Hàm Nghi lên ngôi trong hoàn cảnh chủ quyền đất nước bị đe dọa, nội bộ triều chính bất hòa, phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thắng thế, triều đình rơi vào khủng hoảng trầm trọng người kế vị. Trong vòng 1 năm (từ 7/1883-7/1884) triều đình Huế đổi chủ ba lần. Cũng trong khoảng thời gian này, triều Nguyễn đã ký hiệp ước Harmand (25/8/1883) và Hòa ước Patenôtre (6/6/1884) với Pháp.
Lên ngôi thụ động, 4 năm lăn lộn chốn rừng thiêng nước độc
Trong tác phẩm Vua Hàm Nghi, tác giả Phan Trần Chúc (1907-1946), cho biết sau khi lên ngôi một thời gian ngắn, vua Hàm Nghi phải trải qua 4 năm lăn lội nơi rừng thiêng nước độc để nuôi dưỡng và khơi mào các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, cuối cùng ông bị bắt và bị Pháp đầy ở Algérie.
Ngày 1/8/1884, Nam triều lập Ưng Lịch lấy hiệu là Hàm Nghi. Ưng Lịch là con Kiên Thái Vương (Nguyễn Phúc Hồng Cai) và là em ruột vua Kiến Phúc, không được nuôi và dạy trong cung như 2 anh Chánh Mông và Dưỡng Thiện, cha chết sớm trong cảnh hàn vi với mẹ ngoài thành.
Hình ảnh cựu hoàng Hàm Nghi khi ông bị lưu đày tại Algeria năm 1889, in trên tạp chí Du hành (Journal des Voyages) của Pháp. Ảnh tư liệu. |
Năm 1884, Ưng Lịch mới 14 tuổi, cái tuổi còn ham đánh khăng với trẻ con hàng xóm hơn là lo chuyện triều đình. Một buổi sáng, sứ giả đến đón vào cung, bắt gặp Ưng Lịch ăn mặc rách rưới đang nô đùa với trẻ ở ngoài đường. Sứ giả đưa mũ áo ra bảo thay, cậu bé run lẩy bẩy không dám mặc, cũng không dám cầm lấy.
Tác giả Phan Trần Chúc cho biết, khi lập vua Hàm Nghi, Nam triều cũng không hỏi ý kiến lãnh sự Pháp, nên đã gây nên những bất đồng Việt - Pháp. Mặc dù, sau đó, mọi việc cuối cùng cũng được dàn xếp, thế nhưng sự bất đồng giữa hai bên không chấm dứt.
Tình hình trở lên căng thẳng khi phía Pháp quyết hạ Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường để nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam. Còn Tường, Thuyết vẫn nuôi ý định thoát khỏi sự khống chế của người Pháp.
Đầu tháng 5/1885, Thống soái De Courcy vào Huế, Tường, Thuyết quyết một phen và chuẩn bị khai chiến. Ngược lại, De Courcy cũng nhân dịp này muốn bắt sống Tôn Thất Thuyết. Rạng sáng ngày 23/5/1885, hai bên giao tranh, quân Nguyễn tấn công trước, xong phần lớn không trúng mục tiêu, quân Pháp ở Mang Cá tấn công trực diện vào Hoàng cung, Kinh thành Huế thất thủ. Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi và Từ Dụ Thái hậu chạy trốn về Quảng Trị. Sau đó, Từ Dụ Thái hậu trở về Huế, còn Hàm Nghi theo Tôn Thất Thuyết lên Tân Sở. Quân sĩ lúc ấy còn khoảng 500 người.
Khi kinh thành thất thủ, Nguyễn Văn Tường không theo xa giá mà ở lại điều đình với De Courcy. Viên thống soái này cũng muốn sử dụng cái uy của Tường để chiêu dụ Hàm Nghi, tuy nhiên việc không thành, sau 2 tháng Tường bị đày ra Côn Đảo, tiếp đó đưa đi Tahiti thì bị bệnh chết.
Ngay sau khi mới chạy ra Quảng Trị, Thuyết thông báo đi các tỉnh, yêu cầu quan lại tổ chức đội quân Cần Vương. Đảng văn thân ở các tỉnh đồng thời nổi lên.
Ngày 19/9/1885, De Courcy đưa Kiến Giang Công Ưng Kỵ (Chánh Mông) lên ngôi Hoàng đế. Lấy hiệu là Đồng Khánh.
Tôn Thất Thuyết định đưa vua ra Quảng Bình nhưng bị quân Pháp chặn đường phải lánh sang Lào, sau theo đường Quy Hợp về Hà Tĩnh, dùng Ấu Sơn làm đại doanh. Tại đây, Tôn Thất Thuyết sai thảo tờ chiếu Cần Vương lấy chữ vua Hàm Nghi phê chuẩn và gửi đi các tỉnh. Chiếu đề ngày 11/8 năm Hàm Nghi thứ Nhất.
Đầu năm 1886, Tôn Thất Thuyết để cho hai con trai của mình là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm tiếp tục duy trì “triều đình Hàm Nghi” chống Pháp, còn ông sang Trung Quốc tìm đường cầu viện.
Mùa hè năm 1887, Trương Quang Ngọc (theo hộ giá vua Hàm Nghi) bị mua chuộc bắt đầu nảy mưu phản. Tháng 9/1888, thêm tên Nguyễn Tinh Đình ra hàng và khai chỗ ở của vua Hàm Nghi. Ngày 1/11/1888 (nhiều sách chép khác nhau), Trương Quang Ngọc và Nguyễn Tinh Đình mang 20 tên Mường vác nỏ gươm giáo lên phía Chà Mạc, giết chết Tôn Thất Thiệp bắt vua Hàm Nghi. Tôn Thất Đạm tự vẫn.
Bị đi đày, học vẽ và trở thành nhà hội họa
Tác giả Phan Trần Chúc cho biết, sau khi bắt được vua Hàm Nghi, Ngọc, Đình cho đóng bè đưa vua về đồn Thanh Lạng. Ngày 14/11 chúng áp giải vua tới Thuận Bài. 15/11 đưa vua sang Bố Trạch, sau tới Thuận An. Tại Huế, vua từ chối tiếp Khâm sứ Pháp Rheinart và từ chối về kinh thành.
4h ngày 25/11, vua bị đưa xuống Lăng Cô đi Sài Gòn. Tới Sài Gòn, vua được chuyển sang tàu Biên Hòa đi thẳng Ái Nhĩ Nhiệt (Algérie). Trước khi rời xa Tổ quốc vua không nén nổi được sự lưu luyến đất nước, chợt nghĩ đến thân phận mình òa lên khóc.
Vào thượng tuần tháng giêng năm 1889, tàu đưa Hàm Nghi tới kinh thành Alger. Sau đó, người ta đưa ông đến El Biar, cách Alger vài cây số. Ông ở trong một tòa nhà kiểu thường dân xứ này. Trên cổng treo mấy chữ Vill des Pins (Tùng Hiên). Tuy ở chung quanh người lạ ông vẫn dùng nguyên lối y phục của nước mình; vẫn khăn lượt, vẫn áo dài.
Trong thời gian bị lưu đày, ông đã theo học ngành hội họa. Ảnh tư liệu |
Khi đến Phi châu, Hàm Nghi không chịu học tiếng Pháp, cho rằng học thứ tiếng ấy tức là thừa nhận kẻ đi chinh phục mình cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng một năm sau ông thấy sự không hiểu tiếng Pháp là một điều thiếu thốn lớn lao cho kẻ đã không cãi được số mệnh mà phải gửi thân phận của quê người.
Từ đó Hàm Nghi học tiếng Pháp, đọc sách Pháp thưởng thức văn chương mỹ thuật của Pháp. Và muốn thấu hiểu được môn Mỹ thuật của Tây Phương, nhà vua tập vẽ và sau đó trở thành một nhà hội họa.
Mô tả chỗ làm việc của Hàm Nghi tại “Tùng Hiên”, De Varigny phóng viên báo Le Temps viết: “Một phòng rộng lát đá hoa… Chỗ này vua Hàm Nghi ưa hơn cả và là chỗ làm việc suốt ngày. Trên bàn sách báo ngổn ngang, những bức tượng vẽ treo đầy cả trên tường. Trên giá còn mấy bức họa vẽ dỡ. Rồi, nào chỗ đánh đàn, máy ảnh. Những vật ấy lột ra ở một cái chí am hiểu, biết sáng chế…”.
Âm nhạc và mỹ thuật đã trở thành hai món tiêu khiển giúp cho Hàm Nghi khuây khỏa những nỗi đau mất nước và nỗi khắc khoải hoài thương cố quốc.
Bức Chiều tà của vua Hàm Nghi được bán đấu giá tại Paris năm 2010. Tác phẩm được vẽ năm 1900, bên trái phía dưới có ghi nơi sáng tác - Algérie. Ảnh tư liệu. |
Trong cuốn Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc nhân vật & sự kiện lịch sử (NXB Hồng Đức, 2015), tác giả Lê Nguyễn cho biết thêm, cựu hoàng Hàm Nghi sau đó tìm thấy xung quanh những người bạn hiểu mình. Một người bạn trong số đó thường nhắc câu nói của ông: Lịch sử nước Pháp làm cho tôi mê say, nhưng lịch sử nước tôi cũng đẹp như thế.
Tháng 11/1904, Hàm Nghi cưới cô Laloe, 19 tuổi con gái viên Chủ tịch tòa án Alger. Cuộc hôn nhân này cho ra đời 3 người con: công chúa Như Mai, công chúa Như Lý và hoàng Tử Minh Đức.
Không ai biết nhiều về những năm tháng cuối đời của Hàm Nghi. Ngay ngày mất của ông, có tài liệu cho là ngày 14/01/1944, có tài liệu lại ghi này 4/1/1943.