Lần đầu thấy tuyết ở Tây Bắc là dịp khó quên với nhiều bạn trẻ thành phố. Nhưng với chị Son, lần đầu thấy tuyết lại là dấu hiệu nữa cho thấy biến đổi khí hậu đang gõ cửa xã nghèo của chị ở tỉnh Sơn La.
“Bản thân tôi chưa thấy tuyết rơi, nhưng mùa đông 2017 tuyết rơi tại huyện Vân Hồ khiến hoa màu của nông dân chết hàng loạt”, chị Đinh Thị Son, đại diện hội Phụ nữ xã Xuân Nha, nói trong buổi trao đổi với báo chí gần đây về chủ đề biến đổi khí hậu ở Tây Bắc. “Cải bắp, rau củ, và cây ăn quả của nông dân toàn huyện bị ảnh hưởng”.
Theo chị, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nơi gia đình chị sinh sống, đang gặp những biểu hiện thời tiết bất thường: nắng nóng gay gắt hơn vào mùa hè, mùa đông trời rét đậm, rét hại, cả hai đều ảnh hưởng tới cây trồng.
"Vài năm trở lại đây, vào mùa khô, lượng nước ít đi, không đủ nước sinh hoạt cho người dân”, chị Son nói.
Ngoài ra, mùa mưa đến muộn hơn, khiến thời gian làm đất, gieo ngô, cấy lúa cũng muộn hơn trước 10-15 ngày, dẫn tới các loại bệnh mới trên cây trồng.
Hiện tượng nắng nóng cực đại phổ biến hơn ở xã Xuân Nha, khiến cây ăn quả, cây nông nghiệp bị chết hoặc giảm năng suất. Ảnh: Đinh Thị Son. |
Các nghiên cứu khoa học cho thấy biến đổi khí hậu có thể gây ra thời tiết và lượng mưa bất thường như ở xã Xuân Nha.
Việt Nam thuộc nhóm nước chịu nhiều tác động nhất do biến đổi khí hậu, đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn (CRI).
Theo ước tính của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), khi mực nước dâng 1 m, viễn cảnh được dự báo cuối thế kỷ, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam sẽ lên tới 40.000 km2, tương đương 12% diện tích hiện nay, khiến 17 triệu người mất nhà cửa. Phần lớn Hà Nội và TP.HCM sẽ chìm trong biển nước.
Nhưng chưa cần đến cuối thế kỷ, ngay trong hiện tại, biến đổi khí hậu đã “gõ cửa” nhiều khu vực ở Việt Nam. Theo các chuyên gia và các báo cáo, hiện tượng thời tiết bất thường như ở xã Xuân Nha đang diễn ra và tác động lớn tới nhiều vùng, đặc biệt là Tây Bắc.
Khô hạn tại Sơn La. Ảnh: Dự án CEMI/PanNature. |
Hạn hán kéo dài, lượng mưa thay đổi ở Sơn La
Các nghiên cứu từ năm 2015-2016 của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) ghi nhận các biểu hiện của thay đổi thời tiết và khí hậu cực đoan tại cả ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.
Phần lớn các xã được khảo sát có nhiệt độ trung bình tăng lên, nắng nóng và hạn hán kéo dài hơn. Mùa mưa thay đổi, số trận mưa giảm nhưng lượng mưa mỗi trận tăng, gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất một số nơi. Sương muối xuất hiện thường xuyên hơn, với lượng muối lớn hơn, theo báo cáo.
Ở tỉnh Sơn La, thời tiết bất thường khiến năng suất cây trồng giảm, có thể phải chuyển đổi cây trồng, tăng chi phí sản xuất.
Hạn hán đến sớm hơn, thời tiết nóng hơn và số trận mưa ít, tới muộn hơn dẫn tới năng suất lúa và cà phê giảm ở xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, có nơi giảm tới 30%, và năng suất sắn ở xã Chiềng Ngàm, TP Sơn La giảm 30-40%. Ở xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, hạn hán làm giảm năng suất ngô từ 30-40%.
Hạn hán ở xã Chiềng Xôm đi kèm với việc cách biệt nhiệt độ giữa hai mùa gia tăng. Mùa hè nóng hơn rõ rệt, nhiệt độ năm 2010 là 38-39 độ C, tới năm 2014 là 40-41 độ C. Nhưng rét đậm, rét hại, cùng lượng mưa thất thường khiến năng suất ngô và lúa trong xã giảm tới 40% ở một số nơi.
Lũ lớn ở xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, Sơn La có thể khiến đất canh tác nông nghiệp bị xói mòn, rửa trôi, dẫn tới bạc màu. Ảnh: Đinh Thị Son. |
“Cây trồng như con người, cũng có ngưỡng chịu đựng nhất định... ví dụ như người sốt cao 40-41 độ C khác hẳn với người bị sốt nhẹ”, bà Nguyễn Thị Yến, đại diện của CARE International (CARE Quốc tế tại Việt Nam), tổ chức hỗ trợ các dự án phát triển nông thôn và sức khỏe tại Việt Nam, nói với Zing.vn. “Các hiện tượng thời tiết cực đoan khó thích ứng hơn là những dao động thông thường”.
Lượng mưa mỗi trận tăng lên dẫn tới lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề ở một số xã. Cụ thể, đất canh tác ở xã Chiềng Ngàm, huyện Thuận Châu bị xói mòn, có những nơi tới 15% diện tích như bản Tam và bản Sẳng. Mưa lớn vùi lấp đất trồng ngô ở xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu (nơi nhiệt độ trung bình tăng 1-2 độ), khiến năng suất ngô giảm 30-40%.
Sương muối ảnh hưởng nặng nhất tại khu vực cao nguyên Nà Sản, được ghi nhận tại 8/9 bản được điều tra, với chu kỳ ngắn lại và lượng muối tăng lên.
Trong khu vực này, sương muối làm cháy lá, khiến lúa tại bản Co Phong, xã Hua La, TP Sơn La mất trắng năm 2013, và làm cà phê ở xã Chiềng Sinh, TP Sơn La mất trắng 2 năm liền.
Sương muối cục bộ, trước đây không xuất hiện ở xã Xuân Nha, gần đây xuất hiện làm cháy lá, ảnh hưởng tới cây ăn quả và rau màu. Ảnh: Đinh Thị Son. |
“Không chỉ ở vùng núi phía bắc”
Bà Yến từ tổ chức CARE International cho biết hiện tượng mùa hạn - hạn nặng hơn, mùa mưa - mưa nhiều hơn “không chỉ ở vùng núi phía bắc, mà còn diễn ra ở Tây Nguyên, miền Trung. Mưa đến Quang Trị cũng muộn hơn, đối tác của CARE tại Quảng Trị cũng kêu gọi hỗ trợ.... Đà Nẵng bị khủng hoảng thiếu nước sạch vì mực nước xuống thấp và xâm nhập mặn tăng do hạn hán”.
“Hà Tĩnh cũng đang hạn rất nặng, mấy ngày nay mới bắt đầu có mưa, ảnh hưởng tới cây trồng”, bà nói với Zing.vn. “Bình thường vẫn có hạn hán, nhưng chỉ đến tháng 8 là thấy mưa. Năm nay, hoàn toàn không có mưa cho đến mấy ngày vừa rồi”.
Một nghiên cứu năm 2011 từ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (ZEF) đánh giá “sự thay đổi liên tục của lũ lụt và thời tiết” cùng lượng mưa thay đổi bất thường, sự phân biệt trước đây giữa mùa mưa và mùa khô ở Đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng trở nên thiếu chính xác.
Những ảnh hưởng và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng “dễ nhận thấy trong những năm gần đây ở một số vùng”, ông Đặng Quang Thịnh, Phó GĐ điều hành Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (IMHEN), viết cho Zing.vn qua email.
“Chẳng hạn như gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, mưa lớn gây ngập lụt và ảnh hưởng đến hoạt động khai thác than ở Quảng Ninh, hay sạt lở bờ biển ở một số tỉnh miền Trung”.
Thời tiết thất thường ở Điện Biên
Một nghiên cứu nằm trong dự án Tăng cường thông tin thích ứng khí hậu tại Việt Nam (InfoAct) của CARE International, được Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) thực hiện với 78 người từ 7 xã của Lai Châu và Điện Biên trong thời gian từ tháng 11/2018-1/2019.
43/44 người được hỏi ở Điện Biên nhận thấy diễn biến thời tiết thất thường và cực đoan hơn trong vòng vài năm qua. Mưa nhiều hơn, trời rét đậm hơn và đến muộn hơn, điển hình như năm 2019 khi “đã vào tháng giêng nhưng trời vẫn chưa rét”.
Băng tuyết xuất hiện tại huyện Tuần Giáo vào tháng 1/2016. Một số xã khác ở huyện Tủa Chùa xuất hiện băng giá vào tháng 12/2017.
“Gần đây có biến đổi khí hậu. Đối với Điện Biên, năm ngoái có hiện tượng nồm lần đầu tiên, gió tây khô nóng (gió Lào) gần đây không xuất hiện nữa. Mùa vụ về cơ bản vẫn tuân theo mùa mưa, mùa khô, nhưng gần đây bị cực đoan hơn”, báo cáo từ dự án InfoAct dẫn lời ông Đào Đức Thụy, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên.
Anh Mùa A Kềnh, Phó chủ tịch xã Mường Phăng, cho rằng thay đổi lớn nhất trong thời gian gần đây là mưa không theo mùa như trước. Khi mưa quá lớn, ruộng bị ngập, làm hỏng cây rau, hoa màu.
Ba cán bộ lãnh đạo xã Ảng Cang cho biết “những năm gần đây, các mùa đan xen khiến thời tiết khó dự báo”, tác động đến gieo vụ, ảnh hưởng chất lượng lúa gạo.
Cảnh đồng lúa khô hạn tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Dự án CEMI/PanNature. |
“Trước đây, nông dân căn đúng thời tiết nhất định sẽ xuống giống”, bà Nguyễn Thị Yến từ CARE International nói. Nhưng thời tiết thay đổi khiến “xuống giống không hiệu quả như trước”.
Theo bà Yến, trong bối cảnh thời tiết ngày càng thất thường, “việc dự báo sớm cho người dân được biết là rất quan trọng”, nhưng việc này vẫn gặp nhiều hạn chế.
“Có những trường hợp cán bộ khuyến nông làm việc với người dân không nhận thông tin kịp thời. Người nông dân xuống giống xong rồi rét đậm, rét hại nên chết hết”, bà Yến giải thích. “Họ hay nói ‘hôm trước tôi là anh hùng, hôm sau tôi thành tội đồ’”.
Hạn chế trong khâu thông tin thời tiết đến người nông dân có thể khiến họ chịu thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh: Reuters. |
Mưa đá, lạnh thất thường ở Lai Châu
Đối với tỉnh Lai Châu, báo cáo do MDI thực hiện dẫn Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh xác nhận thời tiết trở nên cực đoan hơn.
“Ngày xưa mưa nhiều nhưng rải rác. Bây giờ nó mưa ít nhưng tập trung, mưa lớn. Ngày xưa, rét đậm, rét hại ở mức độ vừa phải. Nhưng bây giờ, thời gian rét đậm, rét hại ngắn, nhưng rét sâu. Nền nhiệt độ mùa hè lại cao lên”, theo một đại diện của trung tâm.
Người dân các xã được phỏng vấn cũng nêu các dấu hiệu tương tự.
“Hai năm trở lại thời tiết trên bản thay đổi hoàn toàn: 2011-2016 thời tiết đến mùa đông không có tuyết, lạnh bình thường, năm 2017-2018 mùa đông rất lạnh, nhiều tuyết, thời tiết khác hoàn toàn, có mưa đá, đập vỡ nhà như năm 2018... 4 bản trên nhà cửa thủng hết”, báo cáo dẫn lời anh Sùng A Xí, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên.
Mưa bão tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, khiến nhiều diện tích hoa màu thiệt hại. Ảnh: Dự án CEMI/PanNature. |
Tại xã Hố Mít, mưa nhiều, rét đậm khiến làm chết hoa màu như thảo quả, ngô, khoai lúa - thu nhập chính của người dân nơi đây. Rét đậm cũng khiến gia súc chết nhiều hơn, gây ra nhiều dịch bệnh, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng và bệnh lợn sưng đầu.
“Ở bản Câu Giềng, có ba hộ bị lũ cuốn trôi mất trắng ruộng, không cải tạo được. Nương ngô bị xói thành cái khe, thành thế giới khác luôn. Cả xã có 17 con trâu bị cuốn trôi”, anh Sùng A Xí cho biết.
Tuy nhiên, bà Yến nói thêm lũ lụt thay đổi không chỉ do biến đổi khí hậu, mà còn do “sử dụng đất không bền vững, phá rừng, tác động của thủy điện”.