của ông Trump.