Sóng nhiệt kỷ lục 'nướng chín' nhiều thành phố lớn ở châu Âu
Thứ sáu, 26/7/2019 09:37 (GMT+7)
09:37 26/7/2019
Hàng chục thành phố ở châu Âu đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong đợt nắng nóng mới nhất và đặt mức báo động cao, khuyến cáo người dân đảm bảo sức khỏe trước thời tiết khắc nghiệt.
Bỉ, Đức, Hà Lan và Vương quốc Anh đều đạt nhiệt độ kỷ lục trong tuần này khi châu Âu phải chịu đựng đợt nắng nóng mới. Các nhà khí tượng học cho biết châu Âu đang trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử. Tháng 6 vừa qua cũng là tháng nóng nhất kể từ năm 1880. Ít nhất 12 quốc gia châu Âu đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong mùa hè này. Ảnh: AP.
Một người đàn ông để nước xối lên mặt ở địa điểm tắm công cộng tại Baden-Wuerttgl, Đức. “Sóng nhiệt thực sự là vấn đề nghiêm trọng với những người lớn tuổi và ốm bệnh”, Anton Hofreiter - lãnh đạo của đảng Xanh của Đức nói với Der Spiegel. Ảnh: Getty.
Trong ngày 25/7, nhiệt độ ở thủ đô nước Pháp lên tới 42 độ C vào lúc 15 giờ, theo giờ địa phương, và nhanh chóng đạt 42,6 độ C sau 16 giờ, phá vỡ kỷ lục trước đó ở mức 40,4 độ C ghi nhận vào năm 1947. Ảnh: AFP.
Một đoạn sông Loire khô hạn ở Pháp hôm 24/7. Nhiều khu vực bị khô hạn, mực nước sông thấp khiến giới chức trách phải cấm các du thuyền lưu thông trên khu vực 60 km của sông Danube ở Đức. Ảnh: AFP.
Một cậu bé giải nhiệt dưới vòi nước công cộng trên bờ sông Seine ở Paris hôm 25/7. Chính quyền Pháp đã triển khai kế hoạch cảnh báo sóng nhiệt, xếp hạng rủi ro của đợt nắng nóng này là "màu da cam". Thang đo theo màu, chuyển từ màu xanh lá cây, sang màu vàng, màu cam và màu đỏ, thể hiện mức độ rủi ro và các biện pháp giữ an toàn cho người dân trong đợt sóng nhiệt. Ảnh: AFP.
Ở cấp độ màu da cam, người dân được khuyến cáo cần "rất cảnh giác", uống nước và tắm thường xuyên, cũng như không đi ra ngoài vào những thời điểm nóng nhất trong ngày. Ảnh: AFP.
Theo các nghiên cứu khoa học, biến đổi khí hậu đang khiến các sóng nhiệt mùa hè có khả năng xảy ra nhiều gấp năm lần và với mức độ lớn hơn đáng kể hơn, dẫn tới các đợt sóng nhiệt cực đoan như lần này sẽ ngày càng xảy ra nhiều hơn và kéo dài. Ảnh: AP.
Người dân lấy nước từ đài phun nước công cộng trước đền Pantheon ở Rome, Italy, hôm 25/7. Rome cũng là một trong những thành phố có mức nhiệt cao nhất. Chính quyền Italy khuyến cáo người dân tránh ra ngoài vào những giờ nóng nhất trong ngày và tránh xa các khu vực có nhiều phương tiện giao thông để tránh phơi nhiễm ozone. Ảnh: AP.
Người dân tìm cách giải nhiệt bằng cách chơi bắn súng nước ở công viên tại Hague, Hà Lan, hôm 24/7. Ảnh: AFP.
Các vườn thú ở châu Âu cũng dành cho động vật sự chăm sóc đặc biệt trong dịp nắng nóng. Thức ăn được phân phát dưới dạng những khối nước đông lạnh trộn với các loại hoa quả, thịt nghiền nhỏ. Ba con gấu Bắc Cực ở một vườn thú ở Czech cũng được cho ăn cá xay đông lạnh. Ảnh: AP.
Nhiều người trình báo khu vực khỏa thân tại công viên Bois de Vincennes ở Paris đang trở thành nơi thu hút những kẻ biến thái đến nhìn trộm và quấy rối phụ nữ.
Việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ khiến tổ chức này mất nguồn tài trợ lớn nhất, từ đó ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng như đại dịch COVID-19.