Trang tin Thai PBS World dẫn nghiên cứu của tổ chức dân sự Mekong Butterfly cho rằng 8 đập thủy điện ở Trung Quốc là thủ phạm chính gây tình trạng nước sông xuống thấp kỷ lục khi đã giữ lại hơn 40 tỷ m3 nước phục vụ phát điện, tưới tiêu.
Theo nhóm này, mực nước xuống thấp nhất khi đập Cảnh Hồng giảm lưu lượng xả nước xuống 500 m3/s. Lượng xả được tăng lên 1.000m3/s ngày 18/7, nhưng mực nước ở các tỉnh phía bắc và đông bắc Thái Lan vẫn thấp kỷ lục, khiến việc đi lại, đánh cá, bơm nước trở nên không thể.
“Một số trạm bơm cấp nước ở cả Thái Lan và Lào (bao gồm ở Vientiane) cũng đang gặp vấn đề”, Pianporn Deetes, điều phối viên tại Thái Lan của International Rivers, tổ chức bảo vệ các dòng sông và cộng đồng ven sông, viết cho Zing.vn qua email. “Điều này cho thấy rõ ràng các đập thủy điện đang làm vấn đề trầm trọng hơn”.
Mức nước thấp kỷ lục trong vài thập kỷ
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho biết năm nay có hiện tượng thời tiết El Niño, khiến lượng mưa và kéo theo đó là lượng nước trên sông Mekong giảm.
“Lượng nước vào Việt Nam không còn đủ để đẩy lượng mặn ra. Độ mặn cao ảnh hưởng đến canh tác, các vùng trồng lúa, đến nhu cầu nước sinh hoạt”, ông Lê Anh Tuấn trả lời Zing.vn.
Ngoài lượng mưa giảm, việc các đập thủy điện từ thượng nguồn thay đổi dòng chảy cũng là nguyên nhân khiến mực nước sông Mekong xuống thấp, theo thông cáo ngày 18/7 của Ủy hội sông Mekong, cơ quan liên chính phủ quản lý tài nguyên nước trên sông Mekong.
“Phù sa và lượng cá về vùng đồng bằng sẽ ít đi, thay vào đó tích tụ ở thượng nguồn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Ít phù sa dẫn đến sạt lở gia tăng và đất kém phì nhiêu”, ông Tuấn nói.
Các chuyên gia môi trường cho biết mực nước thấp đang khiến cá chết hàng loạt trên sông Mekong. Ảnh: Chiangrai Times. |
Mực nước sông hạ hơn 1 m
Trước đó, Văn phòng Tài nguyên Nước Thái Lan (ONWR) cho biết đã gửi thư vào ngày 19/7 đề nghị chính phủ Lào ngừng hoạt động thử nghiệm đập thủy điện Xayaburi trong vài ngày, vì mực nước sông Mekong ở nhiều nơi đã xuống dưới mức thấp kỷ lục được ghi nhận vào năm 1992.
“Người dân dọc sông Mekong đã bị ảnh hưởng tiêu cực vì mực nước sông đã hạ hơn 1 m”, Somkiat Prajumwong, Tổng thư ký của ONWR cho biết.
Máy đo trên dòng Mekong ở vị trí sau đập cho thấy mực nước giảm gần 1,8 m, mức thấp nhất trong 28 năm, theo ONWR. Trong khi đó, máy đo ở tỉnh Chiang Rai miền Bắc Thái Lan cho thấy mực nước đã giảm từ 2,7 m xuống 2 m, theo Bangkok Post.
Văn phòng Tài nguyên Nước Thái Lan đã đề nghị Lào ngừng hoạt động thử nghiệm đập thủy điện Xayaburi. Ảnh: Chiangrai Times. |
Theo các chuyên gia, mực nước thấp sẽ khiến lượng cá sụt giảm vì chúng không thể vào các nhánh sông sinh sản. Báo cáo gần đây của Ủy hội sông Mekong cho thấy các dự án đập thủy điện trên dòng Mekong sẽ giảm hệ thủy sinh tới 40% vào năm 2020, và dự đoán 80% nguồn cá sẽ cạn kiệt vào năm 2040, theo Bangkok Post.
Nguồn cá ở Việt Nam sẽ giảm 30%, trong khi ở Thái Lan giảm 55%, Lào 50% và Campuchia 35%.
Đập thủy điện Xayaburi bắt đầu thử nghiệm ngày 15/7, dự kiến cho đến 29/7, để chuẩn bị đi vào vận hành chính thức vào tháng 10. Công ty Điện lực Thái Lan (EGAT) và các đối tác Lào cùng đầu tư xây dựng đập, dự kiến phát điện phục vụ Thái Lan.
Bà Pianporn cũng cho biết đập Xayaburi đã gửi thư mời báo chí Thái Lan đến thăm đập, giải thích rằng đây là loại dự án run-of-river, tức cho nước chảy qua và không trữ nước. Nhưng bà bác bỏ lời giải thích này và nói mọi loại đập đều ảnh hưởng đến dòng chảy.
Nguy cơ khô hạn tái diễn do các đập xây mới
“Khi đang xây (đập Xayaburi) thì họ chưa đóng dòng nước lại, khi xây xong, đóng dòng chảy lại thì nước và phù sa sẽ bị giữ, tác hại sẽ tăng lên”.
Bản đồ do Bangkok Post công bố về các dự án đập dọc sông Mekong cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành 10/11 dự án đập. Đoạn sông Mekong tiếp theo, đi qua Lào rồi đến Campuchia, trước khi sang tới Việt Nam có tới 9 dự án đập thủy điện khác nằm trong kế hoạch và hai dự án đang xây là đập Xayaburi và đập Don Sahong ở biên giới Lào - Campuchia.
Bản đồ trên Bangkok Post cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành 10/11 dự án đập thủy điện (màu trắng), còn Lào và Campuchia đang xây (màu vàng) 2/11 đập đã lên kế hoạch (màu đỏ). Ảnh: Facebook/Pianporn Deetes. |
“Thái Lan vẫn mua điện, thì Lào nhất định vẫn xây”, ông Tuấn nói.
Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok chỉ ra rằng nền kinh tế lưu vực sông Mekong phụ thuộc vào mực nước và giao thông đường thủy, vận chuyển hàng hóa.
Tiến sĩ Thitinan cho rằng Trung Quốc đang xây dựng các đập thủy điện mà không lắng nghe lo ngại của các nước bị tác động, và "độc quyền, thao túng nguồn nước" giống việc xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo ngoài Biển Đông.
Quỹ Động thực vật hoang dã Thế giới (WWF) năm 2015 ví đập Don Sahong như “quả bom hẹn giờ đe dọa đến hệ sinh thái, an ninh lương thực của hàng triệu người và quần thể cá heo Irrawaddy đang nguy cấp trên sông Mekong... tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái suốt cho đến Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam”.
Các đập thủy điện sẽ phóng đại ảnh hưởng của thời tiết đối với Việt Nam nằm ở cuối dòng Mekong. “Khi mưa nhiều, các đập lại xả xuống hạ lưu nhiều, lại gia tăng lũ lụt... Vì khi có quá nhiều nước, phải xả ra, nếu không vỡ đập. Nói nôm na là ‘lũ chồng lũ’”, ông Tuấn nói. “Nhưng khi khô hạn (các đập) lại làm cho (hạ lưu) khô hạn hơn”.
Đoạn sông Mekong qua tỉnh Chiang Rai, phía bắc Thái Lan vào ngày 21/7. Ảnh: Bangkok Post. |
Mạng lưới Bảo tồn sông Mekong phía Bắc ngày 21/7 cho biết nhóm này đã gửi thư lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Thái Lan, kêu gọi các chính phủ dọc sông Mekong là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam xem xét lại các dự án đập thủy điện và tìm giải pháp giảm thiểu tác động tới hệ sinh thái của 22 đập thủy điện đã khai thác hoặc đang lên kế hoạch.
“Vấn đề đã nảy sinh và điều đó chứng tỏ phát triển đập thủy điện trên sông Mekong sẽ gây ra nhiều hệ lụy”, Somkiat Khuanchiangsa, điều phối viên của mạng lưới cho biết.
Bà Pianporn của International Rivers nói mực nước thấp và hệ quả về sinh thái như hạn hán hay cá chết hàng loạt sẽ “diễn ra thường xuyên” nếu một loạt đập thủy điện như Xayaburi đi vào hoạt động trong ba thập kỷ tới.
Đập thủy điện Don Sahong đe dọa loại cá heo Irrawaddy trên sông Mekong đã vào diện nguy cấp. Ảnh: WWF. |
“Người vận hành đập Cảnh Hồng ở Trung Quốc cần phải phân tích mực nước sông Mekong và các sông nhánh trước khi điều chỉnh dòng chảy, và phải thận trọng vì đập chỉ cách tỉnh Chiang Rai 360 km”, bà nói.
Bà cũng kêu gọi điều tương tự ở đập Xayaburi: chỉ thử nghiệm khi lượng nước trên sông Mekong có đủ. “Công ty Điện lực Thái Lan (EGAT) phải nhận ra rằng nước sông Mekong hữu hạn... cá sẽ dần dần bị xóa sổ”.
Từ phía Việt Nam, ông Tuấn cho rằng khó thay đổi được tình hình ở các nước láng giềng.
“Hoặc là bây giờ khuyến khích Lào phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng gió, mặt trời thay thế đập thủy điện, Việt Nam mua lại năng lượng tái tạo đó, tạo ra lợi ích hài hòa giữa hai bên. Họ cũng dồi dào về ánh nắng mặt trời, trên đất, hồ... phát triển năng lượng gió trên dãy núi cao”, tiến sĩ từ ĐH Cần Thơ nêu giả định.