Những dự báo nối tiếp nhau cho thấy các tác động khí hậu tiêu cực, từ hiện tượng thời tiết cực đoan đến băng vùng cực tan chảy và nước biển dâng, đang diễn ra với tốc độ, quy mô và sức ảnh hưởng vượt qua nhiều cảnh báo ban đầu, theo Reuters.
Bỉ, Đức, Hà Lan và Vương quốc Anh đều đạt nhiệt độ kỷ lục trong tuần này khi châu Âu phải chịu đựng đợt nắng nóng mới. Các nhà khí tượng học cho biết châu Âu đang trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử. Tháng 6 vừa qua cũng là tháng nóng nhất kể từ năm 1880. Ít nhất 12 quốc gia châu Âu đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong mùa hè 2019.
Đó cũng là tín hiệu cho những nhà đàm phán môi trường rằng cánh cửa ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu đang hẹp dần trong lúc cộng đồng quốc tế gia tăng nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đạt kết quả thực chất sớm nhất có thể.
Những đợt sóng nhiệt trên toàn cầu liên tục xô đổ các kỷ lục từng được thiết lập trong quá khứ. Ảnh: Reuters. |
Chạy đua với thời gian
Theo các nghiên cứu khoa học, biến đổi khí hậu đang khiến sóng nhiệt mùa hè có khả năng xảy ra nhiều gấp năm lần và với mức độ lớn hơn đáng kể hơn, dẫn tới việc các đợt sóng nhiệt cực đoan như lần này sẽ ngày càng xảy ra nhiều hơn và kéo dài.
"Sức ép là rất lớn trong vòng 18 tháng tới", Sue Ried, phó chủ tịch về khí hậu và năng lượng tại Ceres, cho biết. Tổ chức tại Mỹ đang vận động các công ty và nhà đầu tư thế giới lựa chọn một định hướng phát triển bền vững hơn cho tương lai.
"Đây là giai đoạn mang tính quyết định cho những nhân vật trong khu vực công lẫn tư nhân để đảo ngược xu hướng xả khí thải", Reid cho biết.
Ủy hội Biến đổi Khí hậu Liên chính phủ (IPCC) được Liên Hợp Quốc hỗ trợ tháng 10/2018 cảnh báo mức xả khí thải phải bắt đầu giảm trễ nhất vào năm 2019. Chỉ khi đó, cộng đồng quốc tế mới có cơ hội đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C.
Mức xả khí thải hiện nay đặt Trái Đất vào lộ trình tăng hơn 3 độ C trong tương lai. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đang nỗ lực thuyết phục các nước nâng cam kết cắt giảm khí thải trước thềm hội nghị ở New York vào tháng 9.
Ông Guiteres nhấn mạnh thất bại trong cắt giảm khí thải sẽ đồng nghĩa với "tự sát". Nhà ngoại giao kỳ cựu đến từ Bồ Đào Nha muốn tạo ra động lực đủ mạnh để vòng đàm phán mới về các vấn đề khí hậu, diễn ra vào tháng 12 ở Chile, có thể đạt kết quả tích cực.
Một hội nghị thượng đỉnh quan trọng dự kiến diễn ra tại Anh vào cuối năm 2020, sau các vòng đàm phán ở Chile. Về lý thuyết, những kế hoạch chống biến đổi khí hậu phải đang trong giai đoạn thực thi vào thời điểm này, hướng đến giảm 1/2 lượng khí thải toàn cầu trong 10 năm tới.
Hàng chục thành phố ở châu Âu đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong đợt nắng nóng mới nhất và đặt mức báo động cao. Ảnh: AFP. |
Cách mạng hay sụp đổ
"Trong vòng 1,5 năm tới, chúng ta sẽ nhìn thấy các nỗ lực ngoại giao về vấn đề khí hậu diễn ra với cường độ mạnh nhất kể từ khi thỏa thuận Paris được ký kết", Tessa Khan, luật sư về biến đổi khí hậu quốc tế và đồng giám đốc tổ chức Mạng lưới Luật Khí hậu, nhận định.
Chuyên gia khí hậu Michael Mann cho rằng cắt giảm khí thải toàn cầu nhiều hơn dự báo của IPCC. Ông lo ngại tổ chức này đã đánh giá quá thấp mức tăng nhiệt độ của Trái Đất kể từ giai đoạn tiền công nghiệp hóa. Mann kêu gọi chính phủ các nước xem việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với cùng thái độ cấp bách như chương trình huy động công nghiệp hóa của Mỹ vào Thế chiến II.
Đến nay, chưa một nền kinh tế lớn nào của thế giới thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ như kỳ vọng trong cuộc chiến chống biến đổi kỳ vọng. Dù đưa ra cam kết cắt giảm khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050, chính phủ Anh vẫn quá bận rộn với Brexit để dành thêm sự quan tâm cho mục tiêu này.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu từ năm 2013-2017, so với mức chuẩn là giai đoạn 1951-1980. Đồ họa: NASA. |
Pháp và Đức cũng thúc đẩy Liên minh Châu ÂU (EU) đặt ra mục tiêu tương tự. Tuy nhiên, nội dung này chỉ được nhắc như một dòng chú thích nhỏ trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua tại Brussels, không thể vượt qua được những phản đối từ Ba Lan, Cộng hòa Czech và Hungary.
Tổng thống Donald Trump vẫn quyết tâm rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận ký năm 2015 tại Paris, dù Mỹ là quốc gia xả khí thải lớn thứ 2 thế giới.
"Chúng ta cần thay đổi triệt để cách sống của con người bằng cách từ bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hoặc biến đổi khí hậu sẽ tự đặt dấu chấm hết cho nền văn minh tư bản toàn cầu dựa trên nhiên liệu hóa thạch", chuyên gia Roy Scranton viết trên tạp chí MIT Technology Review vào tháng 4.
"Cách mạng hoặc sụp đổ. Dù với kịch bản nào, cuộc sống tốt đẹp mà chúng ta luôn biết đến rồi sẽ không còn như cũ", ông cảnh báo.