Tại cuộc họp ở New York về khí hậu hôm 23/9, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã yêu cầu các lãnh đạo thế giới chia sẻ các kế hoạch cụ thể về cắt giảm khí thải, thay vì các bài diễn văn đẹp đẽ.
Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen viết cho Zing.vn về những việc cụ thể mà Việt Nam có thể làm với thách thức được xem là "sẽ định nghĩa thời đại của chúng ta" và sự cần thiết của công cuộc “đổi mới” về khí hậu trong tương lai và sự thịnh vượng của Việt Nam.
"Chúng ta hành động không đủ nhanh"
Theo tổng thư ký Liên Hợp Quốc, mỗi ngày, ở mọi nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, có thể thấy rõ rằng chúng ta không hành động đủ nhanh và đủ mạnh để ngăn chặn biến đổi khí hậu mang tính thảm khốc và không thể đảo ngược.
Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen. Ảnh: UNDP. |
Báo cáo đặc biệt về sự ấm lên toàn cầu 1,5 độ C năm 2018 của Cơ quan liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã khẳng định rằng biến đổi khí hậu đang đi nhanh hơn chúng ta và chúng ta sắp hết thời gian vì cam kết hiện tại của các quốc gia trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đang hướng tới gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu từ 3 độ C trở lên.
Báo cáo làm lóe lên một tia hy vọng rằng vẫn có thể hạn chế việc ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C để đẩy lùi các tác động bất lợi chính, nhưng điều này sẽ đòi hỏi các hành động khẩn cấp và tham vọng hơn để giảm phát thải khí nhà kính (KNK) bớt đi 45% so với mức năm 2010 tới năm 2030 và đạt mức phát thải bằng không tới năm 2050.
Điều này đòi hỏi phải có hành động mang tính hệ thống và chuyển đổi chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội và nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, tổng thư ký Liên Hợp Quốc triệu tập Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu tại New York vào ngày 23 tháng 09 và yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới chia sẻ các kế hoạch cụ thể của họ - chứ không phải các bài phát biểu - về cách họ sẽ đẩy mạnh NDC tới năm 2020, để giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu.
Những tác động này đang làm giảm tiến độ của Chương trình nghị sự về phát triển bền vững, đe dọa đảo ngược nhiều lợi ích có được, và cuối cùng đang đe dọa sự thịnh vượng toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.
Việt Nam cần "đổi mới" về cách ứng xử với khí hậu
Để đạt được các tham vọng toàn cầu, Việt Nam cần tiến hành công cuộc “đổi mới” khí hậu một cách toàn diện với tầm quan trọng ngang với phát triển kinh tế.
Cuộc cách mạng về chính sách khí hậu này sẽ giúp chuyển đổi mô hình kinh tế hướng đến ưu tiên chuyển dịch sang năng lượng sạch, đầu tư xanh, kinh tế tuần hoàn, năng suất tài nguyên, và giải pháp dựa trên tự nhiên, và áp dụng cách tiếp cận tổng thể và bao trùm trong việc thu hút sự tham gia của chính phủ và xã hội.
Bằng cách đẩy nhanh việc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể tận dụng chi phí năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang giảm dần và đổi mới công nghệ nhanh chóng. Với những lợi thế trên, Việt Nam có thể cải thiện đáng kể việc tiết kiệm năng lượng, từ đó giúp cải thiện năng suất bằng cách giảm mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị sản phẩm.
Việc chuyển đổi sang mức thâm nhập cao hơn của năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng và hiệu quả năng lượng tốt hơn sẽ không chỉ làm giảm mức phát thải KNK mà còn giúp tăng cường an ninh năng lượng cho Việt Nam, trong bối cảnh nhập khẩu than ngày càng tăng cho sản xuất điện.
Thêm vào đó, việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cải thiện năng suất thông qua cắt giảm nguyên liệu và tài nguyên cũng như chất thải vì chất thải từ ngành này có thể được sử dụng làm đầu vào cho một ngành khác.
Cảnh khô hạn tại Sơn La. Thời tiết thất thường, lượng mưa thay đổi đã khiến mùa khô bị khô hạn nặng hơn và mùa lũ nhiều nước hơn tại một số nơi ở Việt Nam. Ảnh: PanNature. |
Có nhiều công nghệ tiên tiến mà Việt Nam có thể áp dụng. Các ngành chính thúc đẩy việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn bao gồm: nông nghiệp, xây dựng, chế tạo, logistics và nhựa. Việc tăng cường sự tham gia của chính phủ, khu vực tư nhân và người tiêu dùng sẽ giúp xây dựng một biện pháp tiếp cận riêng cho nền kinh tế tuần hoàn phù hợp nhất với Việt Nam.
Các giải pháp dựa vào thiên nhiên là một cách tiếp cận đối với hành động khí hậu mang tính hiệu quả lâu dài, tiết kiệm chi phí và có thể mở rộng trên toàn cầu, với tiềm năng loại bỏ tới 12 giga tấn KNK mỗi năm, giúp nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng khí hậu trong các ngành và khu vực khác nhau, và giúp tăng thêm 2,3 nghìn tỷ USD tăng trưởng năng suất cho nền kinh tế toàn cầu, đồng thời hỗ trợ các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng.
Môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải KNK vì rừng và các hệ sinh thái biển và ven biển là các bể chứa carbon tự nhiên và cũng là cần thiết đối với các chiến lược thích ứng và để cung cấp các nguồn tài nguyên hệ sinh thái quan trọng hỗ trợ sinh kế địa phương.
Điều này thể hiện rõ ở các vùng ven biển nơi chính phủ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đang làm việc với các chính quyền và cộng đồng địa phương trồng và tái sinh 4.000 ha rừng ngập mặn ven biển, việc này không chỉ giúp các cộng đồng nâng cao khả năng chống chịu lũ lụt mà còn dự kiến giúp hấp thụ 1,9 triệu tấn CO2 tương đương.
Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 10 năm tiếp theo của Việt Nam và Quy hoạch phát triển ngành điện thứ tám (Tổng sơ đồ điện VIII) mang đến những cơ hội quan trọng kích hoạt sự chuyển đổi cần thiết sang một nền kinh tế xanh và hiệu quả, dựa trên nền tảng năng lượng sạch.
Việt Nam có thể bắt tay vào cải cách thể chế và chính sách để tăng cường lập kế hoạch tổng hợp, dự toán ngân sách, đầu tư ở cấp quốc gia và khu vực để giảm đầu tư phân tán, cũng như tăng cường sự hợp lực trong hành động và phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang, loại bỏ các cách tiếp cận đơn nhất truyền thống.
Biến đổi khí hậu nếu không được kìm hãm sẽ làm ngập các thành phố lớn vào năm 2100. Ảnh: Getty. |
Tạo ra một "xã hội carbon thấp"
Để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ khí hậu, cần nỗ lực chung của tất cả các bộ ngành và địa phương, bao gồm các ngành năng lượng, công nghiệp, giao thông, xây dựng và nông nghiệp. Việt Nam cũng cần tăng cường việc lập kế hoạch và phát triển dựa trên rủi ro thông qua tích hợp đầy đủ tính dễ bị tổn thương và rủi ro vào các chiến lược và kế hoạch, bằng cách thiết lập các hệ thống thông tin toàn diện về rủi ro khí hậu, tính dễ bị tổn thương và thiên tai.
Các bài học từ các phương pháp quản lý và lập kế hoạch tổng hợp nên được áp dụng để tạo thuận lợi cho việc lập kế hoạch lồng ghép với các cấu phần thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu ở các khu vực khác như Đồng bằng sông Hồng hoặc Tây Nguyên.
Liên quan đến tài chính khí hậu mang tính đổi mới, Việt Nam có thể tận dụng lượng tài chính khổng lồ của quốc tế và khu vực tư nhân trong nước thông qua việc áp dụng các công cụ tài chính sáng tạo. Việc này bao gồm xây dựng thị trường trái phiếu xanh (green and blue bond) nhằm huy động nguồn vốn dài hạn cho các hành động giảm nhẹ và nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, dần dần điều chỉnh thuế môi trường và xây dựng thị trường carbon trong nước.
Việt Nam có thể vận động ở cấp độ toàn cầu để xác định lại các quy tắc hỗ trợ phát triển quốc tế cho phép các quốc gia có thu nhập trung bình thấp vay với lãi suất ưu đãi cho tất cả các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Mexico City là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Cứ đà phát thải hiện nay, chỉ trong vòng 16 năm, nhân loại sẽ “dùng” hết lượng carbon được phép thải ra nếu muốn đạt mục tiêu 1,5 độ C của IPCC. Ảnh: Reuters. |
Tất cả các thành phần trong xã hội, từ người dân thường đến các doanh nghiệp tư nhân, đều có một vai trò quan trọng trong công cuộc “đổi mới” khí hậu và phải tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi sang một xã hội carbon thấp.
Người dân, với tư cách là người tiêu dùng, phải có nhu cầu cho các sản phẩm này và cũng thay đổi hành vi và hành động của họ để phù hợp hơn với lối sống carbon thấp, thông qua việc giảm chất thải, sử dụng các phương án vận chuyển carbon thấp và thay đổi các chuẩn mực xã hội về môi trường. Khu vực tư nhân có một vai trò đặc biệt trong “đổi mới” khí hậu, khu vực này có thể tạo ra sự thay đổi mang tính biến chuyển trong các quy trình sản xuất bền vững nhằm sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Các doanh nghiệp có trách nhiệm về khí hậu đã tăng đầu tư vào các sản phẩm xanh và sạch như công nghệ năng lượng mặt trời và xe điện.
Ảnh chụp vệ tinh năm 2016 cho thấy một phần lớn diện tích Bắc Băng Dương không còn đóng băng. Ảnh: NASA. |
Vì năm 2020 đang đến gần, và năm quan trọng 2030 cho mục tiêu giảm phát thải KNK diện rộng trên toàn cầu không còn xa, Việt Nam phải hành động nhiều hơn và nhanh hơn.
Bây giờ là lúc để Việt Nam thực hiện đầy đủ công cuộc “đổi mới” khí hậu một cách toàn diện, đảm bảo một tương lai xanh, bao trùm và thịnh vượng cho mọi người dân Việt Nam. UNDP hợp tác với các cơ quan thành viên khác của Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi quan trọng này.