Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Viện trợ đổ về Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sự tức giận vẫn tăng cao

Trong khi viện trợ tiếp tục đổ về Thổ Nhĩ Kỳ, sự tức giận ngày càng gia tăng ở một số nơi khi nhiều người dân cho rằng chính phủ đang làm không đủ.

Số người chết trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới hơn 33.000, với 29.600 người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và 3.500 người khác chết ở Syria, theo Wall Street Journal.

Trên khắp khu vực động đất lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, hàng triệu người đang rơi vào tình vô gia cư. Họ ngủ trong lều, ôtô hoặc trong nhà thờ Hồi giáo. Điều đó tạo ra thách thức lớn về hậu cần đối với cơ quan chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và tổ chức cứu trợ quốc tế, khiến các nạn nhân đang chờ đợi sự giúp đỡ ngày càng tức giận.

“Thật hỗn loạn”, Moustafa Osman, chuyên gia quản lý thảm họa và là cựu quan chức của tổ chức Cứu trợ Hồi giáo Toàn cầu, cho biết: “Viện trợ đến rồi lại ngừng, một phần vì công tác hậu cần nhưng một phần vì chính phủ quá tải và thiếu phản ứng quốc tế”.

Trong bối cảnh đó, có dấu hiệu cho thấy căng thẳng có thể bùng phát.

Lực lượng cứu hộ của Đức và Áo đã tạm dừng hoạt động tìm kiếm vào ngày 11/2, với lý do tình hình căng thẳng và lo ngại cho sự an toàn của nhân viên. Họ tiếp tục công việc sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đến bảo đảm an ninh khu vực, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Áo viết trên Twitter.

“Căng thẳng giữa các nhóm người khác nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng”, Trung tá Pierre Kugelweis thuộc Lực lượng Vũ trang Áo nói với hãng tin APA. “Chúng tôi đã ghi nhận một số vụ nổ súng”.

Bị lãng quên

Những chiếc máy bay chở đội cứu hộ và hàng viện trợ nhân đạo cho nạn nhân trong động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh suốt ngày đêm, chất đầy hàng hóa và sau đó nhanh chóng bay đi để nhường chỗ cho chiếc tiếp theo.

Sân bay nhỏ của thành phố Gaziantep, một trong số ít sân bay tại khu vực có đường băng không bị hư hại trong trận động đất ngày 6/2, là trung tâm chính để chuyển hàng viện trợ.

dong dat tho nhi ky anh 2

Một người phụ nữ bế con đứng gần đống đổ nát sau trận động đất ở Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Nhưng năng lực hạn chế của sân bay này đã biến nó thành “nút thắt cổ chai”, khi chính phủ và các tổ chức gấp rút viện trợ thực phẩm, lều trại, thuốc men và hàng tấn vật dụng khác cho người sống sót.

Một chiếc máy bay chở hàng C-17 của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - chở thiết bị cho một bệnh viện dã chiến - đã rời Abu Dhabi vào hôm 9/2. Nhưng nó không thể hạ cánh ở Gaziantep cho đến tối 10/2, 30 giờ sau khi khởi hành.

Trong khi đó, những người sống sót sau trận động đất đã lấp đầy gần 400 lều vào hôm 11/2 tại một khu trại được dựng lên ở Osmaniye.

Tugba Durmaz, 40 tuổi, cho biết cô đã rời khỏi chung cư sau khi tòa nhà bên cạnh sụp đổ. Cô kể lại mình đã trải qua một đêm mưa lạnh trong sân trường học gần đó.

Đến ngày hôm sau, những chiếc lều rộng màu trắng có logo của Cơ quan Quản lý Thảm họa và Khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) được dựng lên. Cô cùng đại gia đình được phân bổ hai chiếc lều trong số đó.

Durmaz cho biết đêm rất lạnh, nhưng cô được tiếp thêm sức mạnh từ chuyến thăm gần đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đã hứa hỗ trợ tài chính cho nạn nhân mất nhà cửa.

Thế nhưng, những cư dân Osmaniye khác cho biết họ nhận được rất ít sự giúp đỡ.

Tại nghĩa trang thành phố, Bulent Guzel (42 tuổi), cùng 3 chị gái đến chôn cất người thân. Chị họ anh, chồng cô cùng hai người con 24 và 19 tuổi đều thiệt mạng trong trận động đất.

Anh cho biết thi thể của họ được tìm thấy ở Kahramanmaras 5 ngày sau thảm họa.

Tay Guzel bị trầy xước do đào bới đống đổ nát ở Osmaniye để tìm kiếm những người thân khác. Anh tìm thấy một người còn sống và một người đã chết.

“Các đội cứu hộ của AFAD đến Osmaniye quá muộn. Mặc dù họ đã cố gắng hết mình, điều đó vẫn chưa đủ”, Guzel nói. “Osmaniye đã bị lãng quên. Chúng tôi không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào cả”.

dong dat tho nhi ky anh 3

Người dân trú ẩn sau một trận động đất ở Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Ông Erdogan thừa nhận thiếu sót nhưng trong những ngày gần đây, ông nói rằng phản ứng của chính phủ đã được cải thiện.

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 134 nhà thầu, kiến ​​trúc sư và kỹ sư liên quan đến hàng nghìn tòa nhà bị sập trong động đất. Một trong những người bị bắt giữ là Mehmet Yasar Coskun, nhà thầu chính xây dựng khu phức hợp Ronesans Residence bị sập ở Antakya.

Sau động đất, hàng trăm thi thể nằm dưới đống đổ nát của khu chung cư Ronesans. Các nhân viên cứu hộ đã đưa thi thể bọc trong túi đen ra ngoài, trong khi binh sĩ cho phép người thân đến nhận xác.

“Con trai tôi là một chú sư tử dũng cảm”, một người phụ nữ than khóc sau khi nhìn thấy thi thể con mình.

"Hàng viện trợ vẫn còn ở trong kho"

Nhiều quốc gia đã gấp rút điều động viện trợ, nhân sự và thiết bị để giúp đỡ nỗ lực cứu hộ ở khu vực bị động đất tàn phá tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Mỹ đã cử 159 nhân viên cứu hộ cùng 12 chó nghiệp vụ và huy động trực thăng Blackhawk hỗ trợ ứng phó thảm họa. Liên minh châu Âu (EU) cũng kích hoạt Hệ thống vệ tinh Copernicus để cung cấp dịch vụ lập bản đồ khẩn cấp, theo AP.

Thế nhưng, Mehmet Ali Edibohlu, bác sĩ và cựu thành viên Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết tại Hatay, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, phải mất 30 giờ các chuyến hàng sơ cứu mới đến nơi.

“Ngoại trừ xe cứu thương, không ai làm gì khi tôi đến, dù là quân đội, cảnh sát, hay chính quyền khu vực. Mọi người đều nói rằng họ đang chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài tỉnh”, ông nói. “Vào thời điểm đó, mọi người đều cố gắng cứu người thân hoặc người quen của mình”.

Yavuz Yigit, nhà hoạt động xã hội làm việc với hai tổ chức phi lợi nhuận, cho biết khi anh đến Islahiye hôm 7/2, người dân không nhận được bất kỳ đồ tiếp tế nào.

dong dat tho nhi ky anh 4

Hàng triệu người sống sót sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phải rời bỏ nhà cửa và sống dựa vào viện trợ nhân đạo. Ảnh: Wall Street Journal.

Mất điện khiến mọi người không thể sạc điện thoại và nhận thông tin về nơi lấy hàng cứu trợ.

“Hàng viện trợ đã đến, nhưng nó vẫn còn ở trong kho”, anh nói. “Mọi người đổ xô đến chỗ chúng tôi, nói với chúng tôi rằng họ đang chết cóng và chết đói”.

Tại thành phố Adiyaman bị tàn phá nặng nề, một trung tâm phân phối viện trợ đã được thành lập tại trường trung học cơ sở địa phương.

Hơn 1000 người mỗi ngày nhận đồ tiếp tế tại trường học. Các tình nguyện viên cho biết nhu cầu lớn nhất là lều vì rất nhiều người phải rời bỏ nhà cửa.

Tình nguyện viên Mustafa Karakut, 36 tuổi, cho biết anh đã chạy ra khỏi tòa nhà 4 tầng cùng vợ và 2 con gái khi trận động đất bắt đầu. Tòa nhà mới được xây dựng 2 năm sau đó bị sập, khiến họ trở thành người vô gia cư.

John Morrison, thành viên Đội Tìm kiếm và Cứu nạn Đô thị Quận Fairfax (Mỹ) nhận định: “Thổ Nhĩ Kỳ có một chương trình tìm kiếm và cứu hộ mạnh… nhưng với quy mô thảm họa như thế này, rõ ràng họ đã bị choáng ngợp”.

Trước Imam Cagdas - nhà hàng bán kebab và baklava nổi tiếng bên trong khu chợ Gaziantep - người dân xếp hàng để nhận bữa ăn truyền thống.

Kể từ hôm 6/2, nhà hàng đã phục vụ khoảng 4.000 người mỗi ngày miễn phí và cho phép 250 người vô gia cư ngủ bên trong.

Burhan Cagdas cho biết hầu hết khách mà nhà hàng phục vụ là người nghèo Thổ Nhĩ Kỳ hoặc người tị nạn Syria, chứ không phải là nhóm khách hàng cao cấp thông thường của họ.

“Chúng tôi sẽ xem xét nhu cầu và nếu họ cần, chúng tôi sẽ tiếp tục”, Cagdas, 24 tuổi, cho biết. “Động lực để tôi làm điều này là vì tôi biết họ cần sự giúp đỡ”.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.


Bài liên quan

Minh An